Trong nửa sau Thế chiến II, các nhà khoa học Đức đã nghiên cứu thành công nhiều loại vũ khí sinh học. Lý do duy nhất khiến Mỹ và đồng minh không phải hứng chịu thảm họa là nhờ sự ngăn cấm quyết liệt từ chính trùm phát xít Adolf Hitler, theo cuốn sách Biologist Under Hitler của tác giả Ute Deichman.
Năm 1943, một nhà khoa học Đức đề xuất tấn công nước Mỹ bằng nhiều loại tác nhân gây đại dịch cho người và động vật. Vào thời điểm đó, Đức Quốc xã đã thí nghiệm thành công hàng loạt vũ khí sinh học gây bệnh khác nhau. Người Đức còn có ý tưởng thả 40 triệu con bọ hung lên các cánh đồng của nước Anh, gây ra tình trạng mất mùa và nạn đói diện rộng.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra cách biến những căn bệnh nguy hiểm như thương hàn, tả hay bệnh than thành vũ khí. Họ có thể tạo môi trường nuôi sống vi khuẩn gây bệnh trong 8-12 tuần liền, bảo đảm khả năng sát thương tối đa khi chúng được thả xuống lãnh thổ đối phương.
Sau chiến tranh, giới khoa học Mỹ đã tìm thấy ghi chép của người Đức về các thí nghiệm vũ khí sinh học. Họ coi đó là thành tựu xuất chúng nhưng rất đáng sợ.
Tuy nhiên, không một loại vũ khí sinh học nào được triển khai nhằm vào Mỹ và đồng minh. Ngay từ đầu cuộc chiến, Hitler đã ra lệnh cấm mọi nghiên cứu về vũ khí sinh học. Giới khoa học Đức đã phớt lờ yêu cầu này, họ tiếp tục tiến hành những thử nghiệm trên cả người và động vật.
Sau này, Hitler vẫn không thay đổi suy nghĩ của mình, quyết không sử dụng những vũ khí hóa sinh hủy diệt hàng loạt mà quân đội Đức quốc xã đang sở hữu.
Có nhiều giả thuyết giải thích cho quyết định này. Có người cho rằng Hitler từng bị thương vì vũ khí sinh hóa trong Thế chiến I, hoặc ông ta coi đó là một âm mưu bí mật của người Do Thái, nên kiên quyết không cho phép đưa vào chiến trường những loại vũ khí có thể gây thiệt hại lớn cho phe Đồng minh như vậy.