Hỗ trợ ngư dân đến khi biển sạch trở lại

GD&TĐ - Chiều 5/7, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp đã trao đổi với báo chí về việc hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho người dân thuộc 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) chịu ảnh hưởng sau sự cố cá chết hàng loạt vừa qua. 

Hỗ trợ ngư dân đến khi biển sạch trở lại

Theo đó, đề án hỗ trợ trình Chính phủ sẽ bao gồm 3 cấu phần chính: Hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ việc làm và hỗ trợ xuất khẩu lao động…

Ưu tiên người dân vùng gặp sự cố

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có chuyến khảo sát và làm việc với 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, dự kiến sẽ tiếp tục làm việc với Quảng Bình và Hà Tĩnh để có giải pháp tổng thể nhằm hỗ trợ người dân thuộc các vùng gặp ảnh hưởng. Làm việc với các tỉnh, Bộ trưởng đề cao công tác hỗ trợ sinh kế cho người dân, đồng thời thống nhất với các tỉnh về việc xây dựng Đề án tổng thể về Dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động.

Theo đó, về xuất khẩu lao động, hiện nay có một số chương trình đưa người dân đi xuất khẩu lao động với chi phí thấp do Bộ LĐ-TB&XH và một số doanh nghiệp triển khai. Các chương trình do Bộ LĐ-TB&XH triển khai sẽ ưu tiên cho các ngư dân vùng gặp sự cố, bao gồm: Chương trình EPS (xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc); Chương trình IM Japan của Nhật Bản; Chương trình đưa điều dưỡng viên sang Nhật và Đức.

Với các chương trình do các doanh nghiệp triển khai, Bộ LĐ-TB&XH sẽ yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước mời các doanh nghiệp có uy tín hỗ trợ ngư dân. Về thị trường Hàn Quốc, ngoài chương trình EPS còn có chương trình tàu cá gần bờ; Chương trình đánh bắt gần bờ của Đài Loan; chương trình hợp tác lao động Việt Nam - Thái Lan (chương trình đánh bắt gần bờ, nuôi trồng hải sản, thủy sản… với thu nhập ổn định)…

Theo ước tính sơ bộ, hiện nay có khoảng 263.000 lao động đang bị ảnh hưởng sau sự cố môi trường, trong đó có 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp và 163.000 bị ảnh hưởng gián tiếp. Bộ LĐ-TB&XH mong muốn không phải chuyển đổi toàn bộ số lao động này sang làm việc khác mà mong muốn người dân vùng biển phải sống được với nguồn lợi từ biển, sinh kế từ biển.

Đánh bắt xa bờ và chuyển đổi ngư trường

Về đào tạo nghề và chuyển đổi nghề cho ngư dân bị ảnh hưởng, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ NN&PTNT đã thống nhất về các hướng triển khai các giải pháp cho ngư dân. Đối với các lao động đang đánh bắt gần bờ chuyển sang đánh bắt xa bờ, Bộ NN&PTNT phụ trách việc hỗ trợ vay vốn, lãi suất, cải tạo máy tăng năng suất… Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ về công tác sinh kế, dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho người lao động... Việc đào tạo nghề, việc làm, xuất khẩu lao động vẫn là các chính sách thường xuyên.

Những chính sách về xuất khẩu lao động đối với các hộ nghèo, người bị thu hồi đất và tương tự là những người bị mất ngư trường đều đã có. Tuy nhiên, đối tượng hỗ trợ hiện đã tăng lên bởi trước đây ngư dân có thể bám biển, hưởng nguồn lợi từ biển nhưng giờ không còn sinh kế từ biển, vì vậy nguồn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm cần tập trung hỗ trợ.

Những người dân vùng biển phải sống được nhờ biển, sinh kế từ biển nên việc chuyển đổi tất cả người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường sang ngành nghề khác là không khả thi. Bộ LĐ-TB&XH đang thảo luận với các đối tác để ngư dân vùng bị ảnh hưởng có thể chuyển sang vùng biển tương tự khác để làm công việc đánh bắt thủy sản, để khi môi trường biển của Việt Nam trở lại bình thường có thể quay lại làm việc.

Đối với lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề, sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện việc đào tạo, chuyển đổi sao cho sát với yêu cầu của người lao động và nhu cầu thực tế của thị trường.

Tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép ngư dân thuộc hộ nghèo ở các huyện bị ảnh hưởng nếu đủ điều kiện được hưởng theo quy chế Nghị quyết 71: Miễn phí đào tạo giáo dục, học ngoại ngữ, miễn phí ăn ở trong thời gian đào tạo, cấp tiền đi lại, hỗ trợ rủi ro… Với các ngư dân không thuộc hộ nghèo, có thể đề nghị được áp dụng theo Quy chế Nghị quyết 61 của Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

GD&TĐ - Khoảng 16h30 ngày 19/9, xưởng in có diện tích khoảng 300m2 ở tổ dân phố Dao Quang, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội xảy ra cháy lớn.