(GD&TĐ) - Năm ấy, cô Hồng Minh là giáo viên dạy văn của lớp tôi. Mỗi giờ Văn của cô sao mà cuốn hút đến vậy. Giọng giảng của cô lúc ngân nga, lúc trầm bổng say mê. Ánh mắt rạng ngời của cô làm cho lũ học trò chúng tôi xao xuyến lạ. Tiết học nào cũng thế, trong từng bài giảng, cô luôn minh hoạ bằng những câu chuyện, tình huống thực tế, những câu danh ngôn, tục ngữ, hoặc mẫu chuyện trạng Vĩnh Hoàng quê tôi làm cho giờ Văn của cô luôn hấp dẫn, mới mẻ, không nhàm chán bao giờ.
Ảnh minh họa/internet |
Bây giờ, tôi là một cô giáo dạy Văn, tôi nhận thấy rằng, hình như phương pháp dạy của tôi có nhiều điểm giống cô. Tôi còn nhớ khi tìm hiểu nội dung một tác phẩm cô luôn đặt câu hỏi cụ thể, có trình tự, lớp lang. Nếu chúng tôi chưa tìm ra câu trả lời thì cô đưa ra như là câu hỏi gợi ý nhỏ, dẫn dắt chúng tôi khai thác tác phẩm một cách nhẹ nhàng, nắm từ cái cụ thể đến phức tạp. Sau đó, cô giúp chúng tôi tìm ra điểm quan trọng, khái quát nhất. Cô luôn tôn trọng ý kiến của học sinh. Cô từng nói, mỗi bạn sẽ có những cảm nhận khác nhau về một bài văn, bài thơ nào đó. Cô không áp đặt cách cảm, hiểu của cô đối với các em.
Những nội dung mà cô đưa ra chỉ là định hướng từ đó các em có cách hiểu, cảm nhận và diễn đạt của riêng mình. Đó là phương pháp học văn sáng tạo, không rập khuôn. Tôi đã từng nói điều đó với các em học sinh của mình.. Vì vậy, nhiều học trò của tôi đã mạnh dạn đưa ra những cách hiểu, cảm nhận khác so với nhân định của tôi và sách vở. Sau những giờ dạy như thế, khi suy nghĩ lại tôi thấy ý kiến của học trò mình thật sát, đúng biết bao. Tôi vui vì điều đó! Đôi khi có một số bạn không chú ý đến bài giảng, cô có những câu hỏi nhỏ, nhắc nhở tế nhị kéo dần các bạn ấy vào giờ học một cách nhẹ nhàng mà không ảnh hưởng đến cả lớp. Tôi đã học theo cô cách làm đó trong khi nhắc nhở những học trò vi phạm trật tự, kỉ luật giờ học. Chính vì thế, trong giờ văn của tôi, hiếm khi tôi la mắng học sinh và hình như các em cũng chưa chống đối tôi bao giờ, cô trò chúng tôi rất thân thiện với nhau.
Chữ viết vở của tôi không đẹp nhưng khi viết bảng thì tôi khá tự tin. Nhiều đồng nghiệp dự giờ, có người đã khen tôi vì cách trình bày bảng. Họ cho rằng chữ viết bảng của tôi vừa rõ ràng, vừa có nét bay bổng, nội dung trình bày lại khoa học, hợp lí. Mỗi lúc như vậy, tôi lại nhớ nét chữ, cách viết bảng của cô. Chữ của cô đẹp ngay ngắn, ý lớn, ý nhỏ được sắp xếp một cách khoa học. Nhan đề bài dạy luôn được cô viết một cách cầu kì, ấn tượng bằng phấn màu (có lẽ lúc đó để có phấn màu để viết là một sự đầu tư của cô). Khi khai thác xong một phần nội dung, nghệ thuật nào đó của một tác phẩm, cô luôn có những phần tiểu kết chốt lại kiến thức cần nhớ. Hoặc khi hướng dẫn học sinh xác định được nhãn tự, những hình ảnh, chi tiết, biện pháp nghệ thuật,... cô đều sắp xếp trên bảng hợp lí khiến chúng tôi chỉ cần ghi lại một cách ngắn gọn nhưng đã nắm được trọng tâm của bài. Từ đó, khi cảm nhận, phân tích,… chúng tôi dễ dàng hơn.
Trong những năm gần đây, phong trào đổi mới phương pháp dạy học đã được các cấp quản lí giáo dục và giáo viên quan tâm, chú trọng. Với tôi, bên cạnh những phương pháp dạy học đổi mới hiệu quả, việc sử dụng những phương học truyền thống - như cách thức mà cô tôi từng làm, luôn được tôi ưu tiên. Vì tôi nhận thấy, những phương pháp truyền thống ấy, vẫn luôn phù hợp trong việc dạy học văn, giúp học sinh hiểu văn, yêu văn và có khả năng sáng tạo.
Macxim Gorki từng nói: "Văn học là nhân học". Học văn của cô, tôi đã được học cách làm người. Nhưng ý nghĩa hơn, đối với nghề dạy học của tôi, cô còn dạy tôi cả phương pháp, để tôi luôn tự tin đứng trước học sinh của mình. Với nỗ lực của bản thân, đến nay, tôi đã là một giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh suốt 9 năm liền. Nhiều năm liên tiếp, tôi đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Dù còn khiêm tốn, nhưng tôi đã có một vài học trò đạt giải học sinh giỏi Văn cấp huyện, tỉnh. Đó là một niềm vui lớn của tôi. Niềm vui ấy là món quà nhỏ ý nghĩa, tôi luôn thầm dành cho cô giáo Hồng Minh, Trường THCS Vĩnh Hòa (Vĩnh Linh) - Cô giáo yêu quý cửa tôi!
Mã số: 1011