Học hè – xin hãy là mong muốn

GD&TĐ - Gửi trẻ theo học các lớp năng khiếu, thể thao, kỹ năng sống… trong dịp nghỉ hè dường như đã trở thành nhu cầu của hầu hết các bậc cha mẹ thay vì của con cái. 

Khóa học kỹ năng sống tại thiền viện
Khóa học kỹ năng sống tại thiền viện

Không ít cha mẹ đã coi đây như một lớp học trông trẻ tạm thời trong những ngày con tạm xa trường lớp. Chính bởi học hè không xuất phát từ mong muốn, nguyện vọng nên đã đẩy không ít trẻ rơi vào cảnh sợ học.

Học vì cha mẹ

Từ rất nhiều trường hợp bỏ dở các khóa học kỹ năng sống, hoặc các lớp học năng khiếu nghệ thuật, thể thao cho thấy sự lựa chọn của cha mẹ cho con theo học vào dịp hè nhiều khi chỉ gửi gắm niềm tin, kỳ vọng của chính mình. Khi lựa chọn môn học, hình thức học nhiều cha mẹ không tìm hiểu các khóa học có phù hợp với con mình hay không? Mang lại lợi ích gì cho con? Con đang thiếu kỹ năng gì? Con có hứng thú với môn học hay không?... để bồi đắp cho phù hợp. Cha mẹ hoàn toàn quyết định theo mong muốn, thay vì tìm hiểu kĩ càng để lựa chọn cách học hè phù hợp hiệu quả.

Gia đình anh Hà Trung (Đống Đa – Hà Nội) gửi con gái 10 tuổi vào một lúc hai lớp học năng khiếu: hát và múa. Sở dĩ cho con học năng khiếu nghệ thuật nhiều như vậy bởi vợ chồng anh thấy con gái khá cứng rắn, cá tính và nghịch ngợm. Cho con vào lớp học múa, hát… sẽ giúp con được học năng khiếu mặt khác giúp con nhẹ nhàng nữ tính hơn khi lớn lên. Thế nhưng những môn học nghệ thuật này không phải là sở thích và mong muốn nên chỉ được vài buổi nên con gái nằng nặc bỏ học. Con nêu ra hàng loạt lý do để từ chối tiếp tục học như: đau chân, mệt mỏi, đau họng khi luyện thanh… Bố mẹ khuyên giải ra sao bé cũng không nghe, thậm chí bất hợp tác với giáo viên hướng dẫn để nhất quyết đòi nghỉ. Khóa học 2 môn nghệ thuật gần chục triệu học phí đành bỏ bởi không được hoàn trả hay giảm trừ.

Trên diễn đàn làm cha mẹ, Anh Hoàng Tú (Thanh Xuân) kể chuyện nhà mình để các gia đình cùng tham khảo rút kinh nghiệm: Cậu con trai duy nhất đã lên 9 tuổi được ông bà, bố mẹ khá chiều chuộng. Ngoài học tập, con trai chỉ tiếp xúc nhiều nhất với máy tính, ti vi và trò chơi điện từ và tỏ ra nghịch ngợm luôn chân luôn tay.

Vì muốn cách ly con hoàn toàn với những trò chơi vô bổ đồng thời uốn nắn con sự điềm tĩnh trong tính cách nên vào kỳ nghỉ hè vợ chồng anh đã bàn bạc và thống nhất đăng ký cho con tham gia lớp học tu 2 tuần tại một ngôi chùa trong Hà Nội. Như vậy, con sẽ được rèn luyện mà cũng chỉ trong Hà Nội gia đình có thể kiểm soát hàng ngày.

Thế nhưng với sự giáo dục rèn luyện khá khắc nghiệt và thay đổi đột ngột trong sinh hoạt hàng ngày nên chỉ sau 3 ngày đầu con trai gần như không chịu đựng được. Anh Tú cũng cho biết, nội dung hướng dẫn cách tọa thiền, tu học Phật pháp, những bài giảng khá cao siêu so với lứa tuổi… nên con anh không bị thu hút và có hứng thú khám phá và thậm chí có phần lo sợ. Trước lúc tham dự bé có phần tò mò và quyết tâm tạm xa gia đình bao nhiêu thì sau đó lại nức nở nhất quyết đòi về.

Lựa chọn để đạt hiệu quả

Rèn luyện kỹ năng sống dịp hè đã được các chuyên gia giáo dục cảnh báo hiện nay thuật ngữ kỹ năng sống được sử dụng khá phổ biến nhưng có phần bị lạm dụng khi chính những người huấn luyện hay tổ chức và các bậc cha mẹ cũng chưa thật hiểu gì về nó. Nhiều người lầm tưởng và đồng nhất giữa kỹ năng sống, các kỹ năng mềm; đồng hóa giữa kỹ năng sống và kỹ năng thực hành xã hội...

Vì vậy lời khuyên được đưa ra là cha mẹ cần cân nhắc khi lựa chọn những khóa học có tính chuyên biệt để con cái được tiếp thu kiến thức chuyên biệt. Chương trình học phải cân bằng giữa lý thuyết và nội dung, phải có độ dày về mặt tâm lý, phương thức huấn luyện phải được thể hiện bằng sự trải nghiệm và khả năng bộc lộ nhận thức, cảm xúc. Phụ huynh cũng đừng hiểu lầm chỉ học cách ngồi, cách gấp màn, quét nhà… cho con đã xong về kỹ năng sống.

Chị Ái Thu – Ba Đình chia sẻ kinh nghiệm: nếu thực sự muốn con hiểu được giá trị lao động, hiểu được công việc hàng ngày của người nông dân thì không nhất thiết cha mẹ phải cho con tham gia các lớp kỹ năng sống tập thể. Gia đình hoàn toàn có thể làm tốt điều này nếu dành thời gian đưa con về quê với ông bà hoặc những người thân tin cậy.

Như vậy gia đình vừa đỡ tốn kém, các con lại được tiếp xúc với thực tế một cách hiệu quả. Các khóa học kỹ năng mềm đều hữu ích, tuy nhiên, không thể có một sự thay đổi hay hình thành thói quen nào đó chỉ với vài ngày hay một tuần của khóa học. Kinh nghiệm từ gia đình chị cho thấy, sự hỗ trợ, tiếp sức của gia đình chị ở quê đối với hai con được chị gửi về mới duy trì tốt kết quả huấn luyện và tạo ra sự thay đổi ở các con.

Các chuyên gia giáo dục chỉ ra rằng, kỹ năng sống là những kỹ năng tâm lý xã hội giúp con người thích ứng và thành công trong cuộc sống. Chính vì vậy, chính bản thân mỗi người phải chịu khó rèn luyện. Người huấn luyện có thể là cha mẹ, chuyên gia hoặc chính người thân chứ không nhất thiết phải là các thầy cô giáo ở trung tâm huấn luyện. Kỹ năng sống phải được bồi đắp hàng ngày chứ không thể trông chờ khóa học 1 tuần hay nửa tháng thì người học mới hoàn thiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ