Mong sao học phí tăng tỷ lệ thuận với chất lượng đào tạo!

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Đề án đổi mới cơ chế hoạt động của một số trường đại học công lập, nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục này chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo.

Mong sao học phí tăng tỷ lệ thuận với chất lượng đào tạo!

Theo đó, cơ chế mới sẽ cho phép các trường tăng mức thu học phí theo lộ trình phù hợp.

Tất nhiên, việc cho phép các trường tăng thu không ngoài mục đích giúp những trường này được quyền tự chủ cao hơn trong việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo.

Trường ĐH Tài chính – Marketing được báo sẽ thực hiện mức thu học phí bình quân tối đa đối với ĐH chính quy (chương trình đại trà) năm 2015 - 2016 là 14,5 triệu đồng/SV/năm, năm 2016 - 2017 là 16,5 triệu đồng.

Trường ĐH Hà Nội sẽ thu học phí theo kế hoạch với mức thu bình quân (của chương trình đại trà, trình độ ĐH) năm học 2015 - 2016 tăng lên 12 triệu đồng/SV/năm và đến năm học 2016 - 2017 là 14 triệu đồng/SV/năm.

Còn theo Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của ĐH Kinh tế Quốc dân thì học phí của trường này sẽ tăng theo lộ trình. Nếu năm học 2014 - 2015 mức học phí tối đa được thu là 9,5 triệu đồng/SV/ năm, thì sang năm học 2015 – 2016 sẽ tăng lên 11,5 triệu đồng/SV/ năm và đến năm học 2016 -2017 là 13,5 triệu đồng/SV/năm.

Theo một lẽ thông thường là xã hội rất hay dị ứng với chữ “tăng”, mỗi khi nghe tăng giá tăng chi phí cũng đồng nghĩa với việc người dân thêm gánh nặng chi tiêu.

Nhưng có lẽ không nhiều người hiểu rằng đối với một cơ sở đào tạo, học phí là nguồn thu chủ yếu của các cơ sở đào tạo.

Tuy nhiên, mức thu này vẫn không đảm bảo chi cho dù từ năm 1998 - 2010, Chính phủ đã 3 lần cho phép các trường tăng học phí. Thực tế cho thấy, với mức thu được phép hiện nay thì theo tính toán đến năm 2015 cũng chỉ đáp ứng được từ 50% - 60% chi phí đào tạo cần thiết.

Để duy trì hoạt động đào tạo, các trường sẽ phải tính toán sao cho bảo đảm hoạt động của trường mình, cái gì bớt được thì bớt, cái gì không thể thì giữ nguyên với mức tối thiểu hoặc trông chờ vào sự trợ giúp từ Nhà nước hay “câu kéo” từ các nguồn khác.

Có vẻ như chúng ta đang quá quen với một nghịch lý và dường như đã trở thành nếp nghĩ khó thay đổi, đó là Nhà nước phải chịu gánh nặng chính cho chi phí học tập của người dân, trong khi yêu cầu về chất lượng đào tạo lại ngày càng cao.

Đây là điều khó chấp nhận vì thực tế là Nhà nước không thể có nguồn lực như vậy, thêm nữa cần phải thấy rằng chia sẻ với nhà trường trong hoạt động đào tạo là việc cần làm.

Trong một xã hội bình đẳng trong lao động và cạnh tranh về các cơ hội việc làm và thu nhập, thì việc mong muốn duy trì chính sách học phí thấp nhằm tạo cơ hội học tập cho HS, SV, tăng quy mô là điều khó vì thực tế không thể cào bằng các ngành đào tạo, các điều kiện học tập giữa các trường, các SV với nhau.

Trường có điều kiện dạy– học tốt hơn, trang thiết bị hiện đại hơn, đào tạo các ngành nghề mang tính đặc thù… thì chi phí cho đào tạo sẽ cao hơn.

Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các trường ĐH công lập với việc cho phép những trường này được tăng thêm mức học phí đáp ứng đủ yêu cầu đào tạo đang được xã hội quan tâm đặc biệt và kỳ vọng đây sẽ là nguồn lực thúc đẩy các trường này khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, xã hội cũng mong muốn việc tăng học phí này cũng phải tỷ lệ thuận với chất lượng đào tạo, và các trường cũng cần phải công khai, minh bạch các nguồn thu, chi tài chính liên quan để người dân có thể cùng giám sát.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ