Nhồi nhét học gấp
Cứ đến gần kỳ thi, những lớp ôn thi cấp tốc, dịch vụ gia sư cấp tốc lại đông HS tìm đến. Trong khoảng thời gian ngắn nhồi nhét ôn tập kiến thức, điều khiến nhiều người lo ngại với kiểu học xổi như vậy, HS ra khỏi phòng thi liệu có quên hết kiến thức?
Có những HS khi biết thi môn gì mới học nước rút môn đó. Đấy chính là một cách học và thi theo kiểu ứng thí”, thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội) nhận định.
Rõ ràng, nếu học để lấy kiến thức thì không có cảnh học nhồi học nhét như vậy. Tâm lý ứng thí dường như đè nặng lên vai nhiều học trò, dù chưa hết thời gian năm học.
Năm nay, Hà Nội thực hiện thi vào lớp 10 THPT 4 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Mặc dù Sở GD&ĐT Hà Nội đã định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 sẽ bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình THCS, chủ yếu là lớp 9, tuy nhiên vào tháng Ba, khi môn Sử được công bố chính thức là 1 trong 4 môn thi, lập tức nhiều phụ huynh và HS nháo nhào tìm GV, tìm “lò” luyện Sử.
Nhiều phụ huynh lập group (nhóm) trên Facebook để cùng chia sẻ cách thức, nội dung ôn thi môn Lịch sử. Đặc biệt là có những phụ huynh lo lắng tìm thầy luyện trực tiếp cho con ở nhà. Lần đầu tiên môn Lịch sử có mặt trong kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT ở Hà Nội, do đó cùng với sự bất ngờ của không ít HS, GV, việc HS lớp 9 ở Hà Nội nháo nhào gấp rút “luyện Sử” trong hơn 1 tháng qua cho thấy học kiểu ứng thí đang còn rất đậm nét trong thực tế dạy và học ở trường phổ thông.
Thi mới lo học?
Theo ghi nhận của PV Báo GD&TĐ, group mạng xã hội của phụ huynh nhiều trường THCS, nhất là phụ huynh có con học lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 có một sự quan tâm đặc biệt đến nội dung môn Lịch sử lớp 9, điều này dường như chưa từng thấy trong những năm gần đây. Các phụ huynh, HS chia sẻ nhau tài liệu ôn tập, cách làm đề minh họa của Sở GD&ĐT, bí quyết làm bài thi môn Sử, thậm chí hướng dẫn cách ghi nhớ môn Sử, cách ôn tập cấp tốc cũng được chia sẻ trên mạng xã hội...
Gọi điện thoại đến một trung tâm quảng cáo cung cấp cho HS gia sư ôn cấp tốc môn Lịch sử lớp 9, chúng tôi được người trực hotline của trung tâm cho biết: “Thuê GV đang dạy cấp 2, cấp 3 tại Hà Nội làm gia sư có giá là 250.000 đồng/buổi, còn gia sư là sinh viên có giá 150.000 đồng/buổi.
Người này cũng tư vấn có thể cho con học gia sư tại nhà bao nhiêu buổi trong tuần cũng được, miễn là HS có thể hệ thống kiến thức trong thời gian ôn tập nước rút. “Trung tâm sẽ cho GV đến kiểm tra kiến thức, xem HS có nắm được gì không. Nếu HS nắm được nhiều kiến thức thì học ít, nếu kiến thức không đủ để thi thì phải tăng số buổi học lên”, người của trung tâm tư vấn nước đôi - “Cử GV đến nhà HS để học thử làm quen buổi đầu. Nếu dạy ổn thì học tiếp, nếu không ổn miễn phí luôn buổi học đó và đổi GV khác”.
Để học đều, tránh học tủ, ôn tủ, nhiều trường THCS, nhiều GV, HS lớp 9 ở Hà Nội ngay từ đầu năm học đã chuẩn bị sẵn tâm thế đón nhận bất cứ môn học nào có khả năng trở thành môn thi thứ 4 trong kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT. Song, ngay cả với những trường, những GV đã chuẩn bị trước tâm thế như vậy thì áp lực học và thi rất khác nhau.
Cuộc chạy đua nước rút ôn sâu thêm môn Lịch sử (bên cạnh Toán, Văn, Ngoại ngữ) có lẽ chỉ kết thúc vào đầu tháng 6 tới, khi kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT chính thức diễn ra.