Ngày 22/3, bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, tại đây vừa tiến hành cuộc phẫu thuật phức tạp, can thiệp thành công cho người bệnh bị tắc nghẽn động mạch cả hai chân. Bệnh nhân là bà Lý Thị Ngọc Điệp (61 tuổi, ngụ tại Sóc Trăng) được chuyển đến khoa cấp cứu trong tình trạng đau nhức liên tục cẳng chân phải, hoại tử tím đen một phần ngón chân cái.
Khai thác bệnh sử ghi nhận nhiều năm qua, bệnh nhân có triệu chứng đau nhức và tê chân phải. Nghĩ là bệnh đau cơ xương khớp thông thường ở người lớn tuổi nên bà Điệp không đến bệnh viện kiểm tra. Một tuần trước khi vào viện, chân phải bệnh nhân đau nhức dữ dội, phần đầu ngón cái bắt đầu tím đen, lan dần lên các đốt, tình trạng tím tái cũng xuất hiện ở những ngón chân khác, bệnh nhân không thể tự đi lại.
ThS.BS Lê Thanh Phong, Trưởng đơn vị Phẫu thuật Mạch máu, bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, qua thăm khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh ghi nhận, các động mạch trên cả hai chân của bệnh nhân đều bị tắc nghẽn. Nghiêm trọng nhất là các động mạch chân phải, chúng bị tắc hoàn toàn nhiều vị trí từ động mạch chậu trên bụng kéo dài đến gần động mạch ở cổ chân, chỉ còn tái hiện một nhánh nhỏ ở phần xa của động mạch ở cổ chân.
Trong cơ thể, các động mạch có nhiệm vụ đưa máu chứa chất dinh dưỡng đến nuôi các cơ quan. Tình trạng tắc nghẽn động mạch cả hai chân làm suy giảm hoặc chặn đứng lượng máu cùng chất dinh dưỡng và ô xy khiến chân bệnh nhân bắt dầu bị hoại tử. Bệnh nhân đứng trước nguy cơ vùng hoại tử lan rộng gây nhiễm trùng đe dọa trực tiếp đến tính mạng hoặc phải cắt cụt cả hai chân đến ngang đùi.
Để cứu người bệnh thoát khỏi cảnh tàn phế, các bác sĩ đã quyết định tiến hành phẫu thuật với mục tiêu đưa máu xuống nuôi hai chân. BS Thanh Phong cho biết, bệnh nhân đã được nong và đặt stent động mạch, đồng thời sử dụng các tĩnh mạch tự thân ghép với nhau để bắc cầu đến nhánh mạch máu nhỏ ở phần xa của cẳng chân. Ca phẫu thuật phức tạp nhưng diễn ra thuận lợi, các bác sĩ đã thực hiện thành công việc đưa máu xuống nuôi các vùng xa của chi, giải quyết triệt để tình trạng tắc động mạch cho người bệnh.
Sau mổ, bệnh nhân hết đau chân, tình trạng hoại tử của ngón cái ngưng tiến triển, bàn chân và các ngón chân hồng hào trở lại, vùng hoại tử ngón cái của bàn chân phải được cắt lọc. Sức khỏe bệnh nhân đang bình phục tốt. Từ thành công của cuộc phẫu thuật, BS Thanh Phong cho biết: “Việc phối hợp giữa kỹ thuật can thiệp nội mạch (đặt stent) và vi phẫu mạch máu đã mở ra giải pháp hiệu quả hơn trong việc can thiệp các thương tổn phức tạp của mạch máu. Phương pháp trên giúp người bệnh thoát khỏi cảnh tàn phế, sức khỏe nhanh chóng bình phục và tiết kiệm được chi phí điều trị.”
BS Phong cho biết: Bệnh tắc nghẽn mạn tính động mạch chân thường gặp ở những người lớn tuổi, hút thuốc lá, có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... Khi động mạch chân tắc nghẽn thì các hệ động mạch thận, động mạch vành nuôi tim và động mạch cảnh nuôi não cũng có nguy cơ tương tự. Bệnh thường trải qua 4 giai đoạn chính: giai đoạn sớm không có triệu chứng; giai đoạn tiếp theo là đau cách hồi (người bệnh đi một đoạn thì phải dừng lại do đau chân); giai đoạn nặng hơn sẽ xuất hiện đau khi nghỉ, đặc biệt là đau về đêm và cuối cùng là tình trạng hoại tử hoặc loét ở các ngón chân và bàn chân.
Trong giai đoạn đau chân, bệnh thường bị nhầm lẫn với đau cơ xương khớp, trong giai đoạn loét, hoại tử ngón bàn chân thì thường bị cho là nhiễm trùng phần mềm. Nếu người bệnh được cắt ngón chân hoại tử thì vết mổ sẽ không thể lành được vì không có máu nuôi dưỡng và có thể bị cắt cụt chân gây tàn phế. Do đó, người có nguy cơ mắc bệnh nên tầm soát để phát hiện sớm và điều trị tổng thể bởi các bác sĩ chuyên khoa.