Hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19: Không để trục lợi chính sách

Hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19: Không để trục lợi chính sách

Trong phạm vi thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, gói hỗ trợ an sinh này sẽ hướng tới đảm bảo đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất, không để lòng vòng, không để độ trễ trong thực hiện chính sách như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 9/4, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gói hỗ trợ với hơn 62.000 tỷ đồng, sẽ hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng.

Nghị quyết cũng quy định một số chính sách khác hỗ trợ người lao động có quan hệ lao động bị ảnh hưởng sâu do dịch Covid-19. Đồng thời, giao nhiệm vụ đối với từng ngành, từng cấp nhằm triển khai đảm bảo nguyên tắc, yêu cầu đặt ra.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc triển khai số kinh phí lớn, đối tượng nhiều và đa dạng, quá trình triển khai khó tránh được sai sót dù nhỏ nhất. Nhưng không vì thế mà để những đồng tiền của người dân đi “lạc đường”như câu chuyện những đàn gà, con dê giống, căn nhà tình nghĩa đã xảy ra ở một số nơi, dù rằng đó là rất cá biệt…

Việc triển khai hỗ trợ sẽ đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách. Bộ LĐ-TB&XH xây dựng chính sách hỗ trợ các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo, hộ cận nghèo sẽ thực hiện hỗ trợ 3 tháng, thực hiện chi trả 1 lần, cơ bản trong tháng 4 và đầu tháng 5.

Đối với đối tượng có quan hệ lao động, việc hỗ trợ tối đa trong 3 tháng, tháng nào bị giảm sâu thu nhập, đủ điều kiện thì hỗ trợ tháng đó. Với việc cho doanh nghiệp vay lãi 0% để trả lương, doanh nghiệp đứng ra vay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi trả trực tiếp vào tài khoản của người lao động.

Hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19: Không để trục lợi chính sách ảnh 1
Người lao động mất việc làm sẽ được hưởng chính sách từ gói hỗ trợ

Trường hợp nhóm lao động không có giao kết hợp đồng, Bộ trưởng nhận định đây là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, lớn nhất của dịch Covid-19, cần quan tâm và cũng là nhóm khó xác định nhất, dễ nảy sinh hệ lụy.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, kinh nghiệm của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương đã triển khai cho thấy, người lao động tự do được hưởng chính sách hỗ trợ chủ yếu ở chính quyền cơ sở, phường xã nơi sinh sống song cũng có thể ở nơi lao động tạm trú khi có xác nhận chưa nhận được sự hỗ trợ từ quê quán.

Trên cơ sở thống nhất ý kiến các ban, ngành liên quan, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định một số nhóm và đối tượng cụ thể, tập trung vào những công việc cơ bản như người bán hàng rong, quà vặt; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác xe đẩy; lái xe ôm, xe xích lô; người bán vé số lưu động (không bao gồm các đại lý); người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Đây là những đối tượng kinh doanh tự do được quy định trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ tình hình thực tiễn, các địa phương xem xét, quyết định và sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác.

Danh sách các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo rà soát, xem xét, phê chuẩn trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch trong từng tổ dân phố, thôn, xóm và niêm yết công khai ở cấp xã, phường. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm ở địa bàn xã; ở công ty, doanh nghiệp người đứng đầu phải chịu trách nhiệm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.