“Học để không dốt hơn người máy”

GD&TĐ -  “Học để không dốt hơn người máy” - đó là câu trả lời “học để làm gì?” của TS Lương Hoài Nam tại tọa đàm “Xây dựng xã hội học tập trong kỷ nguyên 4.0” do Công ty CP Sách Omega Việt Nam (Omega Plus) và Alpha Books tổ chức nhân dịp ra mắt ấn phẩm “Xây dựng xã hội học tập – Cách tiếp cận mới cho tăng trưởng, phát triển và tiến bộ xã hội”, sáng ngày 19/11.

TS Lương Hoài Nam (bìa trái) trình bày tại buổi tọa đàm
TS Lương Hoài Nam (bìa trái) trình bày tại buổi tọa đàm

Khách mời của buổi tọa đàm có TS Lương Hoài Nam - tác giả cuốn sách "Kẻ trăn trở"; nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE; và MC Duy Lê điều phối chương trình. 

Tại buổi tọa đàm, các khách mời trao đổi xoay quanh những nội dung: (1) Thế nào là một xã hội học tập? Sự cần thiết của việc xây dựng xã hội học tập trong thời đại hiện nay? (2) Để tạo nên một xã hội học tập đúng nghĩa không chỉ phụ thuộc vào nhà trường và ngành giáo dục, mà cần có sự chung tay của toàn xã hội.

Vậy Việt Nam cần xây dựng những chính sách kinh tế - xã hội như thế nào để kiến tạo một xã hội mà mọi người dân, mọi tổ chức, doanh nghiệp và toàn bộ đất nước có thể học tập suốt đời, không ngừng thay đổi và phát triển, đặc biệt là trong kỷ nguyên 4.0.

Ông Giản Tư Trung (giữa) trình bày tại buổi tọa đàm
Ông Giản Tư Trung (giữa) trình bày tại buổi tọa đàm

Theo ông Giản Tư Trung muốn xây dựng một xã hội học tập thì phải xây dựng được con người học tập và con người học tập thì không riêng gì kỷ nguyên 4.0 mà bao trùm các kỷ nguyên. Trong đó, mỗi cá nhân cần có một cuộc cách mạng về sự học của chính mình và  phải trả lời câu hỏi “học để làm gì?”.

“Chúng ta cần định nghĩa trường ĐH là cái gì? Trường ĐH không phải là trường dạy nghề. Trường ĐH không phải là doanh nghiệp, cũng không phải là trung tâm truyền giáo… Trường ĐH không chỉ là nơi đào tạo nguồi nhân lực cho xã hội…” - ông Giản Tư Trung bày tỏ.

Liên quan đến sự học, TS Lương Hoài Nam cho rằng, mỗi người cần có cuộc cách mạng trong tư duy, đừng nghĩ học là sự nghiệp của riêng Bộ GD&ĐT mà học là việc của từng cá nhân. Xã hội học tập trước hết phải là một xã hội đọc sách.

“Tôi thật sự băn khoăn với số liệu thống kê tỷ lệ đọc sách 0,8 sách/người/năm của nước ta” – TS Lương Hoài Nam chia sẻ.

Ấn phẩm “Xây dựng xã hội học tập – Cách tiếp cận mới cho tăng trưởng, phát triển và tiến bộ xã hội” của hai tác giả Joseph E. Stiglitz và Bruce C. Greenwald, do Đỗ Đức Thọ, Nguyễn Thị Lan Anh, Dương Bá Đoan, Phan Thu Hoài biên dịch và hiệu đính. Sách dày 555 trang, khổ 16x24cm, do Omega Plus và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật liên kết xuất bản nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2017.

Bìa sách “Xây dựng xã hội học tập – Cách tiếp cận mới cho tăng trưởng, phát triển và tiến bộ xã hội”

Tác phẩm được xuất bản lần đầu vào tháng 6/2014 bởi Nhà xuất bản Đại học Columbia (Columbia University Press), Hoa Kỳ với tên gốc là Creating a Learning Society: A New Approach to Growth, Development, and Social Progress.

Nhà Nobel kinh tế học Stiglitz và Greenwald đưa ra ý tưởng về một mô hình xã hội phát triển và tiến bộ mới trên nền tảng “học tập” bao gồm phát minh, sáng tạo và học cách học tập như thế nào. Điều cuốn sách này muốn nói đến là: "Hầu như tất cả chính sách của chính phủ, vô tình hay hữu ý, dù tốt dù xấu, đều có tác động trực tiếp và gián tiếp tới với việc học".

Kể từ khi ra đời, ấn phẩm đã trở thành một tài liệu được nhiều nhà kinh tế học, khoa học xã hội, học giả và độc giả trên thế giới quan tâm.

Cuốn sách là một tác phẩm đầy thuyết phục cho thấy mức sống của chúng ta được cải thiện đáng kể như thế nào là kết quả của việc học cách để học tập, và đưa ra những lý giải làm thế nào mà các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển đều có thể xây dựng được một nền kinh tế học tập kiểu mới. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.