Hoa quả Trung Quốc đội lốt hàng Việt

GD&TĐ - Chẳng cần phải đến các chợ, siêu thị, mà ngay trên nhiều tuyến đường của Hà Nội như: Lê Văn Lương, Phạm Ngọc Thạch, Trần Thái Tông, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy… người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp khá nhiều xe thồ chở đủ các loại hoa quả như: Cam, đào, mận, nho, táo, xoài… có ghi biển hoặc rao là “đặc sản” Việt Nam được bán với giá rất bèo. 

Hoa quả Trung Quốc đội lốt hàng Việt

Chẳng hạn, đào có giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, mận xanh, đỏ 20.000 - 30.000 đồng/kg, nho 20.000 - 25.000 đồng/kg...

“Nhái” hàng Việt để “câu” khách

Không chỉ xuất hiện tại các quận nội thành mà ngay tại các vùng giáp ranh như khu vực Nhổn - Cầu Diễn, Sơn Tây, Đông Anh... cũng xuất hiện nhiều xe thồ bày bán hoa quả không rõ nguồn gốc nhưng được “gắn mác” hàng Việt. Chủ một cửa hàng kinh doanh hoa quả trên đường Nguyễn Trãi quảng cáo: Nho xanh chính gốc Ninh Thuận 20.000 đồng/kg, mận tím Sa Pa chỉ 30.000 đồng/kg, đào Tây Bắc 20.000 đồng/kg...

Khi được hỏi giá rẻ như vậy phải chăng là hàng Trung Quốc, hầu hết người buôn bán đều khẳng định: Hàng Trung Quốc nhiều chất bảo quản ăn vào ảnh hưởng đến sức khỏe, bán chả ai mua nên 100% hoa quả đang bán là hàng Việt Nam chính gốc chứ không có hàng Tàu.

Nếu như trên thị trường tự do bán đủ loại hoa quả “do người Việt sản xuất” thì tại các siêu thị như: Big C, Fivimart, Hapro… đều không bán mặt hàng này. Theo chị Nguyễn Thanh Tình, chủ một cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu trên đường Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội): Hiện các loại như đào, mận Tây Bắc, nho xanh Ninh Thuận… mà các cửa hàng hoa quả, hay những người bán rong trên đường đều là hàng Trung Quốc.

Để khẳng định cho điều đó, chị Tình cho rằng, thời kỳ thu hoạch những sản phẩm này tại Việt Nam đều đã hết. Cụ thể, tháng 4, tháng 5 Ninh Thuận vào mùa thu hoạch nho, các loại mận tím, mận xanh chỉ có vào tháng 5, tháng 6, đào Lào Cai được thu hoạch từ hồi tháng 5 đến đầu tháng 7 đã hết vụ...

Cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng

Hoa quả không rõ nguồn gốc, phần nhiều trong số đó nhập từ Trung Quốc nhưng được tiểu thương gắn mác “Việt Nam” là vi phạm đến quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát lại không hề dễ dàng.

Theo Ban quản lý chợ Long Biên – nơi được coi là “thủ phủ” của hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc, trung bình mỗi ngày lượng hoa quả về chợ này lên tới hàng ngàn tấn. Trong đó, hàng nhập từ Thái Lan, Trung Quốc chiếm trên 50% và có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ do hải quan cửa khẩu xác nhận. Đồng thời chủ hàng khi bán buôn đều nói rõ là hoa quả Trung Quốc. Nhưng tiểu thương khi bán lẻ tại hệ thống chợ truyền thống đều “rỉ tai” nhau là hàng Việt.

Về vấn đề lực lượng quản lý thị trường có ngăn chặn được tình trạng này hay không, ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay: Chức năng của quản lý thị trường là kiểm tra, xử lý các siêu thị, cửa hàng chuyên kinh doanh hoa quả nhập khẩu như: Klever Fruits có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hay không.

Còn riêng với những tiểu thương, cũng như những người bán rong khi bán nói sai về nguồn gốc, quản lý thị trường không thể cũng như không có bằng chứng vi phạm để mà xử phạt. Bên cạnh đó, việc Cục Bảo vệ thực vật chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể chứng minh chất bảo quản có trong hoa quả Trung Quốc ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào để lực lượng chức năng làm căn cứ nên việc xử phạt đang gặp rất nhiều khó khăn.

Điều đó cho thấy, đang có “lỗ hổng” lớn trong việc quản lý nông sản, trái cây đối với các tiểu thương bán lẻ. Trong khi đây là một kênh phân phối rất lớn do thói quen tiêu dùng của người dân thì ngành chức năng lại đang không thể kiểm soát. Chưa có tiêu chí đánh giá mức độ độc hại của dư lượng thuốc bảo quản trong hàng nông sản, trái cây nhập khẩu (nhất là từ Trung Quốc) để người tiêu dùng an tâm; Lực lượng chức năng không có căn cứ để xử lý; Việc lấy mẫu, kiểm tra không được thực hiện thường xuyên, liên tục... khiến người tiêu dùng luôn nơm nớp lo lắng mỗi khi mua hoa quả.

Số liệu của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), 7 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả đạt trên gần 700 triệu USD. Số liệu cũng cho thấy, Việt Nam đang nhập khẩu hàng rau quả chủ yếu từ các nước như: Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Úc… trong đó chủ yếu từ Thái Lan, chiếm 40,8% tổng kim ngạch, tăng 81,96%; Trung Quốc đứng thứ hai về nhập khẩu rau quả vào Việt Nam với kim ngạch đạt 80,7 triệu USD, tăng 30,95%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.