Hiệu quả và đổi mới

Hiệu quả và đổi mới

(GD&TĐ) - Năm học 2012 – 2013, ngành Giáo dục thường xuyên đã đạt được những thành quả đáng tự hào. Đó là nhờ công tác quản lý, chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT tới địa phương đã có sự đổi mới, sát với tình hình thực tiễn, cùng với sự triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của giáo dục thường xuyên trong toàn ngành Giáo dục. 

Phát triển cả lượng và chất

Thầy giáo mang quân hàm xanh cùng vào cuộc xóa mù chữ
Thầy giáo mang quân hàm xanh cùng vào cuộc xóa mù chữ 
 

Năm học 2012 – 2013, công tác xây dựng xã hội học tập (XHHT) được đẩy mạnh. 30 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”. Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”cũng được một số tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của học tập suốt đời, xây dựng XHHT đã được quan tâm chú trọng nên hiệu quả, nhận thức của xã hội về vai trò của giáo dục thường xuyên (GDTX) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đặc biệt là việc nâng cao dân trí, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và huy động được số lượt người học các chuyên đề tăng cao.

Đây cũng là năm học đánh dấu sự củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở GDTX cả về lượng và chất. Toàn ngành học đã đầu tư xây mới thêm 325 phòng học kiên cố, mua sắm, trang bị thêm nhiều máy tính. Nhiều tỉnh đã kết nối Internet cho các trung tâm GDTX. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học được tăng cường hơn trước. Nhờ vậy, ở nhiều nơi, giáo viên đã sử dụng thành thạo bảng tương tác thông minh vào quá trình dạy học. Một số tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trung tâm GDTX.

Có thể nói, với sự củng cố, phát triển mạnh mẽ mạng lưới cơ sở GDTX nên các trung tâm GDTX cấp huyện đã có chuyển dịch theo hướng hiệu quả khi mỗi huyện có một trung tâm thực hiện 3 nhiệm vụ: GDTX, hướng nghiệp, dạy nghề. Gần 98% số xã có trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) và mở rộng hoạt động kết hợp với trung tâm văn hóa, thể thao.

Số lượng người học các chương trình GDTX tiếp tục được duy trì và tăng hơn so với năm học trước, trong đó có sự chuyển hướng tích cực, rõ nét sang các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn. Sự phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng trong việc đẩy mạnh công tác Chống mù chữ, Phổ cập giáo dục Tiểu học và Xây dựng, phát triển TTHTCĐ ở các vùng biên giới, hải đảo cũng đã đạt được những kết quả đáng trân trọng…

Không chỉ các trung tâm GDTX có sự phát triển cả về lượng và chất, mô hình hoạt động của các TTHTCĐ cũng phát huy hiệu quả. Nhiều TTHTCĐ trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho người dân đến học tập thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Nhiều địa phương đã lồng ghép các chương trình dự án với hoạt động của TTHTCĐ, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Một số trung tâm đã khẳng định được vị trí, vai trò là thiết chế quan trọng trong việc xây dựng XHHT từ cơ sở.

Nhiều biện pháp hiệu quả

Những mốc thời gian đáng nhớ trong năm học 2013 – 2014:

- Tựu trường sớm nhất: 1/8/2013; muộn nhất: 28/8/2013.

- Tổ chức khai giảng vào tuần cuối tháng 8 và tuần đầu tháng 9 (có thể khai giảng sau khi tựu trường).

- Kết thúc học kỳ II (hoàn thành kế hoạch giảng dạy và học tập): Trước 25/5/2014.

- Kết thúc năm học: Trước 31/5/2014.

- Thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT: 2 - 4/1/2014.

- Công bố môn thi tốt nghiệp THPT năm học 2013 - 2014: 28/3/2014.

- Thi tốt nghiệp THPT năm học 2013 - 2014: 2 - 4/6/2014.

- Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS: Trước 15/6/2014.

- Hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2014 – 2015: Trước 31/7/2014.

- Thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vào 3 đợt: Đợt I: 4 - 5/7/2014; đợt II: 9 - 10/7/2014; đợt III: 15 - 16/7/2014.

Để nâng cao GDTX, các cấp quản lý giáo dục đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp.

Trước hết, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên các cơ sở GDTX đã được quan tâm thích đáng. Đội ngũ cán bộ quản lý được bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Dự án phát triển giáo viên THPT và TCCN tổ chức các đợt tập huấn cho GV ngành GDTX.

Giáo viên cốt cán các địa phương cũng được tham gia tập huấn nhiều nội dung quan trọng để bổ trợ, ứng dụng trong dạy học. Cùng đó, các địa phương cũng tích cực triển khai các lớp tập huấn GV theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và chủ động bồi dưỡng, ứng dụng CNTT trong quản lý dạy học; bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, chính trị; các lớp tập huấn về dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình GDTX cấp THPT, đổi mới cách ra đề kiểm tra, đánh giá; tập huấn bồi dưỡng về phương pháp dạy học cho người lớn…

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, như kiểm tra điều kiện tổ chức dạy học, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc trong các cơ sở GDTX.

Đặc biệt, việc biên soạn tài liệu phục vụ dạy học đã đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân và yêu cầu nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Các địa phương đã chủ động tổ chức điều tra nhu cầu học tập của người dân, xây dựng kế hoạch hoạt động cho các TTHTCĐ sát với điều kiện thực tiễn của địa phương mình.

Ngoài ra, nhiều địa phương đã tăng cường sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho giám đốc TTGDTX về nề nếp kỉ cương, chất lượng dạy học của đơn vị; thực hiện nghiêm túc “3 công khai”, đảm bảo thông tin 2 chiều giữa các cấp quản lý và cơ sở giáo dục…

Bên cạnh những thành quả to lớn, năm học 2012 – 2013, ngành GDTX vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, hạn chế. Điều đó đòi hỏi toàn ngành Giáo dục nói chung, GDTX nói riêng tiếp tục nỗ lực, có nhiều giải pháp đột phá, hiệu quả trong năm học mới.

Năm học 2012 – 2013, GDTX cả nước huy động được:

23.844 người học chương trình XMC (tăng 3.934 người); 21.899 người học chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (tăng 5977 người);

46.903 học viên học chương trình bổ túc THCS (giảm 7.328 học viên); 216.416 học viên học chương trình bổ túc THPT (giảm 19.871 học viên);

186.955 người học chương trình tin học cấp chứng chỉ A, B (giảm 15.610 người);

534.818 người học chương trình đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ ngoại ngữ (tăng 253.526 người);

13.598.416 lượt người tham gia học tập tại các TTHTCĐ (tăng 1.605.684 lượt người);

343.743 người học chương trình dạy nghề ngắn hạn (tăng 10.576 người).

Sông La

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ