Dân thì ngậm ngùi dùng “nước bẩn” từ nguồn giếng tự khoan.
Uống “nước bẩn” qua ngày
Hơn 10 năm kể từ ngày về khu tái định cư Mai Sơn sinh sống, hơn 60 hộ dân ở đây vẫn còn gặp đầy dẫy khó khăn. Một trong những vấn đề đó là nguồn nước sạch để dùng trong sinh hoạt.
Theo phản ánh của người dân tại khu tái định cư này, họ thiếu nước sạch trầm trọng. Không quá khó để nhận thấy những ống dẫn được bắc ngang qua đường, song đã vài năm nay không có nước chảy qua. Cực chẳng đã, các hộ dân phải góp tiền để khoan giếng dùng chung.
Khu tái định cư này được hình thành trên một địa hình bằng phẳng thuộc xã Yên Nghiệp. Đất được phân thành lô có diện tích 350m2 cho mỗi hộ dân. Do ảnh hưởng của trận bão lịch sử năm 2009, nhiều ngôi nhà của người dân xã Tân Mai, Phúc Sạn, huyện Mai Châu bị cuốn trôi. Từ đó, khu tái định cư Mai Sơn được tỉnh Hòa Bình xây dựng. Tỉnh đã vận động đồng bào dân tộc Mường, Dao, Thái nơi xảy ra thiên tai về sinh sống.
Ông Đinh Ngọc Khánh - Trưởng thôn khu tái định cư Mai Sơn cho biết: Khu tái định cư Mai Sơn có 63 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu. Nhà máy nước sạch cung cấp cho bà con bị hỏng từ năm 2017. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền nhưng vẫn chưa được đáp ứng.
“Nước mà các hộ dân đang sử dụng nguồn từ giếng khoan. Đã có đoàn công tác đến kiểm tra, khảo sát và xác nhận nước nhiễm nhiều đá vôi không bảo đảm cho sức khỏe. Từ khi sử dụng nguồn nước này, chẳng biết có liên quan gì hay không nhưng đã có ít nhất 7 hộ gia đình có người bị các bệnh liên quan đến sỏi thận, sỏi mật” - ông Khánh chia sẻ thêm.
Theo tìm hiểu, nhà máy nước sạch tại đây hoạt động được vài năm thì hỏng. Từ đó, nhà máy không được sửa chữa, người dân không có nước dùng nên phải tự khoan giếng lấy nước.
Xã đề xuất nhưng huyện “không nắm rõ”
Ông Đinh Mạnh Hùng (SN 1961) cho biết: “Gia đình tôi cùng vài hộ nữa chuyển về đây từ năm 2010. Được Nhà nước hỗ trợ chỗ ở, vốn làm nhà và chia cho khoảng gần 5.000m2 đất canh tác, cùng các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống nên mọi người rất vui. Từ sự hỗ trợ trên, những hộ còn do dự thì cũng quyết định về khu tái định cư này sinh sống”.
Ông Hùng vừa nói vừa chỉ tay vào chiếc máy lọc nước: “Nước ở đây nhiều tạp chất lắm. Máy lọc nước nhà tôi cứ 2 – 3 tháng lại lại phải thay lõi lọc một lần. Hàng ngày, nhà dùng nước máy nấu lên bằng ấm siêu tốc để uống nhưng vẫn phải để lại 1/3 vì có nhiều cặn đá vôi”.
Để minh chứng, ông Hùng cầm ra một chiếc lọ nhỏ đựng 3 viên sỏi mà theo ông đây là thứ mà ông uống lá thuốc hằng ngày để đào thải nó ra khỏi cơ thể.
Chị Đinh Thị Hà (SN 1979) là 1 trong 7 hộ dân dùng chung giếng với các gia đình lân cận. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên nhà chị Hà không tự khoan cho gia đình mình 1 chiếc giếng.
“Trừ những thời điểm mưa kéo dài hoặc mưa lớn thì nước giếng nhiều, thời gian còn lại trong năm tất cả mọi hộ dân đều phải sử dụng tiết kiệm mới có đủ nước. Do chung nhiều hộ nên nhiều lúc giếng hết nước, gia đình tôi phải đi xin của những nhà lân cận. Vào mùa nóng thì tình trạng ấy xảy ra liên tục”, chị Hà chia sẻ.
“Xóm này gần như toàn bộ các hộ đều phải chung giếng và dùng không được thoải mái như trước (khi mà nhà máy nước vẫn còn hoạt động). Tôi mong nhà máy nước sẽ sớm được sửa chữa để mọi người có đủ nước để dùng và bảo đảm cho sức khỏe” - chị Hà nói thêm.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Bùi Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Yên Nghiệp cho hay: “Xã đã nắm bắt tình hình và cũng mong muốn sớm cung cấp nước sạch cho khu tái định cư Mai Sơn sử dụng để bảo đảm sức khỏe cho người dân”.
Ông Mạnh xác nhận nguồn nước giếng khoan của người dân khu tái định cư Mai Sơn đang sử dụng không bảo đảm cho sức khỏe.
“Xã đã đề xuất lên huyện về việc xây dựng nhà máy nước mới tại khu giãn cư gần khu vực này rồi cung cấp cho hai nơi”, ông Mạnh cho hay.
Liên hệ làm việc làm UBND huyện Lạc Sơn, ông Nguyễn Quốc Tiệp – Chánh Văn phòng UBND huyện Lạc Sơn cho biết: “Công trình nước sạch cho khu tái định cư Mai Sơn do tỉnh làm chủ đầu tư, xây dựng. Sau khi người dân đến ở thì bàn giao cho xóm quản lý nên huyện không nắm rõ”.