Phải có giải pháp tự chủ về nguồn nguyên liệu
Khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) băn khoăn với vấn đề mặc dù là nước nông nghiệp, sản xuất gạo gần như lớn nhất thế giới nhưng Việt Nam cũng là nước nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất rất lớn.
Đưa ra số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan kỳ 1 tháng 10-2021, số tiền chi trả để nhập khẩu các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu, nguyên liệu phân bón đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã khiến doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn và thua lỗ. Tôi cho rằng kế hoạch cần đưa mục tiêu ngành nông nghiệp phải có giải pháp tự chủ về nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cùng với việc ứng dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ người nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành từ đó tăng khả năng cạnh tranh.
Đề nghị rà soát lại hệ thống pháp luật về hợp tác xã
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, về mục tiêu của kế hoạch đã được xác định trong cơ cấu lại. Đó là cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái. “Mục tiêu xác định như vậy là đúng và chính xác. Trong kế hoạch có đề cập đến xây dựng nông nghiệp, hướng tới nông nghiệp thịnh vượng, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh - sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.... Nhưng mô hình cơ cấu lại nông nghiệp như thế nào thì chưa được rõ”- Đại biểu Tô Văn Tám nêu.
Đại diện đoàn Kon Tum bổ sung thêm, nên làm rõ thêm mô hình cơ cấu lại nền nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2025 như thế nào, phải có mô hình cụ thể. Đề nghị làm rõ hơn về mô hình.
Còn một cách hiểu cơ cấu lại nông nghiệp, thực chất đó là quá trình sắp xếp lại các yếu tố liên quan đến chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp từ khâu quy hoạch cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất, chuỗi cung ứng dịch vụ, sản xuất, thu hoạch, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ,…Nếu cách hiểu này là đúng thì nên bổ sung rõ hơn nội hàm của vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong kế hoạch rõ hơn để từ đó xác định rõ mô hình cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đại biểu Tô Văn Tám cũng nêu giải pháp, cần quan tâm tổ chức lại kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Kinh tế hợp tác xã có thời kỳ phát triển rất rực rỡ, sau đó không tồn tại được vì không phù hợp với giai đoạn phát triển mới và không tồn tại.
Sự không tồn tại của mô hình hợp tác xã theo mô hình cũ đó là sự không tồn tại của một mô hình cụ thể chứ không phải là sự mất đi của tư tưởng hợp tác mà các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác đã đề ra.
Cho nên kinh tế hợp tác và hợp tác xã vẫn là tất yếu trong quá trình phát triển nông nghiệp, bởi vì chỉ có kinh tế hợp tác và hợp tác xã mới đảm bảo cho người nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tốt.
Vì vậy, cần chú trọng thêm vấn đề phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã trong kế hoạch. Đề nghị rà soát lại hệ thống pháp luật về hợp tác xã để chúng ta có thể hoàn thiện khung pháp lý cho kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển.
Ngoài ra, cần xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Là một nước nông nghiệp, nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh, những sản phẩm nông sản của ta, thương hiệu trên thị trường quốc tế còn ít.
"Nhiều nông sản trong nước được xuất khẩu dưới dạng thô, sau khi nhập về doanh nghiệp nước ngoài họ chế biến nên thương hiệu của họ và chúng ta có đồng bằng thì chúng ta có gạo, thế mạnh là gạo và miền núi Tây Nguyên có thế mạnh là cà phê và điều. Đấy là những thế mạnh của chúng ta, nhưng vấn đề xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho gạo và cà phê, hạt điều thì đang có vấn đề" - đại biểu Tô Văn Tám nêu.
Hoàn thiện đồng bộ thể chế để phát triển bền vững
Đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh về vấn đề hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật để phát triển bền vững.
Về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Nguyễn Tạo cơ bản thống nhất về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch, đề nghị bổ sung 5 mục tiêu chưa hoàn thành giai đoạn trước để nỗ lực hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, đối với 130 danh mục chương trình, đề án được đề xuất trong giải pháp phát triển kinh tế của giai đoạn này, đại biểu kiến nghị bổ sung một số nội dung. Đó là đề nghị hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, xuất phát từ Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng và những cam kết của Việt Nam đã tham gia và các hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới như: CPTPP, EVFTA… Nâng cao chất lượng an sinh xã hội gắn với triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 với những dự báo mới nhất về biến thể Delta và Delta Plus, cập nhật tình hình về khả năng lây lan dịch bệnh ở một số quốc gia. Trong đó có cả những quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin COVID-19 khá cao, đánh giá thực chất nguồn lực y tế (kể cả dự kiến tăng cường) gắn với độ che phủ vắc-xin tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bình thường và cùng sống chung với dịch bệnh.