Đây là minh chứng cho thấy không nơi nào có thể an toàn nếu đại dịch còn hoành hành trên thế giới.
Cả Singapore và đảo Đài Loan đều đang phải thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng, nhằm kiềm chế tốc độ lây lan của virus. Riêng tại đảo quốc vùng Đông Nam Á, chính quyền đã cho đóng cửa tất cả các quán ăn và bắt buộc doanh nghiệp cho nhân viên làm việc tại nhà kể từ ngày 14/5 vừa qua, biện pháp cứng rắn nhất chỉ áp dụng hồi đầu dịch năm ngoái.
Singapore bất ngờ lao đao vì Covid-19 chỉ từ một nguồn lây là hành khách tại sân bay quốc tế Changi. Trong một tháng qua, nước này ghi nhận khoảng 200 ca lây nhiễm trong cộng đồng sau một thời gian dài gần như sạch bóng virus. Dù số lượng lây nhiễm chưa lớn nhưng Singapore ngay lập tức cho áp dụng các biện pháp hạn chế khẩn cấp vì chủng mới có tốc độ lây nhiễm quá nhanh.
Vốn được coi là mô hình chống dịch đáng học tập, Singapore từng tự tin nới lỏng các hoạt động đi lại quốc tế như thiết lập “bong bóng du lịch”, tức hoạt động kết nối đi lại với điểm đến quốc tế được cho là an toàn. Làn sóng dịch mới đã khiến sáng kiến đi lại quốc tế trong mùa dịch này phá sản chỉ sau vài ngày áp dụng.
Một trong những điểm đến mà chính quyền Singapore xác định an toàn chính là đảo Đài Loan thì nay cũng đang phải vật lộn với đợt dịch mới bất ngờ. Hòn đảo này cũng từng được coi là hình mẫu chống dịch như Singapore, nhưng hiện tình hình dịch bệnh còn nghiêm trọng hơn với trung bình khoảng 200 ca mắc mới mỗi ngày.
Sau hơn một năm khống chế một cách thần kỳ số ca mắc Covid-19 chỉ dưới 1.000 người trên tổng số 23,5 triệu dân, tình hình trên đảo Đài Loan bất ngờ thay đổi hoàn toàn kể từ ngày 20/4 vừa qua khi một phi công được xác định dương tính. Từ đó, virus lây lan chóng mặt trong cộng đồng và lên tới hơn 300 ca mắc mới chỉ riêng trong ngày 18/5 vừa qua.
Hiện, đảo Đài Loan phải tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch, chấm dứt một thời gian dài người dân được tự do sinh hoạt đến mức gần như quên mất đại dịch. Tình huống tương tự cũng đang xảy ra tại các nơi khác như Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc vốn được coi là chống dịch hiệu quả hàng đầu thế giới, nhưng cũng đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mạnh nhất từ đầu dịch.
Ngoại trừ Singapore có tỷ lệ tiêm chủng cao thì cả đảo Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan đều có một điểm chung là chống dịch hiệu quả nhưng tốc độ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 lại rất chậm chạp. Ở chiều ngược lại, Mỹ và Anh vốn là hai ổ dịch lớn nhất thế giới thì nay đang dần trở lại bình thường nhờ tiêm chủng nhanh.
Israel cũng là mô hình chủ động chống dịch thành công nhờ tiêm chủng siêu tốc.
Những gì xảy ra tại Singapore, đảo Đài Loan và một số nơi từng được coi là hình mẫu chống dịch của châu Á cho thấy, việc giữ được môi trường miễn nhiễm với Covid-19 hiện nay là điều không thể, nhất là trong bối cảnh hoạt động đi lại quốc tế không có cách nào phong tỏa được hoàn toàn.
Lịch sử dịch tễ hàng trăm năm qua cũng cho thấy, chỉ có vắc-xin được tiêm với tỷ lệ đạt mức miễn dịch cộng đồng là trên 70% dân số thì đại dịch mới có thể thực sự bị đẩy lùi.