(GD&TĐ) - Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Sự tôn vinh này của UNESCO khẳng định những đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh cho dân tộc Việt Nam cũng như cho nhân loại. Tìm hiểu về Hồ Chí Minh với tư cách là danh nhân văn hóa kiệt xuất, có thể thấy rất rõ văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết tinh tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời Người cũng là nhà sáng tạo văn hóa lớn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Văn hóa Hồ Chí Minh được hình thành trong cái nôi văn hóa dân tộc và nhất là trong quá trình Người tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Quá trình này nằm trong bối cảnh văn hóa Việt Nam có sự giao lưu và tiếp biến văn hóa mạnh mẽ với văn hóa nhân loại. Có thể nói văn hóa Hồ Chí Minh đã được hình thành từ quá trình Hồ Chí Minh, với tư cách là chủ thể văn hóa, tiếp nhận tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại.
Văn hóa Hồ Chí Minh đã kết tinh được những gì tinh túy nhất của văn hóa Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là chủ nghĩa yêu nước và lòng nhân ái. Hồ Chí Minh đã viết những dòng đầy tâm huyết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn. Nó lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Yêu nước gắn liền với thương dân là đạo lý truyền thống của dân tộc. Đạo lý này đã được Hồ Chí Minh kế thừa và phát huy. Trước cảnh nước mất, người dân lầm than nô lệ, Hồ Chí Minh đã quyết tâm đi theo con đường cứu nước và trở thành nhà ái quốc vĩ đại với “một sự ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Ra đi tìm đường cứu nước, Người đã lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Khi nước nhà giành được độc lập, đứng trên Lễ đài đọc Tuyên ngôn Độc lập, Người đã ân cần, thân thiết hỏi quốc dân đồng bào: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Yêu nước, thương dân đã thành điều tâm niệm thiêng liêng nằm sâu trong tâm thức và tâm cảm của nhà cách mạng – nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh luôn coi trọng tìm tòi, chắt lọc những tinh hoa, những yếu tố tích cực của văn hóa Phương Đông, nhất là của Nho giáo, Phật giáo. Trong các tác phẩm của mình, Người nhiều lần vận dụng các khái niệm, phạm trù, luận điểm của Nho giáo nhưng gắn vào đấy những nội dung cách mạng của thời đại. Chẳng hạn Người vận dụng các khái niệm “trung”, “hiếu” của Nho giáo và phát triển thành “trung với nước, hiếu với dân”. Hồ Chí Minh tiếp thu tư tưởng đại từ, đại bi, cứu khổ cứu nạn của Phật giáo và hướng cho mọi người “làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải của nô lệ”. Hồ Chí Minh đã được tiếp xúc với văn hóa phương Tây ngay từ thuở thiếu thời khi theo học lớp dự bị trường tiểu học Pháp. Những tư tưởng của văn hóa phương Tây như tự do, bình đẳng, bác ái đã sớm có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành văn hóa Hồ Chí Minh. Sau này, khi bôn ba qua Pháp và nhiều nước khác, Hồ Chí Minh còn được tiếp cận với các giá trị văn hóa nổi bật khác của phương Tây như chủ nghĩa nhân văn, tinh thần duy lý và văn hóa dân chủ. Những giá trị văn hóa như vậy đã được hợp dung trong văn hóa Hồ Chí Minh và được Người vận dụng sáng tạo vào việc lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa sau này.
Trong quá trình hình thành văn hóa Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác – Lênin có một vị trí đặc biệt quan trọng. Chủ nghĩa Mác – Lênin như ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam. Đến với chủ nghĩa Mác – Lênin cũng có nghĩa là Hồ Chí Minh đã tìm được con đường cứu nước đúng đắn nhất. Người đã khẳng định dứt khoát chủ nghĩa Mác – Lênin là “Chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất”. Chủ nghĩa Mác – Lênin đã được Hồ Chí Minh tiếp thu và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Những giá trị của nó đã trở thành một nền tảng cơ bản của văn hóa Hồ Chí Minh.
Như vậy, có thể thấy văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết tinh tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, từ đó hình thành một văn hóa tiên tiến, cách mạng, có tính nhân văn sâu sắc. Có được điều này bởi Hồ Chí Minh đã không ngừng học hỏi. Những điểm đặc sắc của văn hóa nhân loại đã ghi dấu ấn sâu đậm trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hòa quyện nhuần nhị trong văn hóa Hồ Chí Minh để từ đó tỏa sáng thông qua lăng kính tư duy sắc sảo và minh triết của Người. Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng:
“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân.
- Tôn giáo của Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả.
- Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng.
- Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta”.
Và Người nhấn mạnh:” Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội... Tôi cố gắng làm học trò nhỏ của các vị ấy”. Cũng cần nói thêm rằng tinh thần học tập suốt đời cũng là một nét đặc sắc trong văn hóa Hồ Chí Minh. Không chỉ ở giai đoạn đầu mà ở cả những giai đoạn sau cho đến cuối đời, Hồ Chí Minh đều không ngừng học tập để làm giàu vốn văn hóa của mình. Người đã nêu tấm gương sáng về học tập.
Khi tìm hiểu Hồ Chí Minh – nhà văn hóa kiệt xuất, cùng với việc khẳng định văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết tinh những tinh túy của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại, cũng cần thấy rõ Hồ Chí Minh là một nhà sáng tạo văn hóa lớn.
Có thể thấy Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa đa tài. Người là nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà điêu khắc vv... Nhưng sự nghiệp văn hóa lớn nhất, quan trọng nhất của Hồ Chí Minh là đã tìm được con đường cứu nước đúng đắn và lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân. Sự nghiệp giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đem lại địa vị xứng đáng cho văn hóa dân tộc Việt Nam. Không chỉ vậy, sự nghiệp này còn có ý nghĩa to lớn đối với nền văn hóa thế giới, chỉ ra cho nhân dân các nước thuộc địa con đường đứng lên đập tan xích xiềng nô lệ, giành độc lập tự do cho đất nước của mình, từ đó góp phần vào việc xóa bỏ chế độ thuộc địa trên thế giới. Có thể nói Hồ Chí Minh với tư cách là nhà văn hóa kiệt xuất đã góp phần không chỉ tạo ra một chế độ mới, một thời đại mới mà còn tạo ra một nền văn hóa mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng góp phần to lớn vào sự phát triển của nhân loại nói chung và sự phát triển văn hóa nhân loại nói riêng. Không phải là ngẫu nhiên mà bằng sự linh cảm và khả năng trực giác, ngay từ năm 1923, khi tiếp xúc với Người, nhà thơ Xô - Viết Ôxip Mandextam đã tiên đoán: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai... Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”.
N. D. B