Học để làm người có ích |
* Nho giáo và vấn đề đạo đức
Nho giáo quan niệm trời đất sinh ra và vận động, muôn loài sinh và diệt đều theo đúng những gì vốn có của tự nhiên, đó là đạo của tự nhiên. Con người không đặt ra được đạo của đất trời, nhưng cần biết lập ra đạo của người để có thể sống một cách đúng đắn, phù hợp với tự nhiên và đời sống xã hội. Không biết đạo và không hành đạo thì không thể làm người và là vô đạo.
Xung quanh vấn đề đạo làm người, có rất nhiều biện luận cụ thể khác nhau của các bậc sáng lập ra Đạo Nho và các danh Nho những đời sau. Nhưng điểm nhất quán trong học thuyết Nho giáo về đạo là đức gắn chặt với đạo. Từ một góc nhìn khác tổng quát hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhận xét: “Đạo Khổng không phải là một tôn giáo, nói cho đúng hơn thì đó là một môn dạy đạo đức và phép xử thế”. Như thế có thể thấy vấn đề đạo đức, cũng tức là vấn đề đạo làm người, là một vấn đề trung tâm của Nho giáo.
Khái niệm đạo đức của Nho giáo, trải qua mấy ngàn năm, đương nhiên không thể nhất thành bất biến. Và nhìn chung khái niệm đạo đức của Nho giáo rộng hơn khái niệm đạo đức mà chúng ta thường dùng ngày nay. Thí dụ Nho giáo nói đến tứ đức của người phụ nữ là công, dung, ngôn, hạnh; đức ở đây được dùng để chỉ cả hình thức của người phụ nữ. Hoặc cũng có khi Nho giáo nói đến tứ đức của người quân tử là nhân, nghĩa, lễ, trí; trí ở đây được bao hàm trong đức.
Bây giờ trở lại xem xét hai yếu tố cơ bản nhất của đạo và cũng là của đạo đức Nho giáo là nhân và nghĩa. Nhân là để chỉ quan hệ với người khác, còn nghĩa là để chỉ chính mình.
Nói đến đức nhân, Khổng Tử, Mạnh Tử, Đổng Trọng Thư đều nói đến lòng thương yêu con người, đến lòng trắc ẩn, nhưng ngoài ra các vị chân Nho đó còn nói đến nhiều ý nghĩa và biểu hiện khác của nó. Một cách khái quát, đức nhân được thể hiện trong mối quan hệ giữa con người với con người: Đó là hiếu, đễ, cung kính với người trên, trung thực, cương trực, nghiêm khắc với sai trái...
Đức nghĩa là sự tự vấn lương tâm mình, lấy sự hổ thẹn làm đầu mối. Điều nghĩa là điều nên nói cho người. Việc nghĩa là việc nên làm cho người. Ngược với nghĩa là phi nghĩa. Người ta cũng dùng khái niệm chính đạo để chỉ nghĩa, ngược với chính đạo tức tà đạo là phi nghĩa.
Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi không chủ trương đi sâu vào tư tưởng Nho giáo, đạo đức Nho giáo, nhưng không thể không nhấn mạnh nhiều giá trị đạo đức của Nho giáo là giá trị mang tính nhân loại.
* Sự tiếp biến của đạo đức Nho giáo vào Việt Nam và đạo làm người của dân tộc Việt Nam
Đức trung của Nho giáo là một ví dụ. Đức trung này được hiểu là sự trung thành với một dòng họ, dòng họ đó đang trị vì một nước nhưng thường có tham vọng bình thiên hạ để làm hoàng đế của một thiên hạ gồm một số nước không hạn định dưới gầm trời. Còn đối với Việt Nam, đức trung được hiểu là trung với nước, một nước Việt Nam sớm được định hình trong lịch sử bằng mồ hôi xương máu của bao thế hệ người Việt, với núi sông, bờ cõi, phong tục, tập quán riêng. Chúng ta có thể xem xét đức hiếu để thấy rõ thêm sự tiếp biến của đạo đức Nho giáo khi vào Việt Nam. Đối với Nho giáo, hiếu là hiếu với cha mẹ. Theo Phan Ngọc cũng chữ hiếu ấy khi vào Việt Nam lại được chia thành tiểu hiếu tức hiếu với cha mẹ và đại hiếu tức hiếu với nước. Như vậy, chữ hiếu của Nho giáo khi vào Việt Nam đã được tiếp nhận và biến đổi qua lăng kính của lòng yêu nước. Khi Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt đưa về Trung Quốc, Nguyễn Trãi và em đi theo cha. Nguyễn Phi Khanh đã khuyên Nguyễn Trãi rằng ông là người có tài nên quay về làm việc đại hiếu là cứu dân, cứu nước, còn việc tiểu hiếu là chăm sóc cha thì để cho người em làm. Nguyễn Trãi vâng lời cha quay về tìm đường tìm cứu nước và đã giúp Lê Lợi làm nên đại nghiệp đánh đuổi giặc Minh, giải phóng đất nước.
Như thế, đối với nhà Nho Việt Nam, đức cao cả nhất là giúp dân, giúp nước; giúp dân, giúp nước là cái gốc của nhân nghĩa, phò vua cũng là trung với nước; còn hiếu với nước là cái hiếu lớn nhất, phải đặt lên trên hết để báo đáp. Sau này, Hồ Chủ tịch dạy chúng ta “trung với Đảng, hiếu với dân”; đó là sự kế thừa tinh thần trung, hiếu truyền thống của dân tộc, nhưng đã được nâng lên một tầm cao mới; ở đây, Đảng không chỉ là đội tiên phong của giai cấp mà còn là người đại diện cao nhất cho lợi ích của đất nước và cho quyền lợi của nhân dân.
Từ một góc độ tiếp cận khác, cần nhấn mạnh rằng, dân tộc Việt, từ trong cội nguồn, là một dân tộc trọng nghĩa tình. Dân tộc ta có một khái niệm mang sắc thái đạo lý và tình cảm đặc biệt hiếm thấy có ở các dân tộc khác, đó là khái niệm đồng bào. Khái niệm này gắn liền với truyền thuyết về sự ra đời của những người con đất Việt từ một bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Những người con của mẹ Âu Cơ ấy đã người lên rừng, người xuống biển, khai sơn lấn biển, lập nên nước Việt ngàn đời. Tình cảm anh em một nhà là cơ sở của tình nghĩa đồng bào - con dân của nước, cho nên mới có câu ca “Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước thì thương nhau cùng”. Cái tình đất nước mênh mang ấy đã tồn tại vững bền qua năm tháng trên nền tảng những mối liên kết của tình làng nghĩa xóm, tình nghĩa vợ chồng đằm thắm thuỷ chung, tình cảm bố mẹ con cái trên kính, dưới nhường ngọt bùi chia sẻ... Tất cả những điều này đã tạo nên nền tảng đạo đức trong bản sắc dân tộc, giúp người dân Việt, mặc dù chịu ảnh hưởng sâu sắc của hệ tư tưởng Nho giáo, đã hình thành được những quan niệm riêng về đạo làm người.
Có thể nói rằng trên cơ sở đạo đức nền tảng của dân tộc, từ sự giao lưu và tiếp biến các giá trị đạo đức từ bên ngoài, chủ yếu từ Nho giáo, đã hình thành một đạo làm người của dân tộc Việt Nam. Đạo làm người đó được thể hiện ở lòng yêu nước thương dân, ở lối sống tình nghĩa lá lành đùm lá rách, ở lòng thương người như thể thương thân trong xóm ngoài làng, ở tình vợ chồng thuỷ chung, tình cảm gắn bó giữa bố mẹ con cái, anh chị em trong gia đình, dòng tộc...
* Học để làm người với việc chú trọng giáo dục đạo đức trong nền giáo dục cổ truyền của dân tộc
Học là học để làm người
Biết điều hơn thiệt, biết lời thị phi
(Ca dao)
Như thế, từ xa xưa cha ông ta đã quan niệm rất rõ ràng học là để làm người, làm người là phải biết điều hơn thiệt, biết lời thị phi, phân biệt được phải, trái, đúng, sai để sống cho có nhân, có nghĩa.
Nhận thức rõ vai trò của sự học đối với việc làm người, nền giáo dục phong kiến Việt Nam theo Nho học luôn chú trọng đến giáo dục đạo đức, nhằm hình thành ở con người những đức nhân, nghĩa, lễ, trí, tín..., biết trọng tình thương, biết yêu lẽ phải, biết chia sẻ nỗi đau với đồng loại đồng bào để con người ngày càng hoàn thiện, thánh thiện hơn. Nội dung giáo lý đạo đức của các bậc thánh hiền trở thành nội dung học tập, và trong quá trình học tập thì “tiên học lễ, hậu học văn”, tức là trước hết phải học những phẩm chất đạo đức cần thiết để làm người sau đó mới học văn chương, kiến thức. Nhà nước, với tư cách là người đứng ra tổ chức thi tuyển hiền tài, cũng hết sức chú trọng đến đạo đức của sĩ tử. Ngay từ khâu cử tuyển học trò đi thi ở làng xã thì “cách lấy học trò phải trước đức hạnh, sau văn chương” (Bia số 5 ở Văn Miếu). Đối với thí sinh đã thi đỗ đại khoa thì triều đình yêu cầu: “Người có tên trên tấm bia này, đương nhiên là phải lấy đức hạnh, tiết nghĩa mà sửa mình, lấy học vấn, văn chương mà lập chí... danh thực xứng nhau, trên không phụ ơn tri ngộ của triều đình, dưới không phụ những điều mình đã học” (Bia số 7 ở Văn Miếu).
Trong thực tế lịch sử dân tộc, nhìn chung những Nho sĩ được đào luyện trong rừng Nho biển thánh của nền giáo dục Nho học Việt Nam đều tỏ ra “danh thực xứng nhau”, “không phụ những điều mình đã học”. Nếu không lập được những công tích với dân với nước có thể lưu truyền hậu thế thì họ cũng là những tấm gương mẫu mực về đức hạnh cho cộng đồng noi theo. Những nét đẹp đạo đức nổi bật của kẻ sĩ xưa là lòng yêu nước, thương dân, là lối sống tương thân tương ái với cộng đồng, là tinh thần sẵn sàng giúp nhau lập thân lập nghiệp, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, là tình cảm tôn sư trọng đạo, là lòng hiếu thảo với cha mẹ, sự thuỷ chung trong tình nghĩa vợ chồng... Vũ Ngọc Khánh với bề dày nhiều năm nghiên cứu về giáo dục và việc học hành thi cử ở nước ta trong lịch sử đã có một nhận xét thú vị: Ông chưa biết một ông nghè Việt Nam nào là người phụ bạc người vợ thuở hàn vi, trong khi đó điều này có không ít ở nước ngoài, chuyện về Tần Hương Liên là một ví dụ.
Không phải chỉ đến khi học hành thành đạt, hoặc đã đạt đến một trình độ học vấn cao thì người đi học xưa mới nắm được đạo mà ngay trong quá trình học tập, họ đã rèn luyện để có được những đức tính và phẩm chất tốt đẹp. Chẳng hạn việc học tập đã giúp cho nhiều học trò xưa có được đức tính kiên trì vượt khó. Bảng nhãn Trần Bảo Tín (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hồi nhỏ đi học ở làng không có tiền mua giấy đã dùng lá phơi khô để làm giấy. Nguyễn Huy Tốn (người xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) ngày dạy học, đêm sáng trăng ông học nhờ ánh trăng, đêm tối trời ông dùng thẻ hương đốt lên soi vào từng chữ để học, ông còn bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn để học.
Có thể kể rất nhiều về việc trong lịch sử cha ông ta học và hành đạo làm người như thế nào. Nhưng chỉ xin dẫn thêm ra ở đây hai câu thơ của nhà Nho Việt Nam - tiến sĩ - nhà thơ - người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi:
“Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông!”
(Thuật hứng, V)
Hai câu thơ trên của Nguyễn Trãi có thể tiêu biểu cho lòng yêu nước thương dân - đức cao cả nhất theo quan niệm đạo làm người của dân tộc. Lời thơ cuồn cuộn trải rộng đến không cùng thể hiện tấm lòng của một nhân cách lớn. Và nhân cách ấy, tấm lòng ấy có được là nhờ đã tiếp thu và rèn luyện được đạo làm người trong quá trình khổ công dùi mài kinh sử của người đi học. Tinh thần yêu nước thương dân ở đây không chỉ dừng lại ở nhận thức tư tưởng, quan niệm, mà đã được chuyển hoá thành thái độ, tình cảm, từ đó đương nhiên sẽ dẫn tới những hành động cao đẹp vì dân vì nước. Tư tưởng, tình cảm như vậy của Nguyễn Trãi (và của các danh nhân dân tộc khác) có thể ở tầm cao hơn, rộng lớn hơn nhiều người khác, nhưng cũng là tư tưởng, tình cảm phổ biến vốn có của người đi học trong xã hội xưa, dù cho có biết bao biến động của thời cuộc và biến cố của đời người.
* Thay lời kết
Rõ ràng là với quan niệm học để làm người đã thành máu thịt của người đi học và trở thành đặc điểm của truyền thống hiếu học, nền giáo dục cổ truyền Việt Nam đã đào luyện được những kẻ sĩ có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, không phụ những gì mà họ đã được học trong những năm tháng miệt mài sôi kinh nấu sử. Quan niệm truyền thống đúng đắn “Học để làm người” đến nay còn nguyên giá trị. Giá trị này cần được chú trọng kế thừa và phát huy trong sự nghiệp giáo dục con người, đặc biệt là trong việc thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua có ảnh hưởng xã hội sâu rộng như cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà Bộ Giáo dục - Đào tạo đang tiến hành, cũng như cần được tô đậm trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 đang được hoàn thiện. Từ đó góp phần vào việc xây dựng nền tảng đạo đức cho xã hội trong điều kiện nền kinh tế thị trường và đất nước mở cửa ở nước ta hiện nay.