Hoàn thiện chương trình Giáo dục chuyên biệt: Yêu cầu cấp bách

Hoàn thiện chương trình Giáo dục chuyên biệt: Yêu cầu cấp bách

(GD&TĐ) - Sau 3 năm triển khai thí điểm áp dụng tại một số trường chuyên biệt, đến nay chương trình giáo dục dành cho học sinh khuyết tật trí tuệ ở tiểu học bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc học sinh khuyết tật trí tuệ. Chính những kết quả này, đã tạo cơ sở thực nghiệm đáng tin cậy để khẳng định việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình giáo dục chuyên biệt trong thời gian tới là hoàn toàn đúng đắn. Tạo điều kiện cho học sinh khuyết tật trí tuệ (HS KTTT) phát triển toàn diện để hòa nhập cộng đồng.

Chất lượng chăm sóc, giáo dục chuyển biến rất rõ rệt

Qua thực tế 3 năm triển khai thử nghiệm chương trình giáo dục chuyên biệt dành cho HS KTTT tại Trường chuyên biệt Tương Lai và Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP Đà Nẵng) cho thấy chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ khuyết tật đã có nhiều bước chuyển biến rõ nét. Vượt qua những lúng túng ban đầu, đến nay đội ngũ giáo viên (GV) đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy. Điều quan trọng hơn, chương trình đã thực sự giúp HS KTTT tiếp thu được những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cuộc sống cũng như giao tiếp với cộng đồng và tự phục vụ được cho bản thân. Cô Trương Thị Hồng Nga, Tổ trưởng chuyên môn Tổ giáo dục KTTT (Trường chuyên biệt Tương Lai) cho biết: “Nội dung của chương trình chủ yếu là kiến thức về kỹ năng sống gần gũi đối với HS. HS học đến đâu thực hành, ứng dụng đến đó và vận dụng vào thực tế cuộc sống hằng ngày. Với nội dung kiến thức phù hợp, gần gũi và được thực hành trực tiếp nên sự tiến bộ của HS chuyển biến rất rõ rệt”. 

Chương trình giáo dục chuyên biệt dành cho HS KTTT cấp tiểu học gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục (bao gồm: Giáo dục kỹ năng sống, Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, Nghệ thuật, Thể dục, Giáo dục tập thể và Tự chọn), có mục tiêu là rèn luyện kỹ năng sống và trang bị một số kiến thức sơ giản nhất về tiếng Việt, tính toán và các kiến thức về môi trường xã hội, thiên nhiên gần gũi. Vì vậy, khi triển khai vào giảng dạy cả GV và HS đều cảm thấy rất hứng thú. Cô Lê Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai, bày tỏ: “Chương trình không chỉ phù hợp với trình độ nhận thức của HS; mà còn khuyến khích GV sáng tạo, linh hoạt trong cách tổ chức giảng bài, tạo hứng thú, lôi cuốn và thu hút HS tham gia trong từng tiết học”.

Hoàn thiện chương trình Giáo dục chuyên biệt: Yêu cầu cấp bách ảnh 1
Nhanh chóng hoàn thiện chương trình để kịp thời triển khai đồng loạt tại các trường chuyên biệt trong cả nước

Vừa trực tiếp làm công tác chỉ đạo triển khai áp dụng chương trình giáo dục chuyên biệt tại trường, vừa trực tiếp dạy lớp thử nghiệm chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 cho HS KTTT trong 3 năm qua, cô Lê Bích Thủy chia sẻ thêm: “Phương pháp rèn luyện kỹ năng sử dụng và đọc sách đã giúp học sinh biết giở sách, dùng que chỉ hay ngón tay để phân biệt các âm vị khi đọc, biết phân biệt từng tiếng. Giờ đây các em đều biết sử dụng sách và ngón tay thành thạo khi đọc sách. Chương trình thực sự đã giúp cho hoạt động dạy học của GV, HS trở nên thú vị và mới mẻ hơn rất nhiều”.

Cô Hồ Thị Mỹ Dung, giáo viên Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) nhìn nhận: “Qua hai năm giảng dạy môn Toán lớp 1 theo chương trình, các em ở mức độ KTTT nặng và trung bình đã có nhiều tiến bộ, thay đổi đáng kể. Các em không chỉ biết và đếm các số trong phạm vi 10, thêm bớt 1 trong phạm vi 5, đo chiều dài bằng bước chân; mà các em còn biết các màu sắc cơ bản, phân biệt trước – sau, trên – dưới, các buổi trong ngày, các ngày trong tuần, các mùa trong năm. Các em đã trở nên độc lập trong các hoạt động hằng ngày như: Ăn uống, đi vệ sinh, mặc quần áo, chào hỏi và ý thức hành động an toàn cho bản thân khi tham gia các hoạt động…”.

Một ưu điểm khác của chương trình GD chuyên biệt dành cho HS KTTT là tạo điều kiện thuận lợi đối với GV trong việc soạn giáo án giảng dạy. Thầy Đặng Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: “Khi áp dụng chương trình này, GV sẽ không còn lúng túng trong soạn giáo án, chọn bài để dạy như khi còn sử dụng giáo trình giáo dục phổ thông. Chương trình không chỉ là phương tiện giúp GV triển khai hoạt động giảng dạy thuận lợi, mà còn là cơ sở để GV điều chỉnh nội dung chương trình dạy học phù hợp với khả năng của HS”.

Sớm hoàn thiện để triển khai áp dụng đại trà

Cũng như ở Đà Nẵng, tại TP Hồ Chí Minh khi triển khai áp dụng chương trình giáo dục chuyên biệt ở một số trường chuyên biệt đã mang lại những kết quả mang rất tích cực và đạt nhiều chuyển biến lớn trong việc nâng cao chất lượng và rèn luyện cho HS KTTT. Vì vậy, nhiều trường đều mong muốn chương trình giáo dục chuyên biệt sẽ nhanh chóng được triển khai ở tất cả các trường. Cô Hoàng Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường giáo dục chuyên biệt Thảo Điền (TP Hồ Chí Minh) khẳng định: “Đối với HS KTT, việc điều chỉnh chương trình dạy học là vô cùng cần thiết vì trẻ khuyết tật không thể có đủ năng lực để học chương trình giáo khoa dành cho HS phổ thông. Các trường chuyên biệt hiện nay mong sớm được trang bị sách giáo khoa đồng bộ cho các môn, GV được tham gia bồi dưỡng về thực hiện chương trình cho từng bộ môn”.

Theo ý kiến của nhiều GV các trường chuyên biệt triển khai áp dụng chương trình này thì để đánh giá, xếp loại kết quả học tập của HS KTTT thì cần có những tiêu chí đánh giá rõ ràng, cụ thể và hợp lý, phù hợp với từng đối tượng HS. Thầy Nguyễn Duy Tuyên, Phó Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai, băn khoăn: “So với thiết kế bài giảng của chương trình giáo dục phổ thông, thì thiết kế theo chương trình giáo dục kỹ năng cho HS KTTT có mục đích, yêu cầu khác nhau rất lớn. Mục đích, yêu cầu của thiết kế bài theo bài giảng giáo dục phổ thông là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Còn thiết kế bài giảng theo chương trình GD kỹ năng cho HS KTTT là thực hành, rèn luyện các kỹ năng một cách thuần thục. Qua hai năm thực hiện chương trình, chúng tôi nhận thấy việc theo dõi sự tiến bộ của HS rất khó. Ảnh hưởng rất lớn đến GV làm công tác chủ nhiệm, cũng như gây khó khăn cho phụ huynh học sinh (PHHS) trong quá trình theo dõi, quản lý chất lượng học tập của HS KTTT. Vì vậy, khi triển khai chương trình đồng loạt ở các trường thì cần xây dựng thêm những tiêu chí đánh giá, xếp loại HS”.

Mặt khác, để thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật ngày càng có hiệu quả thì cần có sự chung tay phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội. Vì thế, nhiều GV cho rằng, cần tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho PHHS. Đồng thời, giúp công tác phối hợp giữa GV với PHHS càng thêm chặt chẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Hiện cả nước có hơn 400.000 trẻ khuyết tật đang học hòa nhập và hơn 10.000 trẻ KTTT đang học tập tại gần 100 trường chuyên biệt. Việc chương trình dạy HS khuyết tật còn rất đa dạng về thể loại, cách tiếp cận và hình thức thể hiện, đã gây không ít khó khăn cho GV, hạn chế chất lượng giáo dục, chăm sóc HS KTTT. Yêu cầu bức bách hiện nay là cần nhanh chóng hoàn thiện chương trình GD chuyên biệt để áp dụng giảng dạy tại tất cả các trường chuyên biệt trong cả nước.

Đại Thắng - Đại Khải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ