Anh Tuấn còn cho biết thêm: “Vì cha mẹ nó lập đoàn hội chợ để mưu sinh khắp nơi nên khi lên 6 tuổi anh tôi gửi nó cho chị 5 Món – cô ruột của Hoài Lâm, để chăm sóc và cho nó đi học ở Thị trấn Vũng Liêm”.
Nếu nói như vậy thì chuyện Hoài Lâm từng sống ở Mỹ là hoàn toàn không chính xác. Theo lời anh Tuấn, Hoài Lâm sống với cô ruột một thời gian; đến khi lớn lên thì Lâm đã theo đoàn hội chợ của cha mẹ.
Tuổi thơ của Hoài Lâm dù không cơ cực nhưng Lâm phải sống xa cha mẹ trong một thời gian dài. Dù vậy, nhưng Lâm rất yêu thương cha mẹ nên khi lớn lên Lâm đã theo đoàn hội chợ của cha mẹ mình để kiếm sống và tiếp tục bước trên con đường đờn ca hát xướng truyền thống của gia đình.
Chia sẻ thêm về thời niên thiếu của Hoài Lâm, anh Tuấn nói: “Khi đó, đoàn hội chợ của anh 6 Mỡ không có người đánh trống, bản thân anh tôi chỉ biết hát mà thôi. Thấy vậy Lâm tập tành đánh trống và đánh rất có nghề”.
Vậy là ngoài giọng hát thiên bẩm mà mọi người từng biết, hôm nay chúng ta lại biết thêm về tài lẻ của Hoài Lâm, đó là đánh trống. Khi đó, Lâm còn quá nhỏ nên rất khi hát ở sân khấu hội chợ mà chỉ phụ cha mẹ đánh trống cho đoàn.
“Từ bé, Lâm rất ngoan ngoãn, thấy cha mẹ thuê người đánh trống với chi phí khá cao nên nó đánh trống để giảm bớt gánh nặng chi phí. Nhìn dáng nó ốm yếu vậy mà cầm nguyên dàn trống, ai nấy cũng cười và thương nó” – Anh Tuấn vui vẻ kể.
Chúng tôi thầm nghĩ, khi đi xem hội chợ ngoài những trò chơi, thì các tiết mục biểu diễn là điều mà người xem hướng đến, mọi người sẽ không ai chú ý đến tay trống nhỏ bé Hoài Lâm.
Nhưng có một điều mà không ai ngờ rằng, thằng bé đánh trống không chuyên kia, sau này đã trở thành Quán quân Gương mặt thân quen 2014.
Có lẽ, việc đánh trống của Hoài Lâm chỉ là một giải pháp tình thế trong lúc đoàn hội chợ của gia đình đang gặp khó khăn, thiếu thốn trăm bề nên Lâm phải làm như vậy.
Thực tế giúp ta thấy rõ, Hoài Lâm sinh ra là để hát, hát để thể hiện niềm khát khao âm nhạc đang nung nấu trong tâm hồn mình, hát để gieo rắt vào lòng người những rung động thật sự từ chính con tim.
Bằng chứng là, Hoài Lâm đã rất nhiều lần bắt xe từ Vĩnh Long lên TPHCM để tìm Hoài Linh, đến lần thứ ba thì mới được chấp nhận và được danh hài này nuôi dưỡng, ươm mầm ca hát.
Con đường ca hát của Hoài Lâm là một con đường không bằng phẳng mà lắm thử thách, chông gai. Ngoài sự giúp đỡ của bố nuôi Hoài Linh, truyền thống tài tử của gia đình còn xuất phát từ tài năng và đặc biệt là niềm đam mê cháy bỏng, không lùi bước trước mọi hoàn cảnh, khó khăn.
Sinh ra ở quê, nên Hoài Lâm nặng tình nặng nghĩa với làng xóm quê hương. Theo lời anh Tuấn, khi về quê Hoài Lâm thường đi đá banh với anh em họ của mình.
Cháu Nguyễn Văn Tùng (con anh 4 Mén – bác ruột của Hoài Lâm) hay cháu Nguyễn Thanh Tú (con anh Tuấn) đều rất thích Hoài Lâm, vì cái tính hòa đồng, xem trọng tình anh em, dòng họ.
Theo cháu Tú, có lần đá banh xong, Hoài Lâm tắm sông rồi thả trôi về nhà khoảng tầm 500 m. Anh em sợ Lâm bị “chết hụt” nên cũng lội theo,không ngờ Lâm lội sông rất giỏi.
Anh Tuấn nói thêm: “Nó rất thích tắm sông vì đã lâu rồi nó không được tắm. Lâm rất nhớ quê, nó hứa với ông nội nó, vài ngày nữa sẽ về thăm. Nó sắp đi Mỹ lưu diễn nên tranh thủ về nhà thăm nội, thăm anh em, bà con lối xóm”.
Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để chứng tỏ rằng, Hoài Lâm là một người sống rất “quê” và chính quê hương hẻo lánh này đã nâng đôi cánh bé nhỏ của Lâm bay lên trên bầu trời nghệ thuật.
Bước ra khỏi nhà ông Tư khi trời vừa sập tối, bầu trời giăng giăng mưa bụi, như sà thấp xuống cố nâng mặt đất dày hơn. Dù mưa lạnh nhưng trong lòng chúng tôi cảm thấy ấm áp vô cùng.
Quê hương của Hoài Lâm không vật chất, xa hoa như chuốn phồn hoa đô thị nhưng lại đong đầy tình nghĩa; tất cả mọi người nơi đây luôn dõi theo bước chân của Lâm và Lâm cũng vậy; Lâm luôn hướng về quê hương yêu dấu của mình - nơi ươm mầm cho đam mê và khát vọng của Lâm.