Hoàn thành chọn SGK: Mới chỉ là khởi đầu

Hoàn thành chọn SGK: Mới chỉ là khởi đầu

Nhiều việc phải làm

Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS An Vũ, Quỳnh Phụ (Thái Bình) – cô Mai Thị Bích Nguyện cho biết: Sau khi chọn sách, có nhiều việc phải làm, có khi đồng thời hoặc liên tiếp diễn ra nhưng tinh thần chung là khẩn trương, tích cực, vừa tổ chức thực hiện, vừa theo dõi một cách hệ thống để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh.

“Đội ngũ GV nòng cốt của trường học tập tiếp thu kinh nghiệm của đơn vị bạn có cùng bộ SGK đã chọn. Trên cơ sở đó, bổ sung thêm vào nội dung các kỳ chuyên đề bộ môn của trường để nhân ra toàn bộ GV khác. Tìm, tập hợp tài liệu trong phạm vi toàn quốc về tổ chức thực hiện bộ SGK mà trường đã chọn để GV có cơ hội học tập, vận dụng, trao đổi. Lựa chọn một số nội dung phù hợp nhằm áp dụng công nghệ thông minh trong giảng dạy; dạy bằng hình thức trực tuyến, tạo điều kiện cho việc làm quen với hình thức này ở những lớp trên trong những hoàn cảnh cụ thể. Chúng tôi sẽ tổ chức viết sáng kiến kinh nghiệm về sử dụng SGK đã chọn” – cô Mai Thị Bích Nguyện chia sẻ.

Theo đó, nhà trường ra thông báo về quyết định chọn bộ sách, tên bộ sách đã chọn; báo cáo Phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Phụ về kết quả lựa chọn SGK; thông tin tới UBND xã An Vũ để chính quyền biết và hỗ trợ khi cần thiết; niêm yết công khai tại trường danh mục SGK. Việc này được làm trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 4 tháng. Nhà trường cũng tổ chức hội nghị phụ huynh để thông báo về Chương trình GDPT 2018 và các SGK đã chọn; tổ chức nhiều chuyên đề giảng dạy bộ môn về bộ sách đã chọn để cùng nâng cao chất lượng dạy học…

Để GV và HS có thể dạy học tốt nhất bộ sách mới, cô Nguyện cho biết: Nhà trường sẽ sử dụng SGK đã được lựa chọn trong tổ chức dạy và học; hướng dẫn giáo viên (GV), HS, cha mẹ HS sử dụng SGK theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức chuyên đề bộ môn để thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất bộ sách đã chọn. Việc làm này sẽ diễn ra thường xuyên, liên tiếp trong cả năm học.

Hoàn thành chọn SGK: Mới chỉ là khởi đầu ảnh 1
Thảo luận lựa chọn SGK.                Ảnh minh họa/INT

Chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ

Từ tháng 3/2020, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tiến hành tổ chức lựa chọn SGK theo quy định. Từ cuối tháng 4/2020, nhà trường công bố danh mục SGK lớp 1 đã được chọn trên website và bảng thông báo để GV, phụ huynh HS, chính quyền địa phương và cộng đồng được biết.

Theo ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, Sở GD&ĐT đã báo cáo Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và cung cấp thông tin cho các NXB có SGK được lựa chọn về danh mục, số lượng SGK cần cung ứng, bao gồm số lượng dự phòng để bảo đảm có đầy đủ SGK trước khi bắt đầu năm học 2020 - 2021. Đồng thời, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh yêu cầu lực lượng quản lý thị trường, Sở Công Thương kiểm tra xử lí tổ chức, cá nhân găm hàng, tăng giá SGK lớp 1 để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ những việc đã, đang chuẩn bị để triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới, ông Trịnh Văn Ngoãn cho biết: Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 173 trường tiểu học (trong đó có 112 trường đạt chuẩn quốc gia) với 2.746 lớp/2.675 phòng, tỉ lệ 0,97 phòng/lớp; trong đó lớp 1 là 555 lớp. Tỉnh đã có lộ trình đầu tư xây dựng thêm 71 phòng học cho các trường tiểu học để tiến tới tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho toàn bộ các khối lớp (đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025).

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT trên cơ sở tổng hợp nhu cầu thiết bị dạy học lớp 1 năm học 2020 - 2021, trình UBND huyện phê duyệt và mua sắm. Các đơn vị đã lập dự toán để mua sắm với tổng kinh phí khoảng 68 tỷ đồng. Mặt khác, các phòng GD&ĐT đã phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch của huyện, thị xã, thành phố rà soát để lập dự toán kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường theo Chương trình GDPT 2018 (lộ trình thực hiện theo từng năm và theo khối lớp). Căn cứ điều kiện cơ sở vật chất của từng trường, năm học 2020 - 2021, có 172/173 trường chọn phương án 30 - 35 tiết/tuần, chiếm tỉ lệ 99,42% để dạy lớp 1.

Về đội ngũ, Vĩnh Long hiện có 371 cán bộ quản lý và 3.952 GV (trong đó có 1.079 GV chuyên và 141 GV Tổng phụ trách Đội chuyên trách), tỉ lệ GV/lớp đạt 1,44. Dự kiến năm học 2020 - 2021 có 1.322 GV dạy lớp 1. Theo ông Trịnh Văn Ngoãn, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu GV của từng môn học, lớp học để tham mưu, xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí sử dụng, bổ sung đội ngũ GV. Đồng thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng thêm GV (các vị trí còn thiếu, thay thế GV chuẩn bị nghỉ hưu) năm học 2020 - 2021. Chỉ đạo các đơn vị dự kiến phân công GV giảng dạy lớp 1 là những người có năng lực chuyên môn, còn thời gian công tác từ đủ 5 năm và hoàn thành các khóa bồi dưỡng, tập huấn chương trình mới theo quy định.

Căn cứ lộ trình triển khai áp dụng Chương trình GDPT 2018, các phòng GD&ĐT xác định đối tượng và số lượng GV cần bồi dưỡng để tham mưu xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý, GV thực hiện chương trình theo lộ trình phù hợp với kế hoạch Sở GD&ĐT. Đồng thời, kiện toàn, phát triển đội ngũ GV cốt cán ở các trường làm nòng cốt trong công tác bồi dưỡng GV và triển khai Chương trình GDPT 2018. Bảo đảm tất cả cán bộ quản lý, GV tiểu học hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo quy định khi triển khai thực hiện vào năm học 2020 - 2021. - Ông Trịnh Văn Ngoãn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ