Xây dựng xã hội học tập…
Thời gian vừa qua, Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục (PCGD), xoá mù chữ (XMC) tỉnh Hòa Bình vừa ban hành kế hoạch xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục, XMC năm 2023. Căn cứ vào Nghị định 20/2014/NĐ-CP về PCGD, XMC theo thống kê, số trẻ em 5 tuổi đến lớp của tỉnh là 15.709/15.713 cháu đạt 99,97% (giữ vững so với 2021, vượt 4,97% so với yêu cầu Nghị định 20).
Theo TS. Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hoà Bình cho biết: Hiện nay, số trẻ 6 tuổi vào lớp 1 trên địa bàn tỉnh đạt tỉ lệ 100%. Số học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 96.93% (vượt 6,94% so với yêu cầu Nghị định 20). Số còn lại 497 cháu đang học tiểu học, chiếm 3,07%, không có trẻ 11 tuổi bỏ học tiểu học.
Bên cạnh đó, số thanh thiếu niên từ 15 - 18 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở đạt tỷ lệ 97,68%. Cùng với đó, số thanh niên, thiếu niên 15 - 18 tuổi đang học chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đạt 90,52% (tăng 0,9% so với 2021, vượt 10,52% so với Nghị định 20).
Độ tuổi 15 - 35 biết chữ mức độ 1 đạt tỷ lệ 99,97%. Đối với độ tuổi 15 - 60 biết chữ mức độ 1: 598.978/599.987 người, đạt 99.83% (vượt 9,83% so với Nghị định 20) còn 1.009 người mù chữ chiếm 0,17%. Biết chữ mức độ 2 là: 593.344/599.987 người, tỷ lệ 98,89% (tăng 0,6% so với năm 2021, vượt 8,89% so với yêu cầu Nghị định 20) còn 6.643 người mù chữ chiếm 1,11%...
Tỉnh Hoà Bình đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai kế hoạch đề ra. |
Về xây dựng các mô hình học tập trong xã hội, thời gian qua Sở GD&ĐT Hòa Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, vai trò và lợi ích của học tập liên tục, học tập suốt đời.
Ngoài ra, công tác điều tra, rà soát số người mù chữ, người tái mù chữ hàng năm đều được Sở chỉ đạo các đơn vị PCGD tổ chức thực hiện, không để bỏ sót đối tượng trong diện PCGD, XMC. Sở GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức xã hội và hộ gia đình trên địa bàn, huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Từ đó, góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đi theo đúng lộ trình đặt ra.
Thực hiện hoá bằng việc làm thực tế
Theo bà Bùi Thị Kim Tuyến, Sở GD&ĐT Hòa Bình đã thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập năm 2023 bằng việc tổ chức kiểm tra công tác khuyến học, khuyến tài. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng xã hội học tập tại các huyện, thành phố.
Tiếp đó, chỉ đạo tổ chức tốt Tuần lễ học tập suốt đời; tham mưu UBND tỉnh đầu tư kinh phí trang bị công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số.
Những năm qua, công tác phổ cập giáo dục ở tỉnh Hoà Bình được thực hiện hiệu quả. |
Bên cạnh đó, đối với các trường trực thuộc Sở GD&ĐT và các trung tâm GDNN - GDTX, huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường học, trung tâm tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật, năng lực thông tin, kỹ năng sống...
Sở cũng tổ chức các lớp tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh góp phần nâng cao dân số có trình độ đại học trở lên. Đồng thời, tổ chức dạy kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; tổ chức các lớp dạy nghề, chuyên đề học tập kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất, giáo dục kỹ năng sống cho lao động nông thôn.
Cũng theo bà Bùi Thị Kim Tuyến, để xây dựng xã hội học tập, PCGD, XMC cần phải tuyên truyền, vận động người mù chữ, tái mù chữ tại các xã tham gia các lớp học. Đồng thời, vận động trẻ em bỏ học tiếp tục đến trường.
Tiếp tục mở các lớp XMC theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người học với các tiêu chí: Gần nhà, thời gian học phù hợp với tập quán lao động sản xuất, huy động các nguồn lực hỗ trợ cho học viên có hoàn cảnh khó khăn. Tham mưu huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng cở sở vật chất, lớp học, bàn ghế và hỗ trợ sách vở, giấy bút, đồ dùng học tập… cho người học XMC.
Sở GD&DDT tỉnh Hoà Bình sẽ thực hiện đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Tiếp đó, củng cố, phát triển các trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức lớp học chuyên đề cho những người mới biết chữ, hạn chế tái mù chữ.
Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các đoàn thể đối với công tác xã hội hóa trong thực hiện PCGD. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên về triển khai chương trình XMC theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.