Hóa thạch 125 triệu năm của khủng long bị chôn sống

GD&TĐ - Một cặp khủng long đang ngủ trong hang cách đây 125 triệu năm ở Trung Quốc khi một ngọn núi lửa gần đó phun trào, đưa dung nham xuống thung lũng và vô hình trung tạo thành một ngôi mộ dưới lòng đất.

Hóa thạch 125 triệu năm của khủng long bị chôn sống

Hóa thạch nguyên sơ của hai động vật bò sát dài gần 1,1 mét còn nguyên vẹn đến nỗi các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho loài mới được phát hiện là Changmiania liaoningensis, có nghĩa là “kẻ ngủ yên vĩnh cửu từ Liêu Ninh”.

Các nhà nghiên cứu viết: “Giả thuyết dự kiến được đưa ra là cả hai mẫu vật Changmiania liaoningensis đã bị chôn sống dưới một hang ngầm sụp đổ lúc còn đang say ngủ. Điều này lý giải cho câu hỏi tại sao các hóa thạch vẫn còn nguyên vẹn và sống động như vậy”.

Nông dân ở tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc là những người đã phát hiện ra hai mẫu vật, hiện được đặt tại Bảo tàng Cổ sinh vật học Liêu Ninh.

Sau đó, một nhóm các nhà cổ sinh vật học quốc tế từ Trung Quốc, Argentina và Bỉ đã bắt tay vào nghiên cứu giải phẫu mẫu vật độc đáo.

Phân tích cho thấy Changmiania liaoningensis là một loài khủng long chân chim cổ đại - một loài ăn cỏ, đi bằng hai chân, chẳng hạn như Iguanodon, hadrosaur và khủng long mỏ vịt. Các sinh vật này cũng có mõm hình cái xẻng, cổ và cẳng tay ngắn nhưng khỏe, điều này sẽ giúp chúng đào hang một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Nhà nghiên cứu cấp cao

Pascal Godefroit, đến từ Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ cho biết: “Một số đặc điểm của bộ xương cho thấy Changmiania có thể đào hang giống như loài thỏ ngày nay. Cổ và cẳng tay của chúng rất ngắn nhưng khỏe, bả vai của chúng là đặc điểm của động vật đào hang có xương sống và đỉnh mõm của chúng có hình như một chiếc xẻng”.

Lujiatun Beds, nơi những hóa thạch này được tìm thấy, là một khu vực nổi tiếng với những hóa thạch phi thường - những mẫu vật được cho là đã được bảo tồn bởi một vụ phun trào núi lửa cổ đại thời kỳ Creta, giống như thành phố

Pompeii (thành phố La Mã đã bị phá hủy nhưng được bảo tồn nguyên vẹn do một vụ phun trào từ Núi Vesuvius vào năm 79 SCN).

Các hóa thạch 3D khác từ địa điểm này cung cấp bằng chứng cho thấy một số loài khủng long là cha mẹ tận tụy và rằng các loài động vật có vú có kích thước ngang với chồn túi opossum từng ăn thịt những con khủng long nhỏ bé.

Có thể giả thuyết rằng, các hang chứa các bộ xương của loài Changmiania đã sụp đổ trong giai đoạn dòng chảy của các mảnh vỡ từ vụ phun trào; hay nói cách khác, chúng ta có thể tưởng tượng rằng các Changmiania liaoningensis đã đào hang của chúng trong phần địa chất núi lửa không ổn định ngay sau khi các dòng đất đá mới chảy xong, theo các nhà nghiên cứu.

Mặc dù vậy, những lời giải thích này vẫn chỉ là những suy đoán thuần túy, bởi vì các hóa thạch được khai quật bởi nông dân chứ không phải bởi nhà khoa học, vì vậy một số chi tiết nhất định về vị trí của mẫu vật đã không được nghiên cứu.

Không giống như một loài khủng long khác cũng ngủ sâu dưới Lujiatun Beds, Mei long, một loài điểu long răng khía bị hóa thạch trong tư thế đuôi cuộn tròn dưới cổ, trong khi Changmiania liaoningensis ngủ say với đuôi duỗi ra.

Một manh mối hóa thạch khác bao gồm một cụm hàng chục viên sỏi nhỏ được tìm thấy gần khu vực dạ dày của một trong những cá thể Changmiania liaoningensis. Các nhà nghiên cứu cho biết những viên sỏi này có thể là thức ăn trong dạ dày, hoặc đá mà một số loài động vật cố ý nuốt phải để giúp nghiền thức ăn trong quá trình tiêu hóa.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ