Hoà Bình muốn xây trụ sở 745 tỷ đồng

Khu trụ sở liên cơ quan của tỉnh Hoà Bình có mức đầu tư dự kiến 745,2 tỷ đồng, theo đề xuất của lãnh đạo tỉnh. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của tỉnh thì vị trí quy hoạch Khu trụ sở liên cơ quan là nơi đổ thải Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng tại phường Phương Lâm, TP Hòa Bình. Dự án san nền tạo mặt bằng khu vực đổ thải đang trình thẩm định, sử dụng vốn ngân sách tỉnh, còn kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chi trả.

Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu trụ sở liên cơ quan tỉnh Hòa Bình đã được lãnh đạo địa phương đưa ra từ năm2018. Tuy nhiên, khi đó, tỉnh Hoà Bình chưa nêu tổng mức đầu tư dự án.

Đồ án có diện tích quy hoạch 11,24 ha với 2 phương án thực hiện. Một là xây dựng công trình có diện tích 4.638 m2, chiều cao khoảng 15-19 tầng. Phương án 2 là tổ chức phân tán các khối công trình, chiều cao dự kiến khoảng 9-11 tầng.  

Văn phòng Chính phủ vừa yêu cầu các Bộ liên quan nêu ý kiến về đề xuất xây trụ sở của UBND tỉnh Hoà Bình. Theo Bộ Xây dựng, tỉnh Hòa Bình cần hạn chế sự ràng buộc giữa các dự án và chi phí phát sinh, bố trí đủ nguồn lực để đảm bảo tiến độ.

Đây là dự án thuộc nhóm B nên theo Luật Đầu tư công sẽ do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định. Nhưng để thực hiện đầu tư thì dự án này phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn được phê duyệt.

Bên cạnh đó, theo Bộ Xây dựng, tỉnh cần đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn, định mức sử dụng, tránh lãng phí và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và khả năng huy động vốn của địa phương.  

Hòa Bình là một trong những tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương còn 14,9% - cao thứ 12 cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hòa Bình thường xuyên nằm ở nhóm sau trong số 63 tỉnh, thành (Năm 2018, xếp hạng 52)

Tại Hòa Bình, dự án Trụ sở Văn phòng tỉnh uỷ và các ban Xây dựng Đảng của tỉnh hoàn tất vài năm trước cũng từng vướng lùm xùm trong việc mời thầu và Thanh tra Chính phủ nêu trong kết luận năm 2016. 

Trước đây, tỉnh Bình Dương đi đầu cả nước trong xây dựng trung tâm hành chính mới, sau đó đến Đà Nẵng nhưng các công trình đều có một số bất cập về kỹ thuật, bố trí vốn đầu tư.

Năm 2018, Hà Giang - một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước cũng đề xuất xây trụ sở hơn 1.000 tỷ đồng, song không được chấp thuận. Thủ tướng cũng ra quyết định phải dừng chủ trương đầu tư xây dựng các trung tâm hành chính tập trung để thẩm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ