Học - chơi giữa ngày hè: Thời gian dành cho kỹ năng

GD&TĐ - Mùa hè là thời điểm học sinh được nghỉ xả hơi sau cả năm học tập mệt mỏi, những kỳ thi căng thẳng nối tiếp.

Trẻ có thể ôn tập kiến thức thông qua những hoạt động bé thích. Ảnh minh họa.
Trẻ có thể ôn tập kiến thức thông qua những hoạt động bé thích. Ảnh minh họa.

Khi nói tới nghỉ hè, hầu hết trẻ em đều vô cùng háo hức. Bởi, đó cũng là lúc các em được tham gia những hoạt động vui chơi, giải trí. Song, bên cạnh đó, không ít trẻ vẫn “canh cánh” nỗi lo về bài tập về nhà.

Việc quá chú trọng bồi dưỡng kiến thức mà xem nhẹ các kỹ năng sống sẽ gây nhiều khó khăn cho trẻ trong việc đáp ứng những đòi hỏi khách quan của đời sống xã hội. Do đó, trong thời gian nghỉ hè, việc tạo cơ hội cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa được coi là vô cùng cần thiết.

Thời điểm vàng

Ngay từ đầu tháng 5, khi trẻ chưa thi xong học kỳ, chị Trần Minh Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) đã tìm lớp học hè, bổ trợ kiến thức cho con. Chị Ngọc cho biết, nghỉ hè với các con là niềm vui. Tuy nhiên, đối với vợ chồng chị, kỳ nghỉ hè là một “nỗi ám ảnh”. Bởi, vợ chồng chị đều làm giờ hành chính. Vì vậy, nếu nghỉ hè, các con sẽ phải ở nhà một mình. Nữ phụ huynh lo ngại rằng, các con sẽ dành toàn bộ thời gian trong ngày vào việc chơi điện tử, cũng như sử dụng thiết bị công nghệ. Trong khi đó, hai con nhà chị Ngọc đều đang ở độ tuổi tiểu học, khá nghịch ngợm, hiếu động.

“Để các con ở nhà với nhau trong khi không có người lớn, vợ chồng tôi vô cùng lo lắng. Do cả hai bé đều hiếu động, nguy cơ về tai nạn, thương tích có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng tôi chỉ có thể theo dõi các con qua camera. Tuy nhiên, điều đó cũng không thể hiệu quả bằng việc đưa trẻ tới lớp học thêm. Các con đi học vừa có kiến thức, cha mẹ vừa yên tâm hơn”, chị Ngọc chia sẻ.

Nữ phụ huynh cho biết, không phải nhất thiết là các môn như Văn, Toán, Ngoại ngữ, trẻ sẽ được học thêm về nghệ thuật, cũng như thể thao. Ví dụ, với bé trai, chị Ngọc cho con tham gia học bơi, tập võ và đàn guitar. Trong khi đó, với con gái, bé sẽ được học múa, đánh đàn piano.

Với gia đình chị Nguyễn Thu Thủy (Hai Bà Trưng, Hà Nội), kỳ nghỉ hè là “thời điểm vàng” để trẻ học các kỹ năng sống mà con còn thiếu. Nữ phụ huynh chia sẻ, bên cạnh việc ôn lại kiến thức để trẻ không quên, tiếp thu các kỹ năng sống cũng vô cùng quan trọng. Chị Thủy cho biết, những ngày gần đây, con chị vừa ôn thi học kỳ, vừa cùng mẹ thảo luận để đưa ra thời khóa biểu học hè.

“Với các môn chính, tôi khuyến khích con dành thời gian để ôn lại kiến thức đã học. Có như vậy, khi bước vào năm học mới, con mới có thể nhanh chóng bắt nhịp mà không quên bài. Song song đó, tôi cũng đề xuất với con về việc tham gia các trại hè, hoặc lớp học kỹ năng sống. Trong xã hội hiện nay, việc có các kỹ năng sống là vô cùng cần thiết”, chị Nguyễn Thu Thủy cho biết.

Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng đề cao việc cho con học các kỹ năng, cũng như tham gia hoạt động ngoại khóa vào kỳ nghỉ hè. Thay vào đó, một số gia đình chú trọng tới việc yêu cầu con ôn bài và học trước những kiến thức mới. Thậm chí, nhiều trẻ luôn sợ khi nhắc tới kỳ nghỉ hè. Bởi, đó cũng là lúc các em “chìm” trong “núi” bài tập.

Có lẽ, tình trạng này xuất phát từ quan điểm của các phụ huynh, với mong muốn con mình nắm chắc kiến thức văn hóa, có kết quả học tập cao hoặc chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới. Tuy nhiên, thực tế, để có sự trưởng thành toàn diện, ngoài kiến thức văn hóa, trẻ còn phải được trang bị rất nhiều kỹ năng khác. Việc quá chú trọng bồi dưỡng kiến thức mà xem nhẹ các kỹ năng sống sẽ gây nhiều khó khăn cho trẻ trong việc đáp ứng những đòi hỏi khách quan của đời sống xã hội. Do đó, trong thời gian nghỉ hè, việc tạo cơ hội cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa được coi là vô cùng cần thiết.

Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, không phải ngẫu nhiên mỗi năm học lại được kết thúc bằng kỳ nghỉ hè. Sau một năm học vất vả, bận rộn với những kỳ thi, bài tập từ các môn khác nhau..., kỳ nghỉ hè dài sẽ là thời gian để trẻ “bổ sung năng lượng” cho năm học mới.

Việc nghỉ hè giúp các em thư giãn hệ thần kinh, giải tỏa những căng thẳng. Từ đó, có sự chuẩn bị tốt nhất về tâm lý, sức khỏe... trước khi bước vào một năm học mới. Ở bậc tiểu học, THCS, thời gian nghỉ hè cũng là cơ hội để trẻ được ra ngoài vận động nhiều hơn. Nhờ đó, có sự phát triển toàn diện về thể chất. Kỳ nghỉ hè dài còn có thể cho phép những học sinh lớn tham gia một số công việc bên ngoài để kiếm thêm thu nhập. Qua đó, rèn luyện tinh thần yêu lao động, tự chịu trách nhiệm với bản thân và giúp đỡ người khác.

Trẻ cũng có thể học các kỹ năng sống trong kỳ nghỉ hè. Ảnh minh họa.

Trẻ cũng có thể học các kỹ năng sống trong kỳ nghỉ hè. Ảnh minh họa.

“Học mà chơi, chơi mà học”

Kỹ năng sống được cho là có vai trò hết sức quan trọng đối với mỗi người. Nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng, trong các yếu tố quyết định sự thành công của con người, kỹ năng sống đóng góp khoảng 85%. Theo UNESCO, ba thành tố hợp thành năng lực của con người là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Hai yếu tố sau thuộc về kỹ năng sống, có vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách, bản lĩnh, tính chuyên nghiệp…

Theo tư vấn từ Trung tâm Thanh, thiếu niên miền Nam, trong kỳ nghỉ hè, trẻ có thể tham gia nhiều hoạt động nhằm nâng cao kỹ năng. Bởi, hè cũng được coi là lúc cha mẹ giúp con tỏa sáng trong những đam mê và ước mơ.

Thực tế, mỗi trẻ có những tài năng và đam mê riêng cần được khai phá cũng như nuôi dưỡng. Một số trẻ còn quá nhỏ, chưa bộc lộ những sở thích đặc trưng. Khi đó, cha mẹ có thể định hướng, cho trẻ tiếp xúc các loại hình khác nhau, hoặc hỏi ý kiến thầy cô - người có chuyên môn cao để tìm ra điểm khác biệt trong mỗi trẻ.

Cha mẹ có thể cho trẻ tham gia các câu lạc bộ năng khiếu hè như vẽ, đàn, hát, nhảy, võ thuật, khiêu vũ, đá banh, khoa học… Nhờ đó, giúp trẻ thỏa sức khám phá tiềm năng vốn có và nuôi dưỡng ước mơ của mình. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể dành thời gian trong hè để du lịch, dã ngoại. Bởi, những chuyến du lịch dã ngoại đưa trẻ ra khỏi cuộc sống thường nhật nơi thành phố.

Diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, nhưng mỗi chuyến đi sẽ mang lại cho trẻ nhiều trải nghiệm mới. Qua đó, đáp ứng nhiều nhu cầu, từ rèn luyện thể lực, tiếp thu kiến thức mới, nâng cao khả năng tư duy và sáng tạo, đến phát triển kỹ năng xã hội, kết bạn và mở rộng các mối quan hệ… Trong khi thực tế, đó là những điều trẻ khó có thể đạt được ở trường học.

Ngoài những hoạt động trên, trẻ cũng có thể tham gia trại hè tiếng Anh. Thực tế, trong xã hội hiện nay, tiếng Anh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trung tâm Thanh, thiếu niên miền Nam cho biết, tiếng Anh là một điều kiện cần thiết để giúp trẻ hòa nhập vào thế giới, học hỏi được nhiều điều hay và hội nhập công dân toàn cầu.

Trại hè tiếng Anh không chỉ giúp con phát triển được kỹ năng ngoại ngữ, mà còn mang lại cơ hội để trẻ được giao lưu. Từ đó, trải nghiệm các văn hóa dân tộc trên thế giới, rèn luyện tính tự lập, tự chủ trong mọi việc. Đồng thời, trẻ cũng sẽ được học hỏi và phát triển các kỹ năng hội nhập công dân toàn cầu. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể đưa trẻ đi bơi hoặc học bơi. Bởi, đây là một hoạt động tốt cho cơ thể, giúp trẻ ăn ngon, ngủ ngon và phát triển thể chất.

Cha mẹ nên để trẻ cảm thấy vui khi học. Ảnh minh họa.

Cha mẹ nên để trẻ cảm thấy vui khi học. Ảnh minh họa.

Giúp con thấy vui khi học

Chị Đặng Thục Hà My - giáo viên Tiếng Anh tại Trung tâm Anh ngữ Bình Minh (Hà Nội) - chia sẻ, trong kỳ nghỉ hè, chị không giao nhiều bài tập về nhà cho trẻ. Thay vào đó, nữ giáo viên khuyến khích các học sinh dành thời gian ôn lại kiến thức.

“Với môn Tiếng Anh, tôi thường khuyến khích trẻ nghe nhạc, xem phim mà các con yêu thích bằng ngôn ngữ này. Nhờ vậy, trẻ có thể trau dồi khả năng nghe của mình thông qua các hoạt động các em thích. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể đưa con mình đi dạo ở phố đi bộ. Tại đây, phụ huynh hãy khuyến khích con làm quen, giao tiếp với du khách nước ngoài. Như vậy, thông qua các hoạt động vui chơi, trẻ cũng có thể ôn tập kiến thức”, chị Hà My cho biết.

Theo nữ giáo viên này, việc yêu cầu con làm quá nhiều bài tập trong kỳ nghỉ hè là không nên. Bởi, điều đó có thể khiến trẻ sợ mỗi khi nhắc đến bài tập về nhà. Lâu dần, con có thể có tâm lý ghét học. Thay vào đó, nữ giáo viên cho rằng, cha mẹ nên tạo động lực để trẻ tự giác ôn tập kiến thức, cân bằng thời gian giữa vui chơi và học.

Chia sẻ về những điều phụ huynh nên làm khi trẻ học, bà Phan Hồ Điệp – giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng, cha mẹ tuyệt đối không căng thẳng, cáu kỉnh. Hoặc, nói những lời khiến con sợ học cũng như thiếu tin tưởng vào bản thân. Ngoài ra, khi trẻ học, cha mẹ nên làm gương bằng việc không sử dụng điện thoại, tivi… Thay vào đó, cha mẹ có thể đọc sách, tính toán sổ sách…

“Tuyệt đối không có những hành động như xé vở, lấy bút gạch đi những thứ con làm, ném sách bút của con… Những điều đó để lại ấn tượng rất kinh khủng về việc học với trẻ”, chuyên gia khuyến cáo.

Đặc biệt, yếu tố quan trọng khác là cho trẻ ngủ đủ giấc. Phụ huynh không nên vì yêu cầu trẻ làm bài mà phải thức khuya. Theo bà Phan Hồ Điệp, quan trọng nhất là trẻ phải thấy vui khi học, có khả năng tự học. Bởi, đó mới là mục tiêu lâu dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ