Hỗ trợ tối đa học sinh thi đánh giá năng lực

GD&TĐ - Kỳ thi đánh giá năng lực do một số trường đại học tổ chức ngày càng thu hút sự quan tâm của học sinh THPT.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực tại ĐHQG TPHCM năm 2022.
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực tại ĐHQG TPHCM năm 2022.

Lồng ghép kiến thức để trò không bỡ ngỡ

Theo cô Nguyễn Thị Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phước Long (TP Thủ Đức, TPHCM), ngay từ đầu năm học 2022 - 2023, nhà trường đã tổ chức chuyên đề mời cán bộ phòng Đào tạo (ĐHQG TPHCM) tư vấn cho học sinh về các nội dung liên quan tới việc tuyển sinh vào các trường đại học cao đẳng. Trong đó, trường chú trọng giới thiệu hình thức thi đánh giá năng lực, một trong kỳ thi được nhiều học sinh quan tâm.

“Nhà trường không tổ chức ôn tập cho học sinh thi đánh giá năng lực nhưng luôn tìm cách để hỗ trợ tối đa cho các em khi tham gia các kỳ thi này. Trường thường xuyên cung cấp thông tin về kỳ thi, mẫu đề tham khảo, lồng ghép trong môn học để hướng dẫn các em cách trả lời câu hỏi, tăng cường kiến thức thực tiễn, các hoạt động câu lạc bộ, trải nghiệm... Đây không chỉ là nội dung quan trọng của công tác hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp, mà còn là trách nhiệm của nhà trường đối với chất lượng đầu ra của lớp 12”, cô Hà cho hay.

Cô Hà cũng cho rằng, kỳ thi đánh giá năng lực có nhiều ưu điểm như độ rộng, bao quát của kiến thức, tăng cường khả năng vận dụng... Chính vì vậy, để hỗ trợ học sinh, trường cũng chỉ đạo các tổ chuyên môn lồng ghép các kỹ năng giải quyết vấn đề liên quan đến kiến thức trong đề thi đánh giá năng lực để hỗ trợ học sinh, giúp các em không bỡ ngỡ khi thi.

Tương tự, ngay từ đầu năm học, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) đã lên kế hoạch triển khai thông tin kỳ thi trong hội đồng giáo dục, sau đó thông tin rộng rãi đến các tổ chuyên môn. Bên cạnh đó, đơn vị cung cấp cho học sinh, phụ huynh không chỉ học sinh khối 12 mà cả khối 10 và 11 về kỳ thi này để chuẩn bị cũng như có định hướng từ đầu.

Thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hùng Khương cho biết, Trường THPT Bùi Thị Xuân chú trọng thông tin kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM cho học sinh. Hàng năm gần như 100% học sinh của trường đăng ký tham gia kỳ thi này và đạt kết quả rất cao.

“Nhà trường không tổ chức ôn tập thi đánh giá năng lực cho học sinh, chỉ thông báo, định hướng cho các em tự học, tìm hiểu. Nếu học sinh có điều kiện vẫn nên đi ôn luyện để bổ sung kiến thức tham gia kỳ thi. Bởi, trong quá trình ôn tập, các thầy cô giảng dạy có kế hoạch hoặc biên soạn những nội dung và mảng kiến thức có thể ở trường chưa được học. Thực tế, chúng tôi không thể đánh giá được uy tín của các trung tâm luyện thi, vì vậy chỉ khuyên các em cần phải học thật chắc, thật kỹ, thật rộng để từ đó có kiến thức, năng lực suy luận làm bài tốt, chứ không phải luyện theo “chiêu trò” hay học tủ, học “vẹt””, thầy Khương chia sẻ.

Một tiết học của học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân.

Một tiết học của học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân.

Cẩn trọng lựa chọn

Nắm bắt được mức độ quan tâm của thí sinh đối với kỳ thi đánh giá năng lực, các trung tâm, trang web luyện thi đã nhanh nhạy chuẩn bị nhiều bộ đề, khoá học ôn luyện có thu phí. Chỉ cần một cú nhấp chuột liên quan đến từ khóa “luyện thi đánh giá năng lực” trên mạng Internet, người xem dễ dàng tìm thấy hàng triệu kết quả. Trong đó, chiếm phần lớn là thông tin về các dịch vụ luyện thi cấp tốc, bán đề và thi thử đánh giá năng lực được quảng cáo rầm rộ.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TPHCM, phụ huynh và học sinh đều có tâm lý phải đi ôn luyện thi mới đạt kết quả cao. Nhu cầu luyện thi là có thật, vì thế sự xuất hiện của các trung tâm luyện thi là chuyện bình thường.

Hiện có nhiều cá nhân, tổ chức luyện thi đánh giá năng lực dựa vào cấu trúc bài thi trong đề thi mẫu của các đại học công bố để xây dựng đề cho học sinh giải. Việc luyện thi phần nào giúp thí sinh có kỹ năng làm bài tốt hơn nhưng các em cần cẩn trọng bởi đa số đề thi của những tổ chức luyện thi chưa được kiểm chứng và đánh giá về tính chính xác và độ phù hợp.

Theo TS Chính, đề thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM được xây dựng theo định hướng đánh giá khả năng suy luận, tổng hợp, phân tích do đó các thí sinh luyện thi theo dạng học thuộc, học tủ sẽ khó có đạt kết quả tốt. Cách luyện thi tốt nhất là học đều, học rộng, học có phương pháp.

Thí sinh cần hiểu rõ các khái niệm, nguyên lý, hệ thống hóa được kiến thức, hiểu được mối liên hệ giữa các số liệu, dữ kiện từ đó xác định quy luật và phương án giải quyết vấn đề. Bài thi đánh giá năng lực cung cấp nhiều dữ kiện và yêu cầu thí sinh sử dụng các số liệu này để giải quyết những vấn đề cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Do đó thí sinh có khả năng đọc hiểu, tổng hợp và phân tích tốt sẽ có nhiều cơ hội đạt điểm cao.

“ĐHQG TPHCM chỉ công bố cấu trúc bài thi, đề thi mẫu để thí sinh nắm bắt được những định hướng chung về kỳ thi. ĐHQG TPHCM không tổ chức ôn tập và cũng không có đơn vị trung gian, đối tác làm việc này nên thí sinh cần cẩn trọng để không bị “sập bẫy” bởi các cá nhân và tổ chức mạo danh. Đơn vị không khuyến khích thí sinh tham gia luyện thi mà nên học tập toàn diện, phát huy năng lực của mình, tiếp cận kiến thức khoa học, chủ động”, TS Chính chia sẻ.

“Để đạt kết quả tốt, thí sinh phải có năng lực tốt. Đây là sự đúc kết của việc học trong thời gian dài, không phải chỉ cố gắng ôn luyện trong thời gian nước rút. Kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực thời gian qua cho thấy những thí sinh có cách học khoa học, biết hệ thống và hiểu bản chất của vấn đề thì đạt điểm cao. Đa số các thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM đều học nhẹ nhàng, không học tủ, học lệch”, TS Nguyễn Quốc Chính chia sẻ..

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ