Quá trình thủy phân kiềm
Trước khi qua đời vào cuối năm 2021, Tổng giám mục Desmond Tutu, biểu tượng chống phân biệt chủng tộc tại Nam Phi, đã lựa chọn phương pháp án táng thủy phân kiềm nhằm bảo vệ môi trường. Hành động của ông Tutu đã đưa một khái niệm mai táng tương đối mới mẻ đến với người dân Nam Phi nói riêng và toàn thế giới.
Theo Công ty nghiên cứu Bio-Response Solutions, một trong những đơn vị đang thực hiện quy trình thủy phân kiềm, đây là phương pháp thiêu xác bằng nước. Trong quá trình này, thi thể của người được đặt trong các cỗ máy thủy táng dạng khối thép hình chữ nhật, có nắp tròn giống như nắp tàu ngầm mở vào khoang bên trong.
Bên trong cỗ máy bao gồm buồng kín chứa dung dịch làm từ 95% nước và 5% hóa chất kiềm. Buồng kín sau đó được làm nóng, hòa tan các mô, hóa lỏng cơ thể và chỉ để lại xương. Phần xương cốt của người chết sau khi thủy phân sẽ được sấy khô và nghiền thành bột. Tùy theo nhiệt độ của dung dịch kiềm, quá trình thủy phân có thể kéo dài từ 4 - 16 giờ.
Còn dung dịch kiềm sau khi phân hủy thi thể sẽ được đưa vào bồn chứa riêng. Đây là hỗn hợp vô trùng gồm axit amin, peptit, muối, đường và không chứa ADN của người chết. Dung dịch có màu như trà hoặc bia, gần như trong suốt và có mùi gần giống xà phòng. Độ pH của dung dịch sẽ được kiểm tra và điều chỉnh nếu cần thiết trước khi đưa vào hệ thống cống thải.
Theo Bio-Response Solutions, quá trình thủy phân kiềm “sử dụng ít hơn 90% năng lượng so với hỏa táng và không thải ra bất kỳ khí nhà kính độc hại nào”. Phương pháp này được sử dụng với nhiều tên gọi như thủy táng, hỏa táng bằng nước, hỏa táng không lửa...
Lần đầu tiên được giới thiệu tại Mỹ hơn một thập kỷ trước, thủy phân kiềm hiện được cấp phép và quản lý ở 26 bang và được thực hiện chủ yếu ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, không nhiều người coi phương pháp này như một hình thức mai táng.
Người đầu tiên phát hiện ra phương pháp thủy phân kiềm là nhà khoa học người Anh Amos Herbert Hobson. Năm 1888, ông Hobson nhận thấy khi ngâm xác động vật trong dung dịch kiềm hòa tan với nước và đun ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra một hợp chất đặc sệt, có thể làm phân bón.
Phương pháp này đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân bởi phân bón chứa nhiều chất dinh dưỡng, không mang theo tạp chất hay thành phần hóa học độc hại.
Một thế kỷ sau, hai nhà khoa học Gordon I. Kaye và Peter B, Weber, làm việc tại Trường Đại học Y Albany, Mỹ, đã sử dụng kỹ thuật của Hobson để xử lý thỏ thí nghiệm nhiễm phóng xạ.
Họ cho rằng, quá trình thủy phân kiềm có thể xử lý an toàn việc tiêu hủy động vật làm đối tượng nghiên cứu. Sau khi thử nghiệm thành công, hai nhà khoa học đã đăng ký và nhận bằng sáng chế hình thức thủy phân kiềm vào năm 1994.
Kể từ đó, các kỹ sư bắt đầu chế tạo máy thủy phân kiềm dựa trên kỹ thuật của Kaye và Weber. Chiếc máy đầu tiên, có tên gọi là máy phân hủy mô, được chế tạo tại Trường Cao đẳng Y tế Albany và được bán cho hệ thống nhà tang lễ của Bệnh viện Shands, thuộc Trường ĐH Florida, Mỹ, vào năm 1995 phục vụ mục đích nghiên cứu y tế. Kể từ đó, họ đã bán và lắp đặt 75 máy thủy phân kiềm. Việc thủy táng cũng bắt đầu hoạt động.
Đến năm 2010, Bio-Response Solutions nhận được đơn đặt hàng đầu tiên từ ông Jeff Edwards, Giám đốc một nhà tang lễ ở bang Ohio. Sau khi biết đến hình thức mai táng này, ông Edwards đã liên kết giới thiệu cho các khách hàng của mình. Kể từ đó, nhiều người Mỹ vì tò mò xen lẫn ủng hộ đã sử dụng dịch vụ trên.
Những phần xương còn sót lại sau quá trình thủy táng. |
Hỏa táng “xanh”
Một trong những ưu điểm của thủy phân kiềm là đẩy nhanh quá trình xác chết phân hủy tự nhiên trong lòng đất. Thủy phân kiềm thực tế là một phản ứng hóa học, trong đó, với điều kiện và môi trường nhất định, các phân tử nước sẽ phân ly và phân hủy. Trong phản ứng thủy phân kiềm, các nhà nghiên cứu đã tăng nhiệt độ, tăng dòng chảy của nước và thêm hóa chất kiềm để phân tử nước phân tách và phá vỡ cấu trúc của thi thể.
Quá trình trên giúp việc phân hủy tự nhiên hơn, loại bỏ các chất gây ô nhiễm môi trường. Các loại thuốc hóa trị hay bất kỳ loại thuốc nào có trong cơ thể người đều sẽ bị phân hủy. Từ đó, thủy táng có thể khiến quá trình mai táng an toàn và thân thiện hơn với môi trường.
Mỗi năm tại Mỹ, quá trình địa táng sẽ mang theo các hóa chất và vật liệu chôn cùng với thi thể. Ước tính, 30 triệu mét gỗ cứng, gần 3 nghìn tấn đồng, gần 105 nghìn tấn thép và hơn 1,5 triệu tấn bê tông cốt thép được sử dụng khi địa táng.
Còn hàng năm, hình thức hỏa táng thải ra môi trường khoảng 360 nghìn tấn carbon dioxide và các chất liệu độc hại như thủy ngân. Ngược lại quá trình thủy phân kiềm tiêu thụ khoảng 10% năng lượng cần thiết. Máy thủy phân chạy bằng điện, không phải nhiên liệu hóa thạch và không thải ra khí nhà kính.
Như vậy, so với hai phương pháp truyền thống, thủy phân kiềm “xanh” hơn và giúp bảo vệ môi trường. Thủy táng cũng giúp giảm lượng CO2 xuống 7 lần so với hỏa táng. Chi phí bù đắp thiệt hại môi trường của hình thức này cũng thấp nhất với 2,88 USD/thi thể. Đối với hỏa táng và địa táng, con số lần lượt là 71 USD và 54 USD.
Tuy nhiên, phương pháp này hiện chưa phổ biến rộng rãi vì đây là hình thức mới mẻ, chưa nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ công chúng. Dù vậy, trước những lợi ích tiên tiến của thủy táng, Mỹ đang cố gắng thúc đẩy phương pháp này được chấp nhận là một hình thức tổ chức tang lễ.
Từ tháng 2/2022, nhà tang lễ White Rose Aqua Cremation, bang California đi vào hoạt động là nhà tang lễ đầu tiên ở bang này cung cấp dịch vụ thủy phân kiềm. Khách hàng có thể lựa chọn thủy táng hoặc chôn lấp xanh nhưng nhà tang lễ không cung cấp dịch vụ truyền thống như địa táng, hỏa táng. Điều này đánh dấu một “kỷ nguyên mới” cho lĩnh vực thủy táng.