(GD&TĐ) - Nhiều giáo viên chủ quan cho rằng, chỉ cần dốc tất cả sự nhiệt tình để truyền thụ kiến thức trong một tiết dạy, như thế là thành công. Thật ra, nghề dạy học là một trong những nghề công phu nhất. Một giờ dạy trên lớp có cho hiệu quả hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà chỉ khi nào, thầy chuẩn bị tốt ở vai trò chủ đạo, trò học tập trong tâm thế chủ động thì mới gọi là thành công...
Tâm thế của người thầy giáo
Kinh nghiệm qua những lần đi dự giờ các giáo viên cho thấy, yếu tố đầu tiên đem đến thành công cho một giờ dạy trên lớp là tâm thế thoải mái, sự tự tin của người thầy giáo khi bước vào lớp học. Một là do chính thầy giáo chuẩn bị bài kỹ càng nên học sinh dễ tiếp thu bài; hai là chính sự tự tin của người thầy làm không khí lớp học thêm phấn chấn .
GV phải tạo tâm thế vui tươi, thoải mái cho học sinh ( trong ảnh: HS THCS ở Thừa Thiên Huế) |
Một nữ giáo viên ở trường trung học phổ thông nọ kể lại: Có lần đã vào thời điểm gần kết thúc năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đột xuất thông báo xuống trường về việc đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đi thực tế, kiểm tra tình hình thực hiện chương trình ở cơ sở. Cả Ban giám hiệu và giáo viên đều lo lắng, vì không kịp chuẩn bị trước để đối phó như mỗi khi có thanh, kiểm tra, nề nếp cuối năm có phần trễ nải. Cuối cùng thì đoàn thanh tra vào dự đột xuất một tiết dạy lịch sử lớp 11 của đúng nữ GV nọ. Cô cho biết : “ Thú thật là lúc đó em vô cùng lo sợ, vì từ nhiều năm em chỉ chuyên dạy lịch sử lớp 10; nhưng vì sĩ diện của bản thân, của trường, em lấy hết can đảm bước vào lớp, trên môi nở một nụ cười thân thiện với tất cả. Học sinh nhìn cô giáo mới cũng với vẻ thân thiện và chờ đợi. Thế là em bình tĩnh tập trung tất vào bài giảng, cố nhớ những gì cần phải nhớ. Tuy tiết dạy hôm ấy không thật xuất sắc như mọi tiết khác, nhưng cũng diễn ra trôi chảy từ đầu đến cuối.”
Sự chi phối của tâm thế người thầy đối với hiệu quả lên lớp như vậy, nhưng khi chuẩn bị một giáo án lên lớp, người thầy đã không lường trước những tình huống sẽ xảy ra. Tại sao có hiện tượng một học sinh khi kiểm tra bài cũ ở môn học này luôn đủ điểm, còn ở môn học khác lại rất hay bị điểm yếu, kém? Hãy xem lại thái độ của người thầy giáo khi gọi em lên bảng để kiểm tra. Chính vì thế, có giáo viên đã dùng “ thủ thuật” tạo tâm thế trước khi kiểm tra bài cũ bằng cách khi vào lớp, khen một bình hoa tươi cắm khéo, hỏi han, trò chuyện một cách tự nhiên với học sinh. Tâm thế của người thầy giáo còn rất cần trong khi giới thiệu chuyển tiếp từ bài cũ sang bài mớí, làm cho lời giới thiệu bài mạch lạc, trôi chảy hơn.
Cải tiến khâu kiểm tra bài cũ
Khái niệm “cũ” và “ mới” ở phạm trù kiến thức không những không khác biệt nhau như xem xét hình thức của một vật thể, mà nó còn dung hoà trong một hệ thống. Trong một bộ môn, kiến thức mới là sự tiếp nối của kiến thức được gọi là “ cũ”. Hiểu được vấn đề này, người thầy giáo không thể xem nhẹ khâu kiểm tra bài cũ. Khi học sinh nắm chắc bài cũ tức là người thầy đã thành công 50%.
Phát huy tính tích cực học tập từ cấp học nền tảng ( trong ảnh: HS lớp 1 vùng dân tộc Khánh Hòa) |
Muốn học sinh nắm vững bài cũ, có mấy thao tác giáo viên cần lưu ý: Chuẩn bị kỹ các câu hỏi ở phần củng cố lại bài học; Cho học sinh chuẩn bị bài ở nhà theo hệ thống câu hỏi đó; Chọn câu hỏi kiểm tra bài phù hợp với từng đối tượng; Mức độ kiểm tra ở mỗi lần tăng dần từ dễ đến khó với mỗi học sinh để các em có cơ hội tiến bộ. Không vội trách phạt, nhục mạ một học sinh không thuộc bài khi chưa hiểu rõ nguyên nhân. Tất nhiên không phải giáo viên nào cũng làm được như vậy. Nhưng nếu kiên trì và tính toán một cách khoa học từng thao tác như trên, nhất định sẽ thành công.
Trong thực tế, giáo viên rất hay kêu ca học sinh lười học, hay là chậm tiếp thu bài. Nhưng bản thân giáo viên thì chưa chắc đã chu đáo khi soạn thảo bước kiểm tra bài cũ trong giáo án lên lớp của mình, có khi chỉ là soạn đối phó cho đủ 5 bước lên lớp mà thôi. Hệ thống câu hỏi kiểm tra bài cũ cũng phải đảm bảo tính tối ưu như hệ thống câu hỏi dẫn đắt tìm hiểu bài mới: Tính bao quát, tính trọng tâm, tính vừa sức.
Ngoài ra cũng cần phải chú ý các hình thức kiểm tra, không nhất thiết khi kiểm tra miệng cứ phải gọi học sinh lên phía trên bục giảng để đọc thuộc làu lý thuyết, mà có thể để học sinh đứng ở bên dưới trình bày bài hoặc chiếu lên bảng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm, bản đồ tư duy cho học sinh phát hiện nhanh. Trong vòng 10 phút kiểm tra bài cũ, vẫn có thể huy động được nhiều học sinh tham gia chứ không chỉ kiểm tra 1, 2 em. Chuẩn bị kỹ lưỡng khâu kiểm tra bài cũ như vậy, học sinh không bị cho điểm oan; không hao phí thời giờ cho sự khiển trách; kiến thức được củng cố vững chắc, nhanh tiếp thu bài mới...
Thay đổi “khẩu vị” trong khi giảng bài
Người thầy giáo có thể say mê giảng bài suốt gần cả tiếng đồng hồ của một tiết học mà không có cảm giác mệt mỏi. Nhưng với một học sinh, việc ngồi im để nghe thầy giảng bài suốt gần cả tiếng không phải là điều dễ dàng. Hiện tượng uể oải, ngáp vặt, ngủ gục, nói chuyện riêng trong lớp diễn ra khá phổ biến. Những giáo viên thiếu kinh nghiệm khi bắt gặp những hiện tượng như vậy thường hay nổi nóng, và buộc học sinh phải ngồi nghe một cách nghiêm túc mà không biết làm như vậy không những không mang lại hiệu quả gì mà còn gây thêm sự căng thẳng trong lớp học.
Để một tiết học diễn ra nhẹ nhàng, sinh động, giáo viên cần lưu ý những điểm sau đây: Lường trước đối tượng học sinh thiếu tập trung do tác động của hoàn cảnh khách quan (có chuyện không hay trong gia đình, sức khoẻ kém, cơ thể mệt mỏi) để có cách giảng bài thích hợp; Không rập khuôn theo một trình tự mà học sinh đã quá quen thuộc; Linh hoạt thay đổi khẩu khí, thay đổi cách thức hỏi, giảng giải đối với học sinh; Không tiếp tục giảng giải khi học sinh ở dưới lớp ồn ào... mà có thể bất ngờ gọi một học sinh kiểm tra lại kiến thức mà giáo viên vừa truyền đạt.
Có một vị phụ huynh than phiền về đứa con trai học lớp 11 không phải là đứa con hư hỏng không biết vâng lời cha mẹ, nhưng lại bỏ rất nhiều giờ học Toán. Tiếp cận, gần gũi em học sinh này một thời gian, chúng tôi mới biết em bị mất căn bản sau kỳ nghỉ ốm một tuần lễ vào năm học lớp 10, từ đó, mỗi khi vào tiết Toán lại có trạng thái lo lắng, thiếu tự tin vào bản thân mình. Nhưng thầy giáo dạy Toán ở lớp 11 đã không hiểu được tâm trạng đó của em và còn rất hay gọi em lên để kiểm tra bài cũ và sỉ mắng trước mặt bạn bè.
Tóm lại, để một tiết dạy thật sự thành công, đem lại hứng thú cho học sinh, trong một người thầy phải hội đủ cả 3 yếu tố: Nhà sư phạm, nhà khoa học và người nghệ sĩ. Sự hỗ trợ của công nghệ thông tin với những phần mềm và thiết bị nghe nhìn hiện đại là điều kiện vô cùng thuận lợi để các giáo viên có thể cải tiến lối dạy truyền thống, tạo nên những tiết dạy mới mẻ, sinh động, hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học chỉ vì chán học.
Uyên Phương