Hơn 2 năm ngồi trên ghế thuyền trưởng U23 và đội tuyển Việt Nam, huấn luyện viên Park Hang-seo đối đầu với nhiều nhà cầm quân ở đẳng cấp khác nhau.
Danh sách những chiến lược gia này từ đang lên như Felix Sanchez (Qatar), Hajime Moriyasu (Nhật Bản), hết thời như Sven-Goran Eriksson (Philippines), Carles Queiroz (Iran) hay ẩn chứa quá nhiều thù địch như Akira Nishino (Thái Lan).
Song Bert van Marwijk là mẫu đối thủ thầy Park chưa từng phải đối mặt. Ông thầy người Hà Lan tới từ nơi triết lý tạo ra sức mạnh và Van Marwijk là người nổi tiếng nhất trong việc nỗ lực phá vỡ ranh giới đó.
|
Bert van Marwijk đang là HLV trưởng ĐT UAE. Ảnh: Việt Hùng. |
Kẻ chống lại truyền thống Hà Lan
Năm 2008, Marco van Basten từ chức HLV trưởng ĐT Hà Lan. Công cuộc cách mạng của Van Basten kéo dài suốt hơn 4 năm sau cùng chỉ đưa “Cơn lốc màu da cam” vào tứ kết của Euro 2008 và trước đó là vòng 1/8 World Cup 2006.
LĐBĐ Hà Lan có nước đi lạ lùng khi bổ nhiệm Bert van Marwijk vào vị trí HLV trưởng. Ông Marwijk trước đó đưa Feyenoord vô địch cúp UEFA 2002, nhưng không có quá nhiều danh tiếng tại giải xứ sở hoa tulip.
Một trong những nước đi đầu tiên của ông Marwijk trên cương vị HLV trưởng ĐT Hà Lan là bổ nhiệm cậu con rể Mark van Bommel làm đội trưởng.
Việc bổ nhiệm cầu thủ đá thiên về thể lực và khá bặm trợn như Van Bommel làm đội trưởng cũng là thông điệp mà HLV này gửi tới các CĐV cùng quan chức bóng đá Hà Lan khi ấy: Phòng ngự cần được đảm bảo trước khi tấn công.
HLV Van Marwijk từng đưa ĐT Hà Lan vào trận chung kết World Cup 2010. Ảnh: Getty. |
Kết quả là tuyển Hà Lan vượt qua vòng loại World Cup 2010 với 8/8 trận toàn thắng, ghi 17 bàn và để lọt lưới 2 bàn. Dẫu vậy, phong cách chơi của ĐT Hà Lan bị cố huyền thoại Johan Cruyff khi ấy chỉ trích nặng nề.
Trong cuốn tự truyện “My Turn” (Cú ngoặt bóng của tôi), Cruyff khẳng định lối chơi của ĐT Hà Lan dưới thời Van Marwijk là “nỗi xấu hổ” và “đáng thất vọng”. Cách chơi bóng dựa vào nền tảng thể lực và khả năng phòng ngự của nhà cầm quân này đi ngược lại với thứ triết lý tấn công mà “Cơn lốc màu da cam” lấy làm tôn chỉ trong hàng chục năm.
Sự phóng khoáng của trường phái Cruyff - Ajax không tồn tại trong ĐT Hà Lan ngày đó. Không có chuyền bóng một chạm, không kéo dãn đội hình khi tấn công và co hẹp khi phòng ngự. Mỗi khi mất bóng, hàng phòng ngự của Hà Lan chọn cách chạy lùi về thay vì dâng cao để lập tức đoạt bóng. Với người Hà Lan, đó mới là bóng đá. Song Van Marwijk nói không.
Tại World Cup 2010, ĐT Hà Lan với hàng loạt ngôi sao thượng thặng như Wesley Sneijder, Arjen Robben, Robin van Persie hay Van der Vaart đã tiến tới trận chung kết và để thua Tây Ban Nha 0-1. Những tung hô và phấn khích trong phút chốc khi ấy không thay đổi được sự thật Van Marwijk đã biến Hà Lan thành đội chơi theo phong cách Italy nhiều hơn là Hà Lan.
Nhìn lại chiến công của Hà Lan khi ấy, giới mộ điệu chỉ thấy ảnh hưởng áp đảo của Sneijder và Robben, những ngôi sao kiệt xuất. Dấu ấn của Van Marwijk đặc biệt mờ nhạt. Đó có thể là cặp tiền vệ phòng ngự Van Bommel, Nigel de Jong, những người có nhiệm vụ phá lối chơi đối phương thay vì kiến tạo.
Cú đạp này của Nigel de Jong với Xabi Alonso là hình ảnh biểu tượng của ĐT Hà Lan tại World Cup 2010: Phòng ngự, thô bạo, căng thẳng. Ảnh: Getty. |
Là người nổi tiếng nhất trong việc bẻ Hà Lan đi theo hướng thực dụng tại các kỳ World Cup trong lịch sử, song Van Marwijk sau cùng chịu đúng kết cục của kẻ lội dòng nước ngược. Ông bị cuốn phăng tại Euro 2012 khi Hà Lan thua cả 3 trận và xếp bét bảng. Van Marwijk sau đó từ chức.
HLV Park không phải sợ Van Marwijk
Thành công tại World Cup 2010 là đỉnh cao của Van Marwijk nhưng ngay từ chính thất bại tại sân Soccer City, sự nghiệp của nhà cầm quân này cũng đi xuống với điểm thấp nhất chính là thời gian tại UAE.
Trước Thái Lan, Van Marwijk đã bị Akira Nishino cô lập hoàn toàn. Nhà cầm quân người Hà Lan có thể là tên tuổi lớn nhưng đặt trong 90 phút ở hai đội tuyển có trình độ và khát vọng tương đồng, Van Marwijk không làm chủ được tình hình. Danh tiếng nổi trội thậm chí khiến ông bị rơi vào bẫy như trong trường hợp trước Thái Lan.
UAE của Bert van Marwijk thua Thái Lan ở lượt đấu trước tại Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Ảnh: Getty. |
HLV Park Hang-seo trong hơn 2 năm dẫn dắt ĐT Việt Nam đã gặp quá nhiều đối thủ được đánh giá cao hơn. Song sự tự tin, cái đầu ngẩng cao cùng đấu pháp hợp lý đã luôn giúp ĐT Việt Nam giành những chiến quả có lợi.
Ở châu Á, sự khác biệt không tới từ những thứ như thế. Sự tổ chức ở những khâu nhỏ nhất như chiến thuật, tâm lý chiến, khả năng gắn kết cầu thủ là điều tiên quyết trong việc huấn luyện thành công tại châu Á.
Van Marwijk trong những trận đấu với Malaysia (thắng 2-1) hay Thái Lan (thua 1-2) cho thấy ông không đưa được đẳng cấp của một trong những HLV hàng đầu tới UAE. Sự thiếu nhuần nhuyễn trong lối chơi cùng tư tưởng giằng xé giữa việc phải chơi bóng đá tấn công hay phòng ngự đang khiến UAE đánh mất mình.
Trong khi đó, tính tổ chức là điểm mạnh nhất của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo. Lối chơi tập thể gắn kết cùng việc các cầu thủ tin tưởng lẫn nhau là chìa khóa giúp HLV Park nâng tầm bóng đá Việt Nam.
Ngay cả trong những trận thua trước Iran, Iraq, Nhật Bản tại Asian Cup 2019, giới chuyên môn lẫn mộ điệu đều thấy ĐT Việt Nam của HLV Park nỗ lực và chiến đấu cùng nhau như thế nào. Điều này khác so với sự rời rạc của UAE.
Van Marwijk có thể danh tiếng hơn HLV Park Hang-seo, UAE có thể xếp thứ hạng cao hơn ĐT Việt Nam. Song tại Mỹ Đình ngày 14/11, những người có lợi là chúng ta bởi vì năng lực của chính mình.
Đó là lý do HLV Park chẳng việc gì phải sợ Van Marwijk.