Hình dung về sách giáo khoa

Hình dung về sách giáo khoa
Một tiết học của SV Trường CĐSP Yêb Bái
Một tiết học của SV Trường CĐSP Yêb Bái

(GD&TĐ) - Phát triển chương trình theo định hướng phát triển năng lực, tăng cường tích hợp nội dung, thực hiện phân hóa ngày càng sâu để đáp ứng nhu cầu phát triển cá nhân mỗi học sinh (HS) là những định hướng mới của Chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015. Một số nhà nghiên cứu đã bước đầu phác họa mô hình SGK đáp ứng được những yêu cầu này.

Chức năng kép: thông tin và tổ chức quá trình sư phạm

Với GS.TS Đinh Quang Báo, SGK phải có cấu trúc hai phần, phần “bài viết” và phần “cơ chế sư phạm”. Nghĩa là bao gồm cả nội dung kiến thức lẫn phương pháp nhận thức. Phần bài viết là thông tin nội dung chủ yếu, tối ưu, cơ bản do chương trình quy định.

Phần “cơ chế sư phạm” gồm các câu hỏi, bài tập, các kênh hình, bài đọc thêm, tài liệu tham khảo, các tư liệu, số liệu, sự kiện, minh chứng,...

Các tình huống sư phạm, các bài tập sẽ được diễn đạt dưới các dạng đề án, các chủ đề, tiểu luận. Phần cơ chế sư phạm chính là các hoạt động làm cho phần nội dung chuyển từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động.

Mô hình cấu trúc SGK với các phần chính đáp ứng được tư tưởng đổi mới GD phổ thông của Việt Nam sau năm 2015, theo GS.TS Đinh Quang Báo gồm phần mở đầu, phần nội dung môn học, phần liệt kê các từ vựng và index (phần chỉ dẫn ở cuối sách).

Phần mở đầu là rất quan trọng, có nội dung nhập môn, bao gồm: giới thiệu giá trị khoa học của môn học; hướng dẫn HS phương pháp nghiên cứu môn học, các kĩ năng chuyên biệt và năng lực chung mà môn học góp phần phát triển ở HS; Liên hệ nội dung môn học với các môn học khác; Nêu các đề tài nghiên cứu có ý nghĩa, khả thi, những tư tưởng có giá trị phương pháp luận; Đặc biệt hướng dẫn chi tiết các cách học.

Phần nội dung không nên trình bày đơn vị bài học theo tiết học, mà theo chủ đề nội dung ứng với các tình huống tích hợp. Tổ chức học một chủ đề trong SGK, cần đảm bảo các nội dung: Cần biết gì? Cần nghiên cứu đề tài khoa học nào? Câu hỏi thảo luận và các hoạt động nhóm là gì? Câu hỏi trắc nghiệm và đề cương báo cáo kết quả nghiên cứu.

Phần liệt kê các từ vựng – đây là những từ cốt lõi có giá trị như một khái niệm, một thuật ngữ khoa học. Thường các từ này được in đậm trong bài khóa và cuối một chủ đề, một chương, tất cả các từ đó được hệ thống lại thành một danh sách có giá trị như một từ điển 

Cuối cùng, phần chỉ dẫn ở cuối sách liệt kê tất cả các thuật ngữ, khái niệm, đặc biệt cần thiết khi biên soạn SGK tích hợp. Index giúp HS tra cứu thuận tiện lúc cần huy động kiến thức từ các môn khoa học khác nhau trong SGK (tự nhiên, xã hội) để giải quyết các vấn đề tích hợp.

SGK theo mô hình giao tiếp

SGK xây dựng theo mô hình giao tiếp là loại sách triển khai nội dung theo chủ đề hoạt động của HS nhằm tìm hiểu các lĩnh vực khác nhau của đời sống, lấy các hoạt động đó làm môi trường giao tiếp để hình thành kiến thức và phát triển kĩ năng ngôn ngữ.

Phân tích các mô hình SGK dạy tiếng phổ thông hiện tại, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, đây chính là mô hình thích hợp nhất đối với bộ SGK Tiếng Việt tiểu học sau năm 2015.

Với mô hình này, SGK không còn mô phỏng con đường hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của con người nữa mà đặt HS vào những tình huống giao tiếp thật. 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giao tiếp, người học buộc phải sử dụng ngôn ngữ để trình bày ý kiến của mình, nên GV sẽ đánh giá được nhu cầu về từ ngữ và cấu trúc để cung cấp cho người học thay vì áp đặt trước cho họ như các chương trình cấu trúc truyền thống. Bằng cách này, việc học ngôn ngữ trên lớp sẽ diễn ra giống với việc trẻ em học ngôn ngữ trong môi trường giao tiếp tự nhiên. 

Theo GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, bộ SGK theo mô hình giao tiếp sẽ được triển khai theo trục chủ điểm. Các chủ điểm cần được chọn sao cho gần gũi với HS tiểu học.

Cụ thể là phù hợp với tâm lí và con đường khám phá thế giới của các em, qua đó phát triển nhận thức, kĩ năng giao tiếp. Hệ thống chủ điểm này cần đảm bảo tính logic nhưng không gò bó và sẽ trở đi trở lại ở các lớp khác nhau với những tên gọi khác nhau, càng lên lớp trên càng sâu sắc hơn.

Ứng với mỗi chủ điểm là một bài học với ba loại hoạt động. Các hoạt động chính bắt đầu bằng những kiến thức, kinh nghiệm HS đã biết; Khuyến khích HS chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đó với bạn bè; Đưa ra những tình huống mới giúp HS hình thành kiến thức mới; củng cố những điều mới học được bằng một câu chuyện hoặc trò chơi.

Các hoạt động thực hành giúp HS củng cố kiến thức và phát triển kĩ năng mới học được. Cuối cùng là hoạt động ứng dụng, giúp HS ứng dụng những điều đã học được vào việc giải quyết các tình huống nảy sinh trong đời sống hằng ngày ở nhà và ở cộng đồng. Sau mỗi bài học, SGK có một trắc nghiệm để HS tự đánh giá kết quả học tập của mình.

Giúp học sinh chủ động khám phá kiến thức

SGK môn Tự nhiên và Xã hội hiện hành được đánh giá có rất nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Tuyết Nga và ThS Phan Thanh Hà – Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, từ góc nhìn phát triển năng lực cho HS, cuốn sách này cũng bộc lộ một số hạn chế.

Như, việc lựa chọn và sắp xếp nội dung chủ đề, bài học chưa thật hiệu quả để giúp HS hiểu được mối quan hệ giữa con người, tự nhiên và xã hội. Với cách thiết kế như hiện nay, HS được hoạt động nhưng vẫn theo sự hướng dẫn sát sao và thậm chí là áp đặt của giáo viên.

Về cấu trúc của bài, ngoài phần tên bài trình bày ngắn gọn và hấp dẫn; Các hoạt động cần được thiết kế đa dạng, thể hiện một cách linh hoạt chu trình:

Khai thác kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng đã có của HS; Xây dựng các khái niệm - hình thành kiến thức, kĩ năng mới; giải thích - kiểm tra sự hiểu biết; Thực hành - vận dụng (lưu ý: không thể thiếu hoạt động để HS thể hiện cảm xúc, thái độ và giá trị); đánh giá - tổng kết những kiến thức trọng tâm; Có kí hiệu thể hiện sự liên kết vở bài tập - thuận lợi để HS thực hiện các hoạt động trong bài.

Sách cần được trình bày phối hợp hiệu quả giữa kênh chữ và kênh hình. Kênh chữ ít nhưng dễ hiểu, gần gũi với HS. Kênh hình đa dạng, vui nhộn. Các hình ảnh được lựa chọn phải “đắt” về giá trị khoa học, về giá trị thẩm mĩ và tính giáo dục.

Cần hướng tới kênh hình mang tính tổng thể để HS không chỉ khai thác những đối tượng riêng lẻ mà còn thấy được mối quan hệ, tương tác giữa các đối tượng. Ngoài ra, có cách trình bày để phân biệt được các chương và các kí hiệu chỉ dẫn hoạt động để giúp HS thuận lợi trong quá trình học tập.

“Một bài học cần giải quyết một vấn đề tương đối trọn vẹn nên có thể tổ chức dạy học trong 2 hoặc 3 tiết. Thông tin về nội dung của bài được thể hiện thông qua kênh chữ và kênh hình.

Với sách cho HS tiểu học, đặc biệt là HS lớp 1, kênh chữ với chức năng cung cấp thông tin được trình bày một cách tinh tế thông qua bóng nói - lời thoại hoặc chú thích hình ảnh”. - PGS.TS Nguyễn Tuyết Nga và ThS Phan Thanh Hà lưu ý.

Phác họa mô hình SGK tiểu học môn Tự nhiên và Xã hội sau năm 2015, PGS.TS Nguyễn Tuyết Nga và ThS Phan Thanh Hà cho rằng: Mặc dù chủ yếu dành cho HS học trên lớp dưới sự hướng dẫn trực tiếp của GV, song chức năng hướng dẫn, gợi ý thực hiện các hoạt động học tập được thể hiện rõ nét và cụ thể nhằm giúp HS có thể chủ động và độc lập học tập theo sở thích và năng lực của mình.

Phác họa mô hình SGK tiểu học môn Tự nhiên và Xã hội sau năm 2015, PGS.TS Nguyễn Tuyết Nga và ThS Phan Thanh Hà cho rằng: Mặc dù chủ yếu dành cho HS học trên lớp dưới sự hướng dẫn trực tiếp của GV, song chức năng hướng dẫn, gợi ý thực hiện các hoạt động học tập được thể hiện rõ nét và cụ thể nhằm giúp HS có thể chủ động và độc lập học tập theo sở thích và năng lực của mình.

Đan Thảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ