Họ hy sinh thầm lặng để giấc mơ đến với tri thức của học trò vùng cao được hiện thực hóa…
Giáo viên cống hiến không kể hết bằng lời
Tại Hội thảo khoa học “Chế độ, chính sách đối với giáo viên vùng khó khăn là đoàn viên công đoàn” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức vừa qua, nhiều thầy cô giáo đến từ những ngôi trường ở vùng khó khăn đề xuất nhiều chính sách, chế độ giúp thầy, cô giáo yên tâm công tác trong sự nghiệp “trồng người”.
Đến từ vùng khó của tỉnh Hà Giang, cô Trịnh Thị Sen, đoàn viên Công đoàn Trường PTDT nội trú THCS&THPT huyện Hoàng Su Phì cho biết, hiện những chính sách hỗ trợ tiền lương, phụ cấp đã góp phần giảm bớt những khó khăn về vật chất, cải thiện được cuộc sống giúp giáo viên yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Song việc thực hiện các chế độ chính sách cho giáo viên ở Hà Giang vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, dù có các chính sách ưu tiên về lương và phụ cấp cho giáo viên vùng cao như: Phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi theo nghề và trợ cấp khi nhận công tác… nhưng mức thu nhập vẫn không đủ để trang trải cuộc sống. Thu nhập đối với giáo viên hiện còn thấp, chủ yếu là tiền lương nên chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đặc biệt là giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Điều này khiến cho nhiều giáo viên không thể gắn bó lâu dài với nghề.
Cô Trịnh Thị Sen cũng cho biết, trong những năm vừa qua, tình trạng “chảy máu” giáo viên diễn ra ở nhiều huyện vùng cao của Hà Giang. Việc giữ chân các giáo viên dường như trở nên khó khăn hơn rất nhiều vì điều kiện sinh hoạt, đi lại ở các huyện miền núi rất vất vả.
Đơn cử, năm học 2023 - 2024 tỉnh Hà Giang có hơn 120 giáo viên xin chuyển công tác về các tỉnh khác. Điều đó làm cho tình trạng thiếu giáo viên của tỉnh Hà Giang càng trở nên cấp thiết và nan giải hơn.
Theo cô Trịnh Thị Sen, để tạm thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên thì cấp trên đã bố trí cho giáo viên đi dạy hỗ trợ ở các trường thiếu giáo viên. Nhiều giáo viên phải dạy cùng lúc 2 - 3 trường. Vấn đề này đặt ra những khó khăn rất lớn cho giáo viên vì hầu hết các trường, các xã đều cách xa nhau ít nhất là hơn chục km. Dù các giáo viên đều nỗ lực vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhưng không tránh khỏi những tâm tư, xáo động.
“Sự cống hiến của các giáo viên vùng cao ở Hà Giang không thể kể hết bằng lời, chỉ có tận mắt chứng kiến thì mới cảm nhận hết được những gian khổ và cả sự hi sinh vì sự nghiệp trồng người ở vùng biên giới đầy gian khó này. Chúng tôi chỉ mong được Đảng, Nhà nước và các cấp quan tâm hơn nữa đối với những chính sách cho giáo viên ở vùng cao như Hà Giang, để chúng tôi được an tâm công tác, dành trọn vẹn tâm huyết với nghề giáo và từng ngày nâng cao chất lượng giáo dục ở nơi đây.
Chúng tôi vẫn luôn tự hào “Nghề dạy học là nghề vinh quang, là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Đối với các thầy cô giáo cắm bản, đối với những giáo viên phải sống xa gia đình, xa người thân, tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, ngày nối ngày kiên trì bám trụ lại ở các thôn, bản xa xôi chỉ vì một niềm hạnh phúc để cho giấc mơ con chữ của học trò vùng cao được trọn vẹn hơn”, cô Sen nói.
Cô Trịnh Thị Sen kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 76/2019/NĐ-CP theo hướng không khống chế thời gian hưởng phụ cấp thu hút (5 năm) mà áp dụng chính sách thu hút đối với công chức, viên chức trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó có cơ chế giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với những giáo viên công tác lâu năm (15 năm trở lên) ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Nữ giáo viên cũng đề xuất với chính quyền địa phương hỗ trợ 100% kinh phí cho giáo viên vùng cao đi học nâng cao trình độ chuyên môn đối với các môn dạy tích hợp của khối THCS để đáp ứng Chương trình GDPT năm 2018.
Bổ sung nguồn kinh phí ngoài định mức chi thường xuyên hàng năm để chi trả chế độ thừa giờ cho giáo viên vùng cao. Đồng thời trang bị cấp đầy đủ và đồng bộ trang thiết bị dạy học đối với các trường vùng cao và có phương án đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất như phòng học bộ môn, nhà công vụ dành cho giáo viên, nhà ở bán trú, nội trú cho học sinh…
Nâng chế độ đãi ngộ giáo viên
Công tác tại huyện thuộc 74 huyện nghèo nhất Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, cô Phạm Thị Nghị, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Quan Hóa, huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cũng nêu bất cập về phụ cấp.
Theo cô Phạm Thị Nghị, giáo viên vùng khó khăn thường được hưởng các khoản phụ cấp như phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt. Tuy nhiên, việc phân bổ và thực hiện các chính sách này ở một số địa phương còn chưa nhất quán, dẫn đến sự bất công bằng giữa các khu vực. Ví dụ như huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát là 3 huyện vùng sâu nhất của tỉnh Thanh Hóa, nhưng hiện nay chỉ có huyện Mường Lát được hưởng thu hút, các huyện Quan Hóa, Quan Sơn đã bị cắt…
Bên cạnh đó, mặc dù đã có sự điều chỉnh trong bảng lương của giáo viên, nhưng mức lương thực tế của giáo viên vùng khó khăn vẫn còn thấp so với nhu cầu sinh hoạt. Giá cả thị trường ở các vùng cao thường đắt đỏ hơn nhiều so với miền xuôi. Điều này ảnh hưởng đến động lực và chất lượng giáo dục.
Giáo viên Phạm Thị Nghị đề xuất nâng cao chế độ đãi ngộ cho giáo viên vùng khó khăn, theo đó, cần có các biện pháp cụ thể hơn để nâng cao chế độ phụ cấp và lương cho giáo viên, bảo đảm mức sống tối thiểu. Cùng với đó, cần quy định rõ ràng về mức phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt và đảm bảo thực hiện nhất quán trên cả nước, tránh sự phân biệt giữa các khu vực.
“Giáo viên vùng khó khăn đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ dân trí và phát triển kinh tế - xã hội ở những khu vực còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc quan tâm, chăm lo đến đời sống và công tác của họ không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn của toàn xã hội…”, cô Nghị bày tỏ.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay đã có chính sách ưu tiên, đặc thù đối với giáo viên ở miền núi, nhưng việc thực hiện còn nhiều bất cập, bởi nhiều chế độ chính sách chưa thực sự thỏa đáng so với đóng góp, hy sinh của nhà giáo.
Bên cạnh đó là việc áp dụng chế độ phụ cấp đặc thù gặp khó khăn trong triển khai tại một số địa phương; chế độ phụ cấp mặc dù đã khá cao so với mặt bằng chung về lương nhưng chưa đủ hấp dẫn để giữ chân nhiều thầy cô giáo.
Trong khi đó, giáo viên gặp nhiều khó khăn về điều kiện sinh hoạt như: Đường sá, thiếu nhà ở kiên cố, thiếu nước sạch, thiếu điện... Với những nghiên cứu, đề xuất trong thời gian tới, chính sách mới đối với giáo viên vùng khó khăn là đoàn viên công đoàn góp phần chăm lo tốt nhất, đảm bảo các điều kiện để giáo viên cống hiến; tăng cơ hội cho các em vùng khó khăn được đến trường.