Các đại biểu dự HN |
Sự tham gia tích cực và sự phối kết hợp đồng bộ
Từ Báo cáo Sơ kết về quá trình thực hiện bồi dưỡng Hiệu trưởng trường phổ thông , có thể thấy rõ một quy trình triển khai bài bản và công phu, từ công tác chuẩn bị đến xây dựng, phê duyệt kế hoạch và triển khai công tác bồi dưỡng hiệu trưởng trên phạm vi toàn quốc.
Kết quả, qua 3 Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, đã có đại diện của 63 lãnh đạo Sở GD-ĐT tham gia và trên 400 giảng viên nguồn cấp quốc gia và cấp tỉnh tham dự; có 60/63 Sở GD-ĐT biên soạn tài liệu địa phương; 60/63 tỉnh thành tổ chức chương trình bồi dưỡng với số lượng là 12.521 hiệu trưởng hoàn thành 94,7% kế hoạch.
Trong năm 2009 đã cử gần 100 lượt giảng viên nguồn cấp quốc gia hỗ trợ cho các địa phương. Học viện đã xây dựng một trang WEB riêng để hỗ trợ trước, trong và sau các lớp bồi dưỡng. Tất cả các tài liệu liên quan như: chương trình, tài liệu do nhóm giảng viên quốc gia biên soạn, tài liệu tham khảo, bài giảng tham khảo của từng chuyên đề, các đoạn video clip, những hình ảnh có nội dung phù hợp của từng chuyên đề…được đưa lên trang wep này nhằm tạo điều kiện cho mọi học viên, mọi giảng viên truy cập và down load dưới bất cứ hình thức nào, trong đó khuyến khích hiệu trưởng các trường phổ thông vào trang web để khai thác thông tin, tự đọc và tìm hiểu trước khi tham gia khóa bồi dưỡng.
Đặc biệt, đã phối hợp với các chuyên gia Singapore và chuyên gia trong nước xây dựng Bộ công cụ tự đánh giá nhà trường và đã đưa lên trang WEB để các hiệu trưởng tự đánh giá hoạt động quản lý. Nhìn chung các địa phương đã thực hiện khá tốt yêu cầu của Bộ GD-ĐT, cụ thể: Xây dựng kế hoạch mở lớp và thực hiện mở lớp theo đúng hướng dẫn; lựa chọn địa điểm và chuẩn bị các điều kiện nói chung đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại và học tập của học viên. Điển hình như Sở GD-ĐT Hải Dương là tỉnh triển khai chương trình bồi dưỡng sớm nhất trong cả nước, tính quyết tâm rất cao, thực hiện việc bồi dưỡng trong tháng 7 và đầu tháng 8 năm 2009 vì cho rằng, đó là thời điểm hợp lý nhất. Bên cạnh việc tích cực chuẩn bị tài liệu, việc chuẩn bị CSVC được đặc biệt chú ý nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các lớp học.
Báo cáo sơ kết cũng chỉ ra những nhược điểm, thiếu sót ở một số địa phương như việc lựa chọn thời gian mở lớp chưa phù hợp, hệ thống văn bản cần thiết phục vụ cho việc mở lớp chưa đầy đủ; số người trực tiếp tham gia Ban tổ chức quản lý lớp học không đảm bảo theo yêu cầu của Bộ, thiếu thành phần cần thiết ở các phòng của Sở như Phòng GDTH, Phòng GD Trung học, học viên còn mất trật tự, làm việc riêng, sử dụng điện thoại di động trong giờ học; Tài liệu GD địa phương có phần còn sơ sài; chưa huy động tốt nguồn kinh phí khác nhau để hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa cho địa phương trong quá trình học tập, bồi dưỡng.
Hướng đến độ phát triển bền vững, lâu dài
Phát biểu với Hội nghị, Giáo sư Lee Sing Kong- Giám đốc học viện Giáo dục Singapore khẳng định vai trò quan trọng của người hiệu trưởng và cho rằng, nếu quên đi mục tiêu là mang đến một nền GD tốt nhất cho con em thì mọi vấn đề trở nên vô nghĩa.
Từ kinh nghiệm của Singapore, năm 2007, 2 bên quyết định triển khai chương trình hợp tác để trang bị cho hiệu trưởng những kiến thức, kỹ năng cần thiết nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất cho nhà trường. Giáo sư Lee Sing Kong đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam trong quá trình triển khai, sự tham gia nhiệt tình của những người được thụ hưởng chương trình, chứng tỏ một niềm tin ở tương lai tươi sáng. Một khi trọng trách đã đè nặng lên vai thì người hiệu trưởng phải làm sao để thực hiện được trọng trách đó, phải hướng đến trang bị cho HS những kiến thức, kỹ năng cần thiết phục vụ đất nước, phục vụ tương lai. Người hiệu trưởng còn phải biết nhanh chóng thích nghi, đáp ứng những thay đổi xung quanh, nếu không sẽ bị tụt hậu.
Nhiều ý kiến thảo luận, đề xuất đã được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển giải thích thỏa đáng ở phần kết luận hội nghị. Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản lý trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua, ngành đã thực hiện nhiều chương trình đổi mới, trong đó có Đổi mới chương trình GD phổ thông mang lại nhiều hiệu quả song vẫn còn không ít những hạn chế, còn nhiều việc phải làm, trong đó có bồi dưỡng CBQL. Người CBQL phải đi trước một bước chứ không thể là rào cản cho sự tiến bộ của GV.
Tất cả các địa phương từ Sở đến trường đều hưởng ứng chương trình, nhờ chương trình tiên tiến mà cụ thể là Singapore tích hợp kinh nghiệm tiên tiến của thế giới và có sự vận dụng sát thực tế Việt Nam. Trong quá trình triển khai có sự phối kết hợp tốt giữa các Sở với các Vụ, Viện của Bộ. Với những ý kiến cho rằng nhiều chương trình dễ có sự chồng chéo, Thứ trưởng giải thích: mỗi chương trình có những mục tiêu khác nhau, không phải là “ cầm tay chỉ việc” mà là trang bị cho cán bộ quản lý về tư duy, cách nghĩ, cách làm, không thể lấy chương trình này thay thế cho chương trình khác.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt chương trình trong năm 2010, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chỉ đạo: Rút kinh nghiệm trong năm qua về cách thức, báo cáo viên, về chỉnh sửa chương trình, tài liệu, cần có sự bổ sung kịp thời để đưa lên mạng. Bộ đồng ý cho mở rộng đối tượng bồi dưỡng đến Phòng GD-ĐT, TTGDTX, các địa phương tùy tình hình thực tế mở rộng, nhưng chỉ chọn nội dung thiết thực để bồi dưỡng. Cần chọn một bộ công cụ chuẩn để dánh giá, tùy mục tiêu để đánh giá. Về giao quyền tự chủ, vẫn áp dụng nghị định 43 và thông tư 07 nhưng thực tế từng địa phương khác nhau, hướng đến giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng nhưng các hiệu trưởng phải đáp ứng được quyền tự chủ đó. Việc tham quan nước bạn ở năm 2010 nên mở rộng tham quan ở nhiều nước khác. Vấn đề đào tạo tư vấn, giám sát cũng phải rút kinh nghiệm, nên chọn đúng đối tượng, chứ không nên theo kiểu cử đi theo kiểu “ giải quyết chính sách” mà về không được việc. Sau chương trình, cũng phải tính đến độ phát triển bền vững, tiếp tục mở rộng đến địa phương. Hiện Bộ đang chỉ đạo học viên viết lại chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng trường phổ thông từ năm 1998 cho phù hợp với hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ cũng hướng tới chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho hiệu trưởng…
N.T.T.H