Hóa giải tính thiếu kiên nhẫn ở trẻ

GD&TĐ - Kiên nhẫn đồng nghĩa với việc biết kiềm chế bản thân là những đức tính cha mẹ cần dạy con ngay từ khi còn nhỏ. Tính kiên nhẫn sẽ giúp trẻ tự điều chỉnh hành vi, giúp phát triển tư duy, tạo nên tính cách ôn hòa và tăng khả năng thành công sau này.  

Hóa giải tính thiếu kiên nhẫn ở trẻ

Trẻ hay nóng vội

Đối với một đứa trẻ, kiên nhẫn chờ đợi hay phải kìm nén bản thân là một điều vô cùng khó khăn. Tất nhiên không có bài học nào dạy con là dễ dàng với bố mẹ, đặc biệt là đối với những đứa trẻ ưa hiếu động, thích hướng ngoại. Nhiều phụ huynh tâm sự, con họ quá nghịch ngợm và thường không thích ứng với những trò chơi đòi hỏi phải ngồi yên một chỗ. Thậm chí đi dạo chơi cùng bố mẹ, những cô cậu bé này thường có xu hướng tách ra để chạy nhảy tự do một mình.

Với chị Thu Nga ở khu tập thể Thành Công (Hà Nội), mỗi khi cho con đi siêu thị là chị phải dọa nạt đủ đường thì cậu con trai lên 7 mới đồng ý chọn đồ cùng mẹ. Chị quan sát thấy cháu thường có thái độ sốt ruột nóng vội, luôn muốn kết thúc công việc một cách nhanh chóng rồi chuyển sang việc khác. Để rèn tính kiên nhẫn cho con, chị đã mua những bộ lego lắp ráp tặng con làm phần thưởng sau mỗi học kỳ, như một cách rèn tính kiên nhẫn cho bé.

Những đứa trẻ thiếu tính kiên nhẫn thường có biểu hiện mau chán, ngay cả đối với những việc mà ban đầu chúng rất yêu thích. Nếu để trẻ tự do thực hiện theo ý mình, có nhiều việc chúng sẽ chỉ làm nửa chừng rồi bỏ lại. Do đó, khi trẻ tỏ ra thiếu kiên nhẫn, cha mẹ cần động viên, uốn nắn ngay để không trở thành một thói quen xấu. Nhiều phụ huynh đã kết hợp hài hòa giữa khen thưởng những hình thức phạt nếu trẻ thường xuyên không tuân theo sự nhắc nhở của cha mẹ. Việc tạo ra khuôn phép cũng giúp trẻ hình thành một nền nếp tốt.

Tạo thói quen quan sát và chờ đợi

Có nhiều cha mẹ, khi trẻ thích bất kỳ đồ chơi nào cũng đồng ý đáp ứng ngay cho con. Thậm chí khi trẻ yêu thích một chương trình tivi, nhiều bé có xu hướng “độc chiếm” điều khiển, không cần biết phải chờ đợi hay thỏa hiệp với người khác. Những hành động tưởng chừng vô hại đó lại có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của bé sau này. Khi được đáp ứng trong mọi tình huống, trẻ sẽ mặc nhiên nghĩ đó là quyền lợi riêng của mình, từ đó sinh ra thói quen ỷ lại, mất đi sự kiên nhẫn.

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, thay vì đáp ứng ngay các yêu cầu của trẻ, bố mẹ có thể nói với bé: “Bây giờ mẹ đang bận, con hãy tự đi lấy hoặc đợi mẹ”, nếu như đó là yêu cầu hợp lý. Hoặc đối với yêu cầu bất hợp lý, mẹ có thể nghiêm khắc từ chối. Đặc biệt khi tham gia các hoạt động công cộng, cha mẹ nên tạo cho con thói quen xếp hàng chờ đợi đến lượt của mình. Để xây dựng được đức tính kiên nhẫn cho trẻ, cần một thời gian dài, trong đó đòi hỏi cả sự kiên trì của bố mẹ. Khi trẻ tỏ ra thiếu kiên nhẫn, bố mẹ cần nhắc nhở ngay lập tức. Nếu tình trạng đó diễn ra quá nhiều lần, bố mẹ cũng nên nhẹ nhàng nhắc nhở bé và chú ý tránh quát mắng, đe dọa khiến bé sợ hãi.

Cũng theo chuyên gia Phạm Hiền, trẻ em cũng như người lớn, rất ghét việc bị nhắc nhở nhiều; đặc biệt là những điều có tính chất lý thuyết suông lại càng không có tác dụng với chúng, chẳng hạn: Con cần làm việc tốt! Con cần phải kiên nhẫn. Nhìn bạn mà học tập kìa… Việc tốt nhất chính là bố mẹ cùng trải nghiệm với trẻ để trẻ hiểu nhanh và hiểu sâu bản chất vấn đề. Chẳng hạn: Khi trẻ làm một bài tập khó và liên tục hỏi bố mẹ, đừng vội trả lời chúng. Hãy yêu cầu con đọc kỹ lại đề bài, phân tích những ý chính và câu hỏi là gì… Dần dần yêu cầu trẻ làm theo từng bước để tìm lời giải cho đến khi ra kết quả cuối cùng. Kiên nhẫn là đức tính cần thiết cho trẻ đặc biệt là trẻ từ 9, 10 tuổi trở lên. Đó chính là nền tảng để khi lớn hơn trẻ có sự kiên trì theo đuổi mục tiêu, sự thành công ngay cả những lúc vấp phải khó khăn.

“Ngay cả khi trẻ đã ít nhiều thể hiện được tính kiên nhẫn, cha mẹ cũng không nên lơ là với trẻ. Bởi nếu chỉ cần thiếu rèn luyện một thời gian ngắn, trẻ sẽ mất kiên trì và khi đó, phải tốn thời gian để rèn luyện lại”, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thường xuyên chấm bài và soạn giáo án điện tử, mắt của cô Nguyễn Thị Mai Hương mờ, yếu và tăng độ.

Cách bảo vệ mắt hiệu quả

GD&TĐ - Khi nhắc đến bệnh nghề nghiệp của giáo viên, nhiều người thường nghĩ đến: Khàn giọng, mất tiếng, viêm thanh quản, giãn tĩnh mạch chân do đứng nhiều.