'Hổ phụ sinh hổ tử' xứng hàng anh kiệt triều Lê

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuyện về cha con nhà khoa bảng lừng danh xứ Thanh đã để lại cho hậu thế đúc kết chính xác về câu nói 'cha nào, con nấy' hoặc 'hổ phụ sinh hổ tử'.

Đền thờ hai danh nhân khoa bảng Lương Đắc Bằng - Lương Hữu Khánh.
Đền thờ hai danh nhân khoa bảng Lương Đắc Bằng - Lương Hữu Khánh.

Cha nhường danh hiệu Trạng nguyên, để lại tiếng thơm muôn đời tài đức. Con vì không chịu sự thiên vị, sẵn văn - võ trong tay đã ra sức để thiên hạ không quên mất một anh tài.

Cậu bé ăn khỏe, hay chữ

Chuyện về cha con nhà khoa bảng lừng danh xứ Thanh: Lương Đắc Bằng - Lương Hữu Khánh đã để lại cho hậu thế đúc kết chính xác về câu nói “cha nào, con nấy” hoặc “hổ phụ sinh hổ tử” (cha tài giỏi sinh con tài giỏi), đúng như trong sách “Đại Nam thực lục” (tiền biên) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn giải thích.

Lương Hữu Khánh sinh năm 1520, người làng Hội Triều (Hoằng Hóa - Thanh Hóa). Ông là con trai của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (tên thật là Lương Ngạn Ích). Lương Đắc Bằng là học trò của Trạng nguyên Lương Thế Vinh. Năm 1495, ông đỗ đầu trong kỳ thi hương rồi vào thi hội được xếp trong danh danh 55 người trúng cách.

Tượng thờ cha con Bảng nhãn Lương Đắc Bằng và Thượng thư Lương Hữu Khánh tại quê hương Hội Triều.

Tượng thờ cha con Bảng nhãn Lương Đắc Bằng và Thượng thư Lương Hữu Khánh tại quê hương Hội Triều.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “… thi Điện. Đầu bài văn sách hỏi về nhân tài và vương chính. Cho Đỗ Lý Khiêm, Lương Đắc Bằng, Nguyễn Khắc Kiệm, ba người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ... Mùa Đông, tháng 10, ngày mồng 7, tuyên triệu bọn Tiến sĩ Đỗ Lý Khiêm vào làm bài ứng chế, vua sai làm bài ký “Ngũ vương tướng”. Lương Đắc Bằng được hạng ưu...”.

Một số nguồn sử liệu cho rằng, do ngụ ý của hoàng hậu, danh hiệu Trạng nguyên nên để cho Lý Khiêm vì người này đang giữ chức quan trọng trong triều đình, lại nhiều tuổi: “Ích vui vẻ nhường nhịn, do vậy ông chỉ là Bảng nhãn. Vua Lê Hiến Tông rất đẹp lòng, đổi tên cho Ích thành Đắc Bằng”.

Sau này, Lương Đắc Bằng không chỉ là một trọng thần triều Lê, ông còn trở thành người thầy mẫu mực, là thầy dạy của Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tiến sĩ Đinh Bạt Tụy, Tiến sĩ Nguyễn Thừa Hưu, Hoàng giáp Lại Kim Bảng...

Theo gia phả dòng họ Lương tại Hội Triều, trước khi mất, Bảng nhãn Lương Đắc Bằng dặn vợ: “Sau này nàng sinh con trai, hãy đặt tên con là Hữu Khánh, nghĩa là có niềm vui mừng của ta vậy, nàng nên gửi con theo học Trình tiên sinh bên Vĩnh Lại, người này chính là học trò ta đó, có như vậy mới nối được chí ta”.

Sau khi ông qua đời, học trò về chịu tang rất đông. Riêng Nguyễn Bỉnh Khiêm về làng Hội Triều dựng nhà ở chịu tang thầy ba năm mới rồi mới hồi hương. Sau khi Lương Đắc Bằng mất được 6 tháng, người vợ sinh một bé trai, đặt tên là Lương Hữu Khánh.

Sau này, Lương Hữu Khánh đã tìm đến thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm theo học. Cậu bé thừa hưởng ở cha mình thiên tư mẫn tiệp, xuất chúng hơn người lại chăm chỉ học hành, đặc biệt ăn rất khỏe, bằng mấy người thường.

Sách “Nam Hải dị nhân” chép giai thoại rằng: “Gia đình có cha là đại quan, nhưng thanh liêm nên lúc nhỏ nhà túng bấn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Cụ học rất giỏi, nổi tiếng hay chữ từ nhỏ nhưng nghèo quá phải đi cày mướn gặt thuê, hoặc tìm đến trường làm văn bản mướn kiếm tiền độ nhật. Cụ có sức khoẻ mạnh, nên gặt nhanh chóng được nhiều thửa ruộng, rồi nằm ngủ ngay tại chỗ, gối đầu lên bờ ruộng”.

Bị thiên vị vì cùng quê vua Lê

Năm 12 tuổi, Hữu Khánh từ biệt mẹ lên đường dự thi hương. Đường xa, đang đói, Khánh đến bến đò thì gặp nhóm nhà sư vừa giã đám ở làng gần đấy cũng vừa đi tới. Trong tráp của họ đầy ắp oản, xôi và quả. Lúc xuống thuyền, thấy Khánh nuốt nước miếng chừng như đói lắm, các sư bèn thương tình cho Khánh vài phẩm oản nhưng cậu bé không ưng.

“Tôi là học trò đi thi hương, đã mấy ngày chưa có gì vào bụng, nay may gặp được mấy vị Bồ Tát, tưởng được bố thí kha khá chứ các vị cho có mấy phẩm oản thì tôi sao đủ dính ruột” - Khánh nói. Nghe vậy, một lão tăng cười: “Cậu đã xưng là học trò, hẳn nhiều chữ. Hãy làm một bài thơ tức cảnh cho bọn bần tăng thưởng thức, rồi chúng tôi xin biếu tất cả số xôi oản này”.

Lương Hữu Khánh không chỉ giỏi văn mà còn có sức khoẻ phi thường, trở thành danh tướng triều Lê (ảnh minh hoạ).

Lương Hữu Khánh không chỉ giỏi văn mà còn có sức khoẻ phi thường, trở thành danh tướng triều Lê (ảnh minh hoạ).

Nhà sư ra đề “nho tăng cùng thuyền”, Hữu Khánh ứng khẩu đọc: “Thác trung kinh sử, níp kim cương/ Ngã nhĩ kim đồng phiếm nhất hàng/ Hội xí Cồ Đàm khanh sái lạc/ Vị long đài các ngã cao tường/ Di biên nhĩ thượng vưu Hàn Dũ/ Vãng sự ngô do hận Thủy Hoàng/ Nhất đán tương phùng tùy tiễn biệt/ Nhĩ thành Bồ quả ngã Văn Xương” - (Đầy hòm kinh sử, níp kim cương/ Tớ, lão, nay đò một chuyến sang/ Trong hội Cồ Đàm, người phóng đạt/ Giữa miền đài các, tớ xênh xang/ Lời xưa, sư hẳn căm Hàn Dũ/ Việc cũ, Nho ta oán Thủy Hoàng/ Chốc lát gặp nhau rồi tạm biệt/ Lão thành Bồ quả, tớ Văn Xương).

Các nhà sư nghe xong vô cùng kinh ngạc trước tài ứng tác tuyệt đỉnh của cậu bé. Họ hết lời khen ngợi và lập tức đưa tất cả số xôi oản quả trong tráp. Hữu Khánh cũng không khách khí, xin phép rồi ăn ngay tại chỗ, chỉ một loáng đã hết.

Dưới sự dìu dắt của thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Hữu Khánh nhanh chóng vượt lên các bạn đồng môn, 12 tuổi đã đậu cử nhân. Trong lớp có Giáp Hải là người trước đó xuất chúng hơn cả cũng không theo kịp Hữu Khánh. Tuy nhiên, khi tham gia kỳ thi do nhà Mạc tổ chức, biết Hữu Khánh là người Thanh Hóa, lại là con trai quan đại thần nhà Lê, nên triều đình xếp Hữu Khánh sau Giáp Hải.

Theo sách “Việt Nam những sự kiện lịch sử”, Lương Hữu Khánh thấy bất công nên bỏ không thi đình, vì thế mà Giáp Hải đỗ Trạng nguyên. Giáp Hải từ khi đỗ Trạng nguyên được triều đình nhà Mạc trọng dụng, ban cho tước Kế Khê hầu. Biết Hữu Khánh là anh kiệt nên đã ra sức chiêu mộ, mời về phủ lấy thịnh tình đón tiếp mong Hữu Khánh thay đổi ý định, dốc lòng phụng sự cho nhà Mạc.

Một số nguồn sử liệu lại cho rằng, đây là khoảng thời gian Lương Hữu Khánh bị “giam lỏng” ở Thăng Long. Khi biết tin nhà Lê đang tiến hành sự nghiệp trung hưng, ông đã tìm cách trốn về Thanh Hóa. Khi về đến Yên Trường, Lương Hữu Khánh đã được vua Lê, chúa Trịnh hết sức tin dùng, ban cho chức Thị lang, cho tham tá việc quân cơ, sai cầm quân đi đánh giặc.

Ve sầu thoát xác

Sách “Nam Hải dị nhân” có đoạn chép: Nhà Lê bấy giờ khởi quản ở phủ An Tràng, vốn nghe tiếng ông Hữu Khánh là người tài lạ, nhiều khi muốn sai người ra đón về giúp, nhưng vì đường sá xa khơi, đi lại gian hiểm, cho nên chưa có dịp nào mà đem về được.

Vài năm sau, Kế Khê (Giáp Hải) được cầm quyền chính nhà Mạc, sai người tìm Hữu Khánh thì gặp cả hai mẹ con ở huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc đem về. Kế Khê nghĩ tình bạn lưu ở trong nhà, cung đốn tử tế, và khuyên dỗ cho ra làm quan, nhưng Hữu Khánh biết cơ nhà Lê sắp trung hưng, có ý muốn phò nhà Lê, cho nên không ra làm quan với nhà Mạc.

Kế Khê biết ý Hữu Khánh, muốn đuổi đi nhưng không nói ra, nhân một bữa ở trong triều về, giả tảng nói rằng: “Tôi hôm nay phụng chỉ làm một bài phú, nhưng việc quan bận bội lắm, nhờ anh làm giúp cho tôi”. Nói rồi, thò tay vào túi, lấy ra một mảnh giấy đầu bài, đưa cho Hữu Khánh.

Khánh thấy đầu bài: “Tần quan văn kê” biết là ý muốn đuổi mình, lập tức dặn mẹ đi lẻn ra bến Hoàng Liệt về Thanh Hóa trước, mà mình thì mật đưa một bài biểu vào An Tràng, hẹn ngày ấy thì đem thuyền ra đón tại cửa Thần Phù. Được vài hôm, làm xong bài phú, để trên đầu giường, rồi gấp đi đường xuống cửa Thần Phù.

Khi Kế Khê ở trong triều trở về, đến nhà học, không thấy Hữu Khánh đâu, cho đi hỏi khắp cả các nhà anh em bạn học, cũng không thấy tin gì. Xẩy thấy trên đầu giường có bài phú, trong bài có câu: “Lưu khách hóa ra đuổi khách”. Kế Khê nói: “Anh này đi mất, triều đình còn là nhiễu về anh này”.

Lập tức sai quân đi các ngả đuổi theo bắt về. Khi Hữu Khánh đến cửa Thần Phù, thì vua Lê đã sai năm chiếc thuyền chiến và 1.000 quân ra đón. Hữu Khánh vừa bước chân xuống thuyền thì quân nhà Mạc đuổi theo vừa đến. Hữu Khánh ngồi trong thuyền gọi to bảo rằng: “Gửi lời các anh, về tạ ông Kế Khê, ngày sau ta sẽ xin đền trả ơn”.

Danh tướng cầm quân

Khi về đến cửa phủ An Tràng, vua Lê mừng rỡ lắm, cử làm Thị lang, cho tham tá việc quân cơ. Hữu Khánh bầy ra mưu mẹo gì cũng đắc cả, vua tin dùng hơn cả mọi người, sai cầm riêng một đạo quân đi dẹp giặc.

Trong thời gian “phù Lê diệt Mạc”, Lương Hữu Khánh đã lập nhiều chiến công hiển hách, được sử liệu và gia phả dòng họ ghi lại. Một số sự kiện tiêu biểu như: Tháng 7 năm Đinh Tỵ (1557), đại tướng nhà Mạc là Mạc Kính Điển đem binh thuyền vào cửa Thần Phù uy hiếp Thanh Hóa. Lương Hữu Khánh giả trang làm thuyền chài dâng cá, nhân cơ hội tướng nhà Mạc sơ hở ông vung gươm chém tới khiến kẻ địch hoảng loạn. Phục binh nhà Lê theo đó mà tấn công, thu về được hơn 300 thuyền chiến.

Lương Hữu Khánh bỏ thi đình triều nhà Mạc để phục hưng nhà Lê và trở thành một trong 39 người tài đức phò tá triều Lê trung hưng.

Lương Hữu Khánh bỏ thi đình triều nhà Mạc để phục hưng nhà Lê và trở thành một trong 39 người tài đức phò tá triều Lê trung hưng.

“Có thuyết chép rằng, Lương Hữu Khánh yêu con gái lớn của thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm. Do cha qua đời đã lâu, mẹ làm nghề buôn bán, sinh ông ở Thăng Long, chưa có ý kiến gì về việc hỏi vợ cho Lương Hữu Khánh. Vì vậy, vợ chồng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tùy duyên mà gả con gái cho Phó Vệ úy Hầu tước Phạm Dao. Lương Hữu Khánh vì chuyện này mà buồn rầu, bỏ thi đình triều Mạc để về quê khởi nghiệp trung hưng nhà Lê”.

Tháng 4 năm Canh Ngọ (1570) Mạc Kính Điển lại kéo 10 vạn quân và 700 chiến thuyền vào Thanh Hóa với quyết tâm tiêu diệt căn cứ nhà Lê. Trưởng Quận công Trịnh Tùng mở hội các tướng bàn kế sách. Lương Hữu Khánh cùng các tướng sĩ trên dưới một lòng thề dốc sức đánh quân Mạc. Khi quân Mạc tiến vào Yên Trường, ngày đêm đánh phá nhằm vây bắt vua Lê.

Lương Hữu Khánh sai quân sĩ ban đêm cắm thêm tầng lũy, lấy vách ván nhà dân che kín, phía ngoài trát bùn, bên trên cắm chông, tới sáng thì xong tuyến thành giả với pháo đài, châu mai la liệt. Tướng nhà Mạc từ xa quan sát thấy bức tường thành vững chãi, nhầm tưởng quân lực nhà Lê quá mạnh nên đành rút lui, nhờ vậy mà Yên Trường qua cơn hoạn nạn.

Đến năm Mậu Dần (1578), trung tuần tháng 7, quân Mạc lại tiến vào lấn chiếm các huyện ven sông xứ Thanh. Đến cửa Lạch Trào ngay sát làng Hội Triều thì Lương Hữu Khánh và tướng Trịnh Bách chỉ huy quân sĩ đón đánh tiêu diệt thủy quân nhà Mạc. Dốc sức cống hiến tài năng cho sự nghiệp trung hưng nhà Lê, Lương Hữu Khánh đã được phong đến chức Thượng thư Binh bộ, tước Đạt Quận công. Nhà sử học Phan Huy Chú xếp ông vào một trong 39 người tài đức có công phò tá thời Lê trung hưng.

Là người văn võ song toàn, Thượng thư Lương Hữu Khánh không chỉ giỏi bày binh bố trận, lập nhiều công lớn mà còn có sự nghiệp văn chương để đời. Ngoài bài thơ “Nho tăng đồng chu” nổi tiếng khi còn trẻ, ông còn có tập “Sử quan” (800 câu) và “Bạch Vân am thi tập” (100 bài).

Sách “Nam thiên trân dị tập” khi đánh giá về ông có viết: “Sự nghiệp kỳ diệu thường trải qua những vất vả lạ thường. Bảng nhãn Lương Đắc Bằng là thân phụ Lương Hữu Khánh tất biết trước điều đó. Hữu Khánh không làm Trạng nguyên dưới triều Mạc mà làm công thần dưới triều Lê trung hưng. Đất nhà họ Lương được long mạch chính chăng?”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ