Họa sỹ Vũ Thái Bình: Cơ duyên với Dó

GD&TĐ - Họa sỹ Vũ Thái Bình đến với Dó như một cơ duyên. Anh đã thành công trong khám phá chất liệu này ở “Sắc Dó 2016” với những bức chân dung, cuộc sống nơi thôn quê. Đến “Sắc Dó 2018”, Vũ Thái Bình càng thể hiện sự chín muồi hơn qua từng nội dung, mảng màu, nét vẽ. Nhiều người xem tranh anh đã thốt lên: “Như tìm lại được những điều xưa cũ”.

Họa sỹ Vũ Thái Bình trò chuyện cùng các phóng viên báo, đài tại triển lãm “Sắc Dó 2018”
Họa sỹ Vũ Thái Bình trò chuyện cùng các phóng viên báo, đài tại triển lãm “Sắc Dó 2018”

Tái hiện những làng quê bình dị

Công chúng và giới mỹ thuật biết đến họa sỹ Vũ Thái Bình qua triển lãm “Sắc Dó năm 2016”. Với các tác phẩm vẽ trên giấy dó về cuộc sống làng quê đồng bằng Bắc Bộ hay những bản làng miền núi xa xôi… anh đã đem đến cho người xem những cảm xúc nao lòng, những hoài niệm và cảm giác như mình đang hòa mình trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp đó. Hay những bức chân dung bình dị của người bà, người mẹ… được khắc họa chân thực trong tranh, cho ta cảm giác như đang đối thoại cùng họ: Từ nụ cười rạng rỡ đến nét mặt lo âu hay những ánh mắt biết nói chứa chan bao hy vọng...

Khắc họa nên những bức tranh vừa chân thực, sinh động đó phải kể đến kĩ thuật vẽ trên giấy Dó nhuần nhuyễn của Vũ Thái Bình. Thế mạnh của chất liệu được phát huy. Cùng với đó, người ta ấn tượng về một không gian xưa cũ hiện hữu qua những mảng màu, gam màu được phối hợp đến độ tinh tế, khiến người xem như tìm thấy những điều xưa cũ trong mỗi bức tranh.

Đến “Sắc Dó 2018”, Vũ Thái Bình càng khẳng định được sự chín muồi, niềm đam mê, khả năng công bút ngày càng sắc sảo qua từng kỹ năng xử lý nét, hình, mảng, màu với những bứt phá ngoạn mục trên giấy Dó. Hơn thế nữa, đó còn là sự chín muồi trong cách cảm qua từng nội dung thể hiện. Từng cảnh vật, con người... qua cách anh kể khiến chúng ta khắc khoải, bồi hồi. Bao cảm xúc bất chợt ùa về rồi đọng lại trong ký ức, lớp lớp thời gian gối nhau trải dài trên tranh…

Để có được các tác phẩm triển lãm trong “Sắc Dó 2018”, Vũ Thái Bình đã miệt mài hơn 2 năm trời, ngay sau khi kết thúc “Sắc Dó 2016”. Những gì anh kể không còn là riêng lẻ, hay chân dung nhân vật mà là cả một câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, về cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, êm đềm nơi thôn dã.

Nhận xét về tranh của Vũ Thái Bình, ông Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực - Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Tôi đánh giá cao Vũ Thái Bình, anh là một người can đảm, dám dấn thân với Dó và anh đã thành công. Nếu không đủ sự kiên tâm, thanh nhàn, không đủ kiên trì thì chỉ vẽ được vài nét bút là cảm thấy thất bại. Bởi, một khi đã vẽ vào Dó, thả màu, thả nước vào dó sẽ không thể nào lấy ra được. Những sắc độ mình cần cho tranh không thể rút ra được và bức tranh đó sẽ hỏng. Nhiều khi, bức tranh đang sắp hoàn thành, chỉ một tiểu tiết nhỏ bị đậm mầu hơn cũng đành phải bỏ đi. Đó là cái khó, cái khắc nghiệt của Dó, khiến cho nhiều họa sĩ thử vài lần rồi không trụ lại được”.

Tác phẩm “Ký ức”
Tác phẩm “Ký ức”

Như một cơ duyên

Chia sẻ về những bức tranh của mình, họa sĩ Vũ Thái Bình cho biết: “Tôi đến với Dó như một “cơ duyên” và sau đó là đam mê. Trước đó, tôi đã vẽ qua các chất liệu khác nhau, nhưng sau cùng tôi chọn dó và sẽ gắn bó với Dó đến hết chặng đường còn lại. Bởi vì, tôi nhận thấy Dó hợp với con người tôi, qua Dó tôi thể hiện được những cảm xúc của riêng mình”.

Hỏi về những ngày tháng lao động nghệ thuật vất vả, họa sỹ Vũ Thái Bình cho biết: “Để đến được với dó và trụ lại trước hết đó là sự nỗ lực, kiên trì và sáng tạo không mệt mỏi. Vẽ trên dó không giống như trên toan hay trên gốm, trên gỗ… Vẽ trên Dó rất dễ hỏng mà hỏng thì chỉ có thể bỏ đi. Bởi vậy, hoàn thành được một bức vẽ đòi hỏi sự vất vả, cần cù, cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Để hoàn thành một bức vẽ tôi đã bỏ đi hàng chục, thậm chí hàng trăm tờ giấy dó, bởi sự mong manh, dễ rách, dễ hỏng của nó. Đó là điều khó, cản trở khiến ít họa sĩ chọn Dó.

Tác phẩm “Cuối đông”
  • Tác phẩm “Cuối đông”

Với tôi, Dó là đứa con tinh thần. Để hiểu được dó tôi đã trải nghiệm qua nhiều thất bại. Nhưng khi đã tìm được sự đồng điệu, tôi lại nhận thấy dó vừa nhẹ nhàng, mềm mại, dẻo dai chứ không mỏng manh, dễ rách... Dó là một chất liệu tuyệt vời, tinh tế, một cái gì đó truyền thống trong xã hội ngày càng phát triển, cần được gìn giữ và trân trọng”.

Chia sẻ về kinh nghiệm vẽ trên giấy Dó, Vũ Thái Bình tâm sự: “Muốn vẽ được trên dó, phải tìm cho ra được cấu trúc riêng, ngôn ngữ riêng bởi dó không quá đồ sộ, không quá mạnh mẽ, không quá đáo để… mà Dó cần sự nhẹ nhàng, mong manh. Vẽ trên Dó, tâm hồn người nghệ sỹ buộc phải tìm cách nương theo mặt dó để thực hiện thành công tác phẩm của mình”.

Trong vài thập kỷ qua, Dó Việt như một món quà quê của người Việt. Hiện tại, dó vẫn đang là một thách thức mở cho các họa sỹ đi tìm lối ra. Hiện nay, các họa sỹ đến được với dó còn đếm trên đầu ngón tay. Bởi vậy, thêm được một người vẽ dó như Vũ Thái Bình là một tin vui. Vũ Thái Bình (thế hệ 7x kế tiếp về Dó) như một sự xuất hiện mới, tạo nên một cái nhìn khác trên màn Dó mong manh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ