Học hỏi về tình yêu thương qua những em bé

Học hỏi về tình yêu thương qua những em bé

(GD&TĐ) - Trong một lớp học ở thủ đô Toronto, Canada, một em bé 10 tháng tuổi đang bò về phía giữa sàn nhà trong vòng vây háo hức của các em học sinh lớp 3 và lớp 4. Đó là Stephana, tên mà những học sinh gọi em bé. Thỉnh thoảng Stephana dừng bò, quay đầu lại để nhìn mẹ của mình. Một cậu học sinh nhanh nhẩu “cắt nghĩa”: “Khi em bé quay lại nhìn mẹ, tức là em muốn kiểm tra xem liệu mọi chuyện có ổn không đấy mà”.

Những HS đang chơi với một em bé như một cách để học hỏi về sự cảm thông
Những HS đang chơi với một em bé như một cách để học hỏi về sự cảm thông

Stephana được giáo viên và mẹ em đưa đến lớp để giúp những học sinh học và hiểu về tình yêu thương và sự, bao dung, chia sẻ. Chương trình các em học sinh đang học cùng Stephana được mang tên “Cội nguồn của sự cảm thông” (Roots of Symphathy - ROE). Cứ mỗi tháng một lần, các em học sinh lại được gặp và chơi với Stephana và chứng kiến cảnh hai mẹ con Stephana âu yếm nhau trên một tấm đệm trải giữa lớp cùng sự hướng dẫn của giáo viên. Ví dụ, khi Stephana tỏ ra khó chịu, như bị đau bụng chẳng hạn, em bé bắt đầu khóc và các em học sinh cuống lên vì không biết làm sao để dỗ em bé nín khóc. Một giáo viên sẽ giải thích: “một em bé khóc không phải là một em bé xấu, mà là một em bé đang có vấn đề cần giúp đỡ” để các em học sinh biết.

Tham gia trong chương trình “Cội nguồn của sự cảm thông”, Stephana giúp các anh chị học sinh học hỏi và chia sẻ các cảm xúc của mình. Các em học sinh được hướng dẫn thảo luận trước và sau khi gặp và chơi với Stephana, từ đó em sẽ có dịp hiểu và thông cảm với các bày tỏ cảm xúc của bạn bè và nhiều người khác. Các em học sinh sẽ được đặt vào tình huống của cha mẹ em bé và hiểu hành vi của một em bé sẽ ảnh hưởng đến người lớn ra sao. Qua đó, học sinh sẽ hiểu được những điều mà các em trứơc đây chưa bao giờ quan tâm hay biết đến. Từ đó, các em học sinh sẽ tỏ ra quan tâm và độ lượng hơn, biết chú ý đến nhu cầu của mọi người và sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh hơn.

“Cội nguồn của sự cảm thông” là một trong các chương trình đầy hứa hẹn được áp dụng trong giáo dục công dân dành cho những học sinh ngay từ các lớp mẫu giáo và tiểu học, với sự tham gia của những em bé và phụ huynh trong lớp học. Sở dĩ những em bé được chọn là trung tâm của chương trình vì trẻ em là những người rất dễ dàng bộc lộ bản năng, tình yêu thương và biểu hiện tình cảm ra bên ngoài.

Chương trình giáo dục “Cội nguồn của sự cảm thông” được ra đời ở Canada từ năm 1996. Đến nay, “Cội nguồn của sự cảm thông” đã được giảng dạy cho 315.000 em học sinh tại 4 quốc gia khác nhau. Tại Mỹ, chương trình “Cội nguồn của sự cảm thông” đang được thực hiện trong 40 trường học. Ước tính, trong năm 2010, có thêm 50.000 em học sinh trong 2.000 lớp học được giảng dạy về tình người theo phương pháp này. Theo chuyên gia nhi khoa Daniel Siegel của Đại học California, với chương trình “Cội nguồn của sự cảm thông”, “Các em đã không còn được giảng suông về sự bao dung và cảm thông, các em còn chứng kiến tận mắt những điều đó”.

Đến nay, đã có 9 cuộc nghiên cứu cho thấy chương trình “Cội nguồn của sự cảm thông” đã giảm “tính hung hăng và làm tăng thêm ý thức xã hội cho các em học sinh”. Với những hiệu quả đã đạt được tới nay, nhiều nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng, “Cội nguồn của sự cảm thông” là những chương trình hữu hiệu nên được áp dụng phổ biến hơn để giúp cho các em học sinh học được lòng bao dung và làm giảm những ảnh hưởng của hiện tượng văn hóa bạo lực đang có khuynh hướng tràn lan trong xã hội.
 

Vũ Anh Tuấn (theo Time)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ