Họ rất đáng được vinh danh

Họ rất đáng được vinh danh

(GD&TĐ) - Sáng ngày 19/8, khi chương trình thời sự trên VTV1 quay hình ảnh các sinh viên Nhật Bản đoạt chức vô địch ABU Robocon 2013 trả lời phỏng vấn và bày tỏ niềm yêu thích đội dự thi của Việt Nam, không ít khán giả truyền hình Việt Nam tỏ ra ngậm ngùi, nhiều người băn khoăn tại sao lại không phỏng vấn các SV ở đội Việt Nam 1 đoạt giải Nhì trong chung kết ABU Robocon 2013. Một tờ báo có uy tín có vẻ không vui khi giật tít: “Việt Nam lại về nhì” khiến nhiều bạn đọc cũng không vui theo vì cách nhìn nhận thành tích của báo giới với đội Việt Nam 1 có vẻ khắt khe quá.

c
Trận chung kết ABU Rocbocon 2013. Ảnh: Internet

Hầu hết khán giả được chứng kiến theo dõi quá trình các đội dự thi vòng loại và vòng chung kết cuộc thi suốt ngày 18/8 đều có cảm giác vui mừng, xúc động, tự hào trước bước tiến khá xa của sinh viên Việt Nam: Những robot được thiết kế nhẹ, chắc chắn và hoạt động ổn định vượt trội nhiều đội bạn; sự điều khiển khéo léo cùng thái độ tự tin, bình tĩnh của các thí sinh... Tất cả các hoạt động gần như hoàn hảo, sẵn sàng giành chiến thắng. 

Được khởi xướng từ năm 2002, ABU Robocon đã không ngừng phát triển và trở thành sân chơi công nghệ chủ đạo dành cho sinh viên yêu khoa học tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây không chỉ là dịp để thanh niên các nước có dịp giao lưu, học hỏi, thắt chặt tình thân ái mà còn là cơ hội tốt để quốc gia đăng cai giới thiệu hình ảnh bản thân đến với bạn bè quốc tế. Robocon Việt Nam là cái tên sừng sỏ trong khu vực, với 3 lần vô địch năm 2002, 2004 và 2006 của các đội Robocon Trường ĐH Bách Khoa TPHCM. Tuy vậy, kể từ năm 2010, những trường kỹ thuật hàng đầu Việt Nam như ĐH Bách khoa HN, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Bách khoa Đà Nẵng hay ĐH Công nghiệp HN, ĐH SPKT TPHCM đã phải nhường sự tỏa sáng cho ĐH Lạc Hồng.

Tuy chưa một lần vô địch Robocon quốc tế, nhưng tính đến cuộc thi 2013 này, Trường Đại học Lạc Hồng đã mang về cho Việt Nam 3  giải Nhì và 1 giải Ba trong 3 năm họ tham dự đấu trường quốc tế. Ông Phạm Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam đã phát biểu: " Cuộc thi đã thể hiện một bước tiến khá rõ sự sáng tạo của SV Việt Nam. Mặc dù không có lợi ích về kinh tế nhưng cuộc thi này đem lại những lợi ích về giáo dục, sự phát triển lâu dài cho SV cũng như cho lĩnh vực kỹ thuật chế tạo robot nên nhiều trường đã đầu tư một cách thích đáng. 

Là người chịu trách nhiệm về cuộc thi robocon nhiều năm qua, tôi có một ấn tượng rất tốt với Trường Đại học Lạc Hồng. Đây là một trường đại học dân lập nhưng tên tuổi của họ đã nổi tiếng trong nước về sự kiên trì đeo đuổi sự nghiệp robot. Đại học Lạc Hồng vô địch trong nước nhiều lần nhưng chưa một lần vô địch quốc tế song họ không nản chí. Trường thành lập cả một công ty robot phục vụ xã hội, lợi nhuận để đầu tư cho các đội thi robocon. Vì họ tính đến cái lợi nhất là chất lượng đào tạo của trường...". 

Thiết nghĩ, bất cứ một cuộc chạy đua nào, may rủi về tới đích chỉ cách nhau một tích tắc, huống gì đây là cuộc chạy đua của trí tuệ, của tính chuyên nghiệp và sáng tạo. Đã bao lần hai tiếng "Việt Nam" hô vang trên sân Cung thể thao Tuyên Sơn (Đà Nẵng) khi lần lượt cả 2 đội robocon của Việt Nam đều thi xuất sắc lọt vào vòng tứ kết và chung kết; rồi tới khi họ nhanh chóng hoàn thành việc đặt các mầm cây, chuẩn bị bắn mầm cây lên mặt trăng ở phút thứ 51, thì đội Nhật Bản đã may mắn bắn trúng đích trước. Vậy thì SV Trường Đại học Lạc Hồng, đại diện cho SV Việt Nam đáng được vinh danh, được phỏng vấn sau khi đạt giải Nhì ABU Robocon 2013, để hàng triệu khán giả  biết nhiều hơn về họ, chứ không phải là trở về trong sự lặng lẽ ngồi nghe Đài truyền hình Việt Nam phỏng vấn chiến thắng của sinh viên Nhật Bản.             

Hồng Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ