Học đại học ở Mỹ và châu Âu khác nhau thế nào?

GD&TĐ - Lựa chọn học đại học ở Mỹ hay châu Âu là một quyết định khó khăn vì chất lượng giáo dục của hai bên tương đối đồng đều.

Sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ.
Sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ.

Tuy nhiên, một số khác biệt có thể giúp ích cho quá trình lựa chọn.

Thời gian và chi phí

Theo các chuyên gia tại Tổ chức Giáo dục quốc tế US News World & Report, yếu tố quan trọng khi so sánh giáo dục đại học ở châu Âu với Mỹ là thời gian học. Các trường đại học Mỹ thường đào tạo kiến thức rộng, yêu cầu các khóa học giáo dục đại cương và cho phép sinh viên tiếp xúc với nhiều lĩnh vực khác nhau trước khi chọn chuyên ngành. Trong khi các trường đại học châu Âu tập trung chuyên sâu hơn vào một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể.

Bà Maddalaine Ansell, Giám đốc về Giáo dục tại Hội đồng Anh, cho biết: “Thông thường, bằng cử nhân ở Mỹ mất 4 năm hoàn thành. Trong khi một số nơi như Scotland, Anh, xứ Wales chỉ mất 3 năm”.

Một số chương trình đào tạo ở Mỹ không mất đến 4 năm nhưng thời gian học sẽ ảnh hưởng đến vấn đề về chi phí. Ngoài ra, chi phí giáo dục tại châu Âu rẻ hơn Mỹ. Ví dụ, hầu hết các trường ở Đức miễn học phí. Học phí tại Pháp là 3 nghìn USD/năm.

Chuyên ngành

Chuyên ngành học ở châu Âu và Mỹ rất khác nhau. Như đã nói ở trên, kiến thức học tại Mỹ khá rộng. Trước khi nhập học, tân sinh viên sẽ lựa chọn chuyên ngành mình quan tâm.

Nhưng hầu hết chương trình cử nhân đều bao gồm các khóa học kiến thức chung, đại cương để sinh viên khám phá các lĩnh vực khác nhau và hiểu rõ hơn về chuyên ngành lựa chọn. Sau thời gian học đại cương, sinh viên có thể chọn lại chuyên ngành.

Trong khi đó, tại hầu hết các trường đại học châu Âu, sinh viên lựa chọn chuyên ngành nào sẽ theo học chuyên ngành đó ngay từ năm nhất.

Loại trường và chương trình

Cả Mỹ và châu Âu đều có các tổ chức giáo dục đại học có lịch sử lâu đời. Nhưng khi so sánh các lựa chọn, sinh viên quốc tế sẽ nhận thấy sự khác biệt về loại trường và chương trình được cung cấp. Ví dụ, Mỹ có hàng trăm trường đại học khai phóng nhưng châu Âu có rất ít.

Các trường đại học ở châu Âu thường chia làm trường công và trường tư. Nhiều trường có lịch sử lâu đời, nhất là ở Vương quốc Anh. Các trường kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp và ngành công nghiệp của đất nước.

Tuy nhiên, chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh không nhiều ở châu Âu. Sinh viên quốc tế có thể phải học tiếng bản địa.

Đời sống sinh viên

Sinh viên quốc tế cũng nên cân nhắc đến sự khác biệt về sinh hoạt tại các trường Mỹ và châu Âu.

Một số trường đại học châu Âu có kí túc xá trong khuôn viên trường nhưng văn hóa trường học không mạnh mẽ. Vì vậy, sinh viên có xu hướng hòa nhập nhiều hơn với cuộc sống của thành phố.

Ví dụ, Đại học Hamburg, Đức, có khuôn viên rộng lớn nhưng nhiều khoa đào tạo nằm rải rác khắp thành phố. Do đó, sinh viên phải di chuyển quanh thành phố trong một ngày học để theo kịp các bài giảng. Điều này khá điển hình ở châu Âu.

Ngược lại, giáo dục đại học Mỹ tạo nên đời sống sinh viên sôi động. Sinh viên thường tham gia nhiều hoạt động chung như thể thao, hội sinh viên, hội nữ sinh, câu lạc bộ...

Về vấn đề an toàn, học tập tại châu Âu được đánh giá là lựa chọn an toàn hơn so với Mỹ vì nhiều thành phố châu Âu nằm trong tốp an toàn nhất thế giới.

Bà Cheryl Matherly, Hiệu phó phụ trách các vấn đề quốc tế tại Đại học Lehigh, bang Pennsylvania, Mỹ, cho biết: “Nhiều sinh viên tìm hiểu chương trình tại Mỹ bị thu hút bởi sự đa dạng về các loại hình tổ chức giáo dục. Tại Mỹ, sinh viên có thể học tại các trường công lớn, trường tư thục quy mô nhỏ, trường ở thành thị hoặc nông thôn”.

Theo US News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.