HLV Mai Đức Chung: "The Special One" của Việt Nam

GD&TĐ - Bóng đá nam Việt Nam thăng hoa trong những năm gần đây nhờ tài năng của ông thầy người Hàn Quốc Park Hang Seo, nhưng nếu có danh xưng “Người đặc biệt” của bóng đá Việt Nam thì không ai xứng đáng hơn HLV Mai Đức Chung.

Bóng đá nữ Việt Nam luôn thành công rực rỡ dưới thời HLV Mai Đức Chung
Bóng đá nữ Việt Nam luôn thành công rực rỡ dưới thời HLV Mai Đức Chung

Những điều đặc biệt

HLV Mai Đức Chung nổi tiếng và thành công từ rất sớm. 16 năm về trước, ông đã đưa đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành HCV SEA Games, kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á được tổ chức tại Việt Nam. Như là “định mệnh”, cho dù có những lúc thăng trầm, ông Chung luôn đồng hành với bóng đá nữ. Lúc này, ở vào độ tuổi xấp xỉ 70, khi những đàn anh, đồng nghiệp cùng thời như Lê Thụy Hải, Trần Bình Sự… nghỉ huấn luyện, vui tuổi già bên con cháu thì HLV Mai Đức Chung vẫn sát cánh bên các học trò.

HLV Mai Đức Chung với chiếc Cup vô địch Đông Nam Á 2019
 HLV Mai Đức Chung với chiếc Cup vô địch Đông Nam Á 2019

Gần 20 năm sau chức vô địch SEA Games 2003, bóng đá nữ Việt Nam trải qua những giai đoạn khác nhau. Nhiều ông thầy đã đến, kể cả các HLV người nước ngoài như Trần Vân Phát (Trung Quốc), Norimatsu Takashi (Nhật Bản). Tuy nhiên, đội tuyển nữ Việt Nam chỉ thực sự thăng hoa dưới bàn tay chèo lái của HLV Mai Đức Chung với 3 giai đoạn 2003 - 2005, 2014 và từ 2016 đến nay.

Nhắc đến HLV Mai Đức Chung, người ta bảo ông có số cầm quân. Bản tính hiền lành, biết lắng nghe, và hành xử rất tâm lý, ông sinh ra là để dành cho bóng đá nữ. Điều đó không sai nhưng chưa đủ. Ở ông còn hội tụ rất nhiều yếu tố của một chiến lược gia lão luyện, đó là liệu pháp tinh thần với các học trò, am hiểu chuyên môn và bản lĩnh trong những thời điểm khó khăn. ‘Không ai tắm hai lần trên một dòng sông’. Nhưng HLV họ Mai nhiều lần đến rồi đi với bóng đá nữ. Lần nào cũng vậy, dưới triều đại của ông, bóng đá nữ luôn có vàng.

Bóng đá nam đang thành công rực rỡ với “kiến trúc sư” Park Hang Seo. Nhưng nên nhớ rằng, cũng trong 2 năm qua, ông Chung cùng các học trò giành được những thành tích vẻ vang, HCV SEA Games 29 và vô địch Đông Nam Á 2019. Mặc dù vậy, những thành tích rực rỡ của ông Chung với bóng đá nữ Việt Nam chưa đủ để ông được tôn vinh là “Người đặc biệt”. Sự đặc biệt ở chỗ, ông Chung “Xe Ca” luôn tận tụy, nhiệt huyết và thành công ở nhiều vị trí khác nhau.

Ở góc độ CLB, ông thầy quê làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội) đã đưa CLB B.Bình Dương vào đến bán kết AFC Cup 2009, thành tích mà 10 năm sau HLV Chu Đình Nghiêm của Hà Nội FC mới lặp lại. Bên cạnh đó, ông cùng CLB Bình Dương vô địch V-League 2015 và trong sự nghiệp cầm quân, HLV Mai Đức Chung đã kinh qua không ít CLB như Navibank Sài Gòn, Thanh Hóa… nơi nào ông cũng để lại dấu ấn.

Ở cấp độ đội tuyển, ông là người dẫn dắt đội tuyển nam U22 Việt Nam đoạt chức vô địch Merdeka 2008 tại Malaysia, chiếc cúp Đông Nam Á hiếm hoi trong bảng thành tích của bóng đá Việt Nam. Còn với đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, có lẽ phải rất lâu nữa mới có người vượt được thành tích 3 lần giành HCV SEA Games của ông và gần đây nhất là chức vô địch Đông Nam Á 2019. Nhưng với ông Chung, sự đặc biệt không đơn thuần là thống kê huy chương, điều khiến ông có được sự trân trọng còn là tinh thần không quản ngại khó khăn.

Năm 2017 là năm thật đặc biệt với HLV Mai Đức Chung. Trong bối cảnh mà đội tuyển U22 Việt Nam của HLV Nguyễn Hữu Thắng gây thất vọng tại SEA Games, HLV Mai Đức Chung giúp người hâm mộ bóng đá trong nước nguôi ngoai phần nào nỗi buồn, khi giúp đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành HCV SEA Games 29, giành lại ngôi vị số 1 bóng đá nữ Đông Nam Á từ tay Thái Lan. Nhưng bóng đá nam thời điểm đó thật sự khó khăn. Người hâm mộ, khán giả thất vọng. Các doanh nghiệp thờ ơ với bóng đá. HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức trong khi đội tuyển quốc gia đang bước vào những trận đấu quyết định của vòng loại Asian Cup 2019.

Nhiều thầy nội không dám ngồi “ghế nóng”. Một phần vì đội tuyển “nát bét”, phần nữa vào thời điểm đó, LĐBĐVN chỉ cần một ông thầy tạm quyền dẫn dắt đội tuyển 1, 2 trận rồi nhường chỗ cho thầy ngoại. Vậy nên, việc ông Chung đứng ra nhận lời dẫn dắt đội tuyển quốc gia được ví như hành động “nhảy vào lửa”. “Trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, chẳng ai nhận thì tôi nhận thôi. Thắng tôi nhận, thua tôi chịu trách nhiệm, đánh đổi bằng danh tiếng, tôi cũng chấp nhận. Nếu mình thật tâm vì sự phát triển bóng đá Việt Nam thì chẳng có gì phải xấu hổ” – HLV Mai Đức Chung cho biết.

Không chỉ khó khăn trong công việc, ông Chung lên nắm quyền HLV đội tuyển quốc gia còn phải hứng chịu không ít sự hoài nghi về việc một người chỉ chuyên dẫn dắt đội tuyển nữ khó lòng đủ sức dẫn dắt đội tuyển nam! Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, ông Chung lao mình vào việc. Nhanh chóng đưa ra danh sách đội tuyển, thậm chí nhiều cầu thủ ông còn chưa thuộc hết họ tên, ông dồn tất cả sức lực, trí tuệ cùng các học trò trên sân tập dưới trời mưa như trút nước.

Đội tuyển quốc gia nhanh chóng ổn định trở lại, thắng 2 trận rất quan trọng trước

Campuchia, trước khi giành vé đến VCK châu lục. Thời điểm đấy, tinh thần của các cầu thủ Việt Nam đã xuống rất thấp vì thất bại ở SEA Games, còn thể lực thì gần như bằng không, do

V-League đang nghỉ hơn 2 tháng trời. HLV Mai Đức Chung gần như làm lại từ đầu, rồi bằng những nước cờ táo bạo, ông giúp đội tuyển đánh bại đội bóng đất Chùa Tháp, tạo bước ngoặt mới cho đội tuyển Việt Nam ở vòng loại Asian Cup 2019.

HLV Mai Đức Chung thanh thản chia tay các học trò và trao lại đội tuyển cho ông Park Hang Seo. Những ngày cuối năm 2017, ông nhận danh hiệu HLV tiêu biểu không chỉ của bóng đá Việt Nam, mà còn của cả thể thao Việt Nam, trong cuộc bầu chọn VĐV, HLV tiêu biểu của năm, chứng minh một năm thật đặc biệt của vị HLV này. Trong làng bóng đá nội, HLV Mai Đức Chung là người sống có tình nghĩa, biết trước biết sau. Ông đề cao tình bạn, có nghĩa khí, luôn chủ động gửi tiền giúp đỡ nhiều trường hợp đồng nghiệp đau ốm, hoàn cảnh khó khăn và làm một cách âm thầm, không khoa trương.

Tham vọng World Cup

HLV Mai Đức Chung huấn luyện đội tuyển nam quốc gia trong giai đoạn khó khăn
HLV Mai Đức Chung huấn luyện đội tuyển nam quốc gia trong giai đoạn khó khăn 

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2019 của Tổng cục TDTT, LĐBĐVN cho biết mục tiêu của bóng đá Việt Nam tại SEA Games 30. Theo đó, đội tuyển U23 quốc gia thực chất là U22+2 sẽ cố gắng cho mục tiêu lần đầu giành ngôi vô địch, trong khi đó, đội tuyển bóng đá nữ cũng được giao chỉ tiêu bảo vệ thành công tấm HCV. Mặc dù vậy, cái đích của HLV Mai Đức Chung không chỉ là chỉ tiêu vàng SEA Games, bên cạnh đó, ông đã bước đầu xây dựng kế hoạch cho tham vọng lớn hơn rất nhiều, đó là giành suất tham dự World Cup 2023. Những tài năng trẻ Tuyết Ngân, Trúc Hương, Cù Thị Huỳnh Như… của lứa U19 Việt Nam được vào tầm ngắm tập huấn, đào tạo cho kế hoạch dài hơi.

Trong thông báo mới nhất, FIFA đã quyết định nâng số đội tham dự World Cup bóng đá nữ 2023 từ 24 lên thành 32 đội. Hai kỳ World Cup gần nhất, châu Á có 5 suất tham dự vòng chung kết. Với quyết định tăng từ 24 đội thành 32, châu Á sẽ có thêm ít nhất một suất. Hiện tại, đội tuyển nữ Việt Nam đang xếp hạng 6 ở châu Á và hạng 35 thế giới trên BXH FIFA. Do vậy, chúng ta đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham dự World Cup nữ 2023.

Trước đó tại World Cup nữ 2019, đội tuyển Việt Nam đã vào đến vòng loại cuối cùng nhưng đã không thể dự vòng chung kết sau khi đứng cuối bảng B. Thầy trò HLV Mai Đức Chung đã để thua cả 3 trận trước 3 đối thủ rất mạnh Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việt Nam từng đến rất gần với World Cup năm 2015, nhưng ở trận play-off, thầy trò Trần Vân Phát thua Thái Lan 1 - 2 trên sân nhà Thống Nhất, TPHCM. Ở vòng loại World Cup 2019, Việt Nam xếp chót bảng B, đứng dưới

Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Kết quả này không phải là bất ngờ, bởi cả 3 đối thủ cùng bảng đều là những đội bóng mạnh hàng đầu châu lục.

Bóng đá nữ Việt Nam đang đứng trên đỉnh Đông Nam Á với chiếc HCV SEA Games 29 và chức vô địch AFF Cup 2019. HLV Mai Đức Chung có thể dừng cuộc chơi trong vinh quang. Nhưng ông vẫn tiếp tục lao vào khó khăn. Bóng đá nữ Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển giao lực lượng. Khó khăn còn nhiều. Cơ hội đua tranh đến World Cup đang ở phía trước.

Sự đặc biệt của ông là thế!

Bóng đá nữ tại SEA Games 30 sẽ có 8 đội tuyển tranh tài, được chia thành 2 bảng đấu, mỗi bảng 4 đội. Hai đội bóng giành thứ hạng cao nhất sẽ lọt vào trận bán kết. Các trận vòng bảng diễn ra từ ngày 28/11 đến 4/12, hai trận bán kết diễn ra vào ngày 6/12, hai trận tranh HCĐ và HCV được tổ chức vào ngày 9/12. Theo đánh giá, các đội bóng ở SEA Games 30 đều đầu tư rất mạnh mẽ. Đặc biệt là chủ nhà Phillipines. Trong đội hình của họ 2/3 các cầu thủ là Phi kiều và thi đấu rất tiến bộ. Ngoài ra, Thái Lan và Myanmar vẫn là đối thủ khó chơi của đội tuyển nữ Việt Nam. Bóng đá nữ Việt Nam đã giành HCV SEA Games vào các năm: 2001, 2003, 2005, 2009); 2 HCB năm 2007, 2013; 1 HCĐ năm 1999. Trong 8 kỳ SEA Games đã tham dự, bóng đá nữ Việt Nam đều có huy chương.  
“Đội nam xưa nay được quan tâm hơn đội nữ là điều hiển nhiên. Các HLV nước ngoài tới Việt Nam dẫn dắt đội nam khi có yêu cầu cũng thường được LĐBĐVN đáp ứng nhanh và tốt hơn. Ví dụ như ông Park Hang Seo yêu cầu cả bộ sậu từ Hàn Quốc gồm trợ lý, HLV thể lực, bác sĩ… cũng được đáp ứng. Nhưng với bóng đá nữ thì khó khăn hơn. Nhiều giải đấu, BHL phải cử cán bộ theo đội ra chợ mua thêm thịt bò về xào cho các VĐV ăn thêm ngoài thực đơn của khách sạn. Nhiều khi các cầu thủ phải ăn thêm mì tôm, ăn ruốc, lạc rang, mắm tép mà các cháu mang đi”. HLV Mai Đức Chung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.