Hóa chất nào gây nên vụ nổ “tận thế” ở Thiên Tân?

Lính cứu hỏa không hề biết rằng bên trong nhà kho là những “tử thần” chỉ chực chờ bùng nổ khi gặp nước.

Hóa chất nào gây nên vụ nổ “tận thế” ở Thiên Tân?

Ngày 16/8, nhà chức trách Trung Quốc cho biết hai vụ nổ kinh hoàng ở thành phố cảng Thiên Tân hôm thứ Tư đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 104 người và khiến khoảng 700 người bị thương, biến một góc thành phố xinh đẹp này thành đống đổ nát hoang tàn như “ngày tận thế”.

Tuy nhiên, đến nay các quan chức Trung Quốc vẫn chưa chỉ ra được đâu là thủ phạm gây nên 2 vụ nổ có sức công phá tương đương 3 tấn và 21 tấn thuốc nổ TNT này, mặc dù họ đã bắt giữ lãnh đạo của một công ty chuyên vận chuyển, cất trữ hóa chất độc hại trong các nhà kho gần bến cảng.

Hóa chất nào gây nên vụ nổ “tận thế” ở Thiên Tân? - 1

Vụ nổ thứ hai ở Thiên Tân có sức công phá tương đương 21 tấn TNT

Trả lời phỏng vấn đài NPR của Mỹ, chuyên gia kiểm soát nguy cơ hóa chất David Leggett đã phân tích những nguy cơ cháy nổ mà các loại hóa chất được cất trữ tại các nhà kho này gây ra, và chỉ ra đâu là thủ phạm gây nên vụ nổ kinh hoàng trên.

Theo chuyên gia Leggett, có 3 loại hóa chất có nguy cơ cao đã được nhà chức trách Trung Quốc xác nhận là được cất trữ bên trong các nhà kho ở Thiên Tân, đó là canxi cacbua (hay còn gọi là đất đèn), kali nitrat, và natri nitrat.

Những loại hóa chất này trong điều kiện bình thường được coi là khá ổn định. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra cháy nổ lớn, đây sẽ là những ẩn họa có thể gây ra hậu quả khôn lường. Theo ông Leggett, sau khi vụ nổ đầu tiên tương đương 3 tấn thuốc nổ TNT xảy ra, những chiếc thùng đựng canxi cacbua sẽ bị vỡ dưới sức ép của sóng xung kích, và loại hóa chất này sẽ vương vãi ở khắp nơi trong nhà kho.

Khi lực lượng cứu hỏa đến nơi và không được thông báo về các loại hóa chất này, họ sẽ phun nước để tìm cách dập lửa. Tuy nhiên, canxi cacbua khi gặp nước trong điều kiện nhiệt độ cao sẽ nhanh chóng giải phóng khí acetylene, một loại khí có khả năng gây cháy nổ cực cao.

Hóa chất nào gây nên vụ nổ “tận thế” ở Thiên Tân? - 2

Một số loại hóa chất đã phát nổ khi lính cứu hỏa phun nước để dập cháy

Điều này đã được chứng minh bằng một đoạn video được tung lên mạng, quay cảnh một người lính cứu hỏa ở Thiên Tân tưới nước vào đám hóa chất dưới mặt đất, và ngay lập tức số hóa chất này bốc cháy dữ dội.

Ông Leggett cho biết với những nhà kho trung chuyển hóa chất như ở Thiên Tân, lẽ ra công ty vận hành phải có bản kê chi tiết các loại hóa chất cất trữ bên trong và kịp thời cung cấp cho lính cứu hỏa để họ tìm ra phương án chữa cháy tối ưu nhất. Tuy nhiên, ông tin rằng lực lượng cứu hỏa ở Thiên Tân đã không được cung cấp bản kê này, và hậu quả là vòi nước dập lửa của họ lại vô tình gây ra vụ nổ lớn hơn gấp nhiều lần.

Vụ cháy nổ ở Thiên Tân là thảm họa gây thiệt hại nặng nề nhất về nhân mạng cho lực lượng cứu hỏa Trung Quốc, với ít nhất 21 lính cứu hỏa đã thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ, và còn có rất nhiều người khác mất tích. Hiện danh sách lính cứu hỏa hợp đồng bị mất tích vẫn chưa được công bố, trong đó có những người rất trẻ.

Ngoài số hóa chất dễ cháy nổ, những nhà kho trung chuyển như trên còn là nơi cất trữ các loại hàng hóa, vật tư khác chờ chuyển đi bằng tàu biển, trong đó có cả những loại hóa chất độc hại, thậm chí có cả chất kịch độc như natri xyanua có thể gây tử vong cho con người.

Hóa chất nào gây nên vụ nổ “tận thế” ở Thiên Tân? - 3

Nỗi lo sợ nhiễm độc hóa chất đang bao trùm thành phố Thiên Tân

Điều đó đã làm dấy lên nỗi lo sợ về nguy cơ nhiễm độc nghiêm trọng đối với cư dân thành phố Thiên Tân, buộc nhà chức trách phải hối hả sơ tán người dân trong phạm vi 3 km xung quanh vụ nổ. Quân đội Trung Quốc đã huy động lực lượng phòng hóa trang bị mặt nạ phòng độc và quần áo bảo hộ phong tỏa khu vực để kiểm soát hóa chất độc hại.

Chuyên gia Leggett lo sợ rằng chất độc natri xyanua có thể thâm nhập vào nguồn nước và đất đai trong thành phố sau vụ nổ lớn, và hậu quả mà nó gây ra sẽ rất nguy hiểm nếu nhà chức trách Trung Quốc không có các biện pháp khử độc hiệu quả.

Theo Dân Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ