Họ - đang ở nhà trong những ngày cách ly toàn xã hội - giật mình vì tiếng loa nhắc nhở những người tập thể dục hoặc đang chạy bộ. Bất chấp Chỉ thị của Thủ tướng, yêu cầu của lãnh đạo thành phố hoặc an toàn của bản thân hay những người khác, không ít người vẫn lao ra đường tập thể dục.
Họ cần gì? Chắc chắn là sức khỏe rồi. Bởi ai cũng hiểu, có sức khỏe là có tất cả!
Xa hơn, ở tỉnh Luông Pha Băng của Lào, có một nữ sinh tên là Li Navalath. Cô là sinh viên lớp K60 Đại học Sư phạm Sinh học (Trường Đại học Tây Bắc – Việt Nam). Do dịch Covid-19, trường cho nghỉ học, cô về nước. Gần đây nhà trường dạy học online nên cứ thứ 2 và thứ 6, Li Navalath lại nhờ bố dùng xuồng máy ngược dòng Mê Kông hơn 1 tiếng đồng hồ tìm đến khu dân cư có wifi để học. Khi biết bố con em đến từ Luông Pha Băng, vùng đang có dịch, chẳng ai cho vào nhà. May thay, họ cho mật khẩu wifi, bố con Li Navalath ngồi luôn trên thuyền để học.
Câu chuyện của Li Navalath khiến nhiều người xúc động vì họ hiểu cô cần kiến thức và sẵn sàng làm tất cả để có được thứ mình cần.
Ở bên kia bán cầu, nước Mỹ, nơi đang được coi là tâm dịch của thế giới. Thời điểm tháng 3, tức là khi Covid-19 chưa bùng phát mạnh như bây giờ, website bán súng đạn ammo.com ghi nhận giao dịch tăng trưởng 68% so với tháng trước. Hay thời điểm hiện tại, trang web này thông báo ngay trên trang chủ rằng mọi giao dịch sẽ cần thêm từ 2 - 3 ngày do dịch Covid-19. Từ Cục Điều tra Liên bang (FBI) đến những người bán súng đều ghi nhận số lượng người mua súng đạn tăng vọt ở Mỹ dịp này.
Vì sao họ cần mua súng? Họ cần sự an toàn cho bản thân bất chấp các khuyến cáo của rất nhiều chuyên gia rằng, súng đạn không mang lại an toàn trong cơn đại dịch.
Quay trở lại Việt Nam, những việc làm nhân ái trong trào lưu “nếu khó khăn xin nhận một phần” như một làn gió ấm lan tỏa từ phương Nam ra Hà Nội. Với tinh thần tương thân, tương ái, nhiều tổ chức, cá nhân đã đứng ra đóng góp, tiếp nhận và phân phát lương thực, đồ dùng thiết yếu nhằm chia sẻ, giúp đỡ người nghèo khó vượt qua thời điểm khó khăn này. Mặc dù thông điệp “Nếu bạn đã ổn xin nhường lại cho người khác” được trưng lên một cách ý nhị ở không ít nơi, nhưng theo ghi nhận của một số tờ báo hay mạng xã hội, nhiều người bề ngoài không có chút vẻ khó khăn nào – đi xe máy tay ga, ăn vận gọn gàng, lịch sự - vẫn “hiên ngang” vào nhận phần quà từ thiện. Lý giải cho hành động này, một vài người còn cho rằng, họ “cầm giúp” những hàng xóm đang gặp khó khăn.
Phải chăng họ thực sự thiếu lương thực, thực phẩm? Tôi không nghĩ thế. Nếu loại trừ “thói quen” cứ thấy miễn phí là cầm về như một dạng bệnh, thì ở đây, cái họ thiếu chính là lòng tự trọng!