(GD&TĐ) - Thời điểm này, nhiều địa phương trong cả nước đã chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. Chưa có tổng kết chính thức toàn quốc song kỳ thi năm nay cho thấy sự nghiêm túc trong các khâu từ ôn tập, phụ đạo, thắt chặt qui chế trường thi… đã tạo nên con số sát thực của việc học thật, thi thật, được dư luận đánh giá cao. Đặc biệt, nhiều điểm thi tuyệt đối xuất hiện ở các môn vốn xưa nay thí sinh có tâm lý ngại học.
Thí sinh tự tin về kết quả thi tốt nghiệp THPT của mình. Ảnh: gdtd.vn |
Năm nay tỉ lệ đỗ ở một số tỉnh, thành giảm nhẹ so với năm trước song điều khiến dư luận quan tâm chính là điểm thi.
Môn Văn, môn học xưa nay để có điểm tuyệt đối vốn rất khó với học sinh vậy mà năm nay, nhiều em đã giành điểm tuyệt đối. Đấy là chưa kể rất nhiều HS đạt 9,5 điểm. Những điểm 10 không chỉ thuyết phục bởi kiến thức, kỹ năng làm bài mà chính bởi tình cảm chân thành được gửi gắm vào từng lời văn, bởi tính nhân văn đã được thẩm thấu rồi chắt lọc ra từ tâm hồn thí sinh.
Số trường có tỉ lệ 100% thí sinh đỗ tốt nghiệp cũng là con số ấn tượng trong kỳ thi năm nay: Cà Mau có 17/30 trường, Vĩnh Long có 13 trường…
Kết quả thi của Hệ GDTX năm nay ở một số tỉnh miền núi giảm nhưng một số nơi lại có những con số hết sức ấn tượng. Hòa Bình có 8 trường THPT và 4 TT GDTX đạt tỉ lệ 100% đỗ tốt nghiệp. Đây cũng là tỉnh có thí sinh GDTX đỗ 51,5 điểm.
Có thể thấy, những con số ấn tượng mà kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay mang lại đã khẳng định vai trò quản lý, chỉ đạo thống nhất từ cách làm của Bộ GD&ĐT đến tận địa phương, đến tận các trường học. Các nhà trường ngay từ đầu năm học đã chủ động cho HS học và ôn thi các môn học cơ bản.
Tại các tỉnh vùng khó như: Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Kon Tum ngay từ đầu năm các trường đã tổ chức kiểm tra phân loại HS, đồng thời giao cho GV giỏi 7 môn học cơ bản như: Văn, Toán, Ngoại ngữ, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý trực tiếp phụ trách lớp và tổ chức chủ động dạy học, phụ đạo, ôn thi cho HS. Đối với hệ GDTX, các trung tâm cũng chủ động cho HS vừa học, vừa ôn tập các môn học cơ bản.
Việc tiếp tục giao quyền tự chủ cho các địa phương và tổ chức thi ghép HS THPT và học viên GDTX nhưng có phòng thi riêng là thành công của Bộ GD&ĐT được khẳng định rõ nét trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Đây cũng là năm mà ngành GD tiếp tục tăng cường các biện pháp để chống tiêu cực trong thi cử, thắt chặt kỷ cương trường thi, đúng với mục tiêu “học thật, thi thật”.
Chính vì vậy, qui chế Bộ GD&ĐT bổ sung nhiều nội dung mới như “cho phép thí sinh mang các vật dụng gắn linh kiện điện, điện tử vào phòng thi”, nhằm “tăng cường các biện pháp chống tiêu cực trong tổ chức thi, góp phần làm trong sạch, lành mạnh hóa thi cử”, đồng thời đưa ra biện pháp xử lý nghiêm vi phạm.
Các địa phương tự khắc phục khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để thí sinh dự thi tốt nghiệp trong tâm trạng thoải mái nhất, không phải lo chuyện đi lại khó khăn, hay thiếu nơi ăn, chốn ở. Đơn cử 287 HS tại đảo Phú Quý (Bình Thuận) được di chuyển vào đất liền để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tịnh Xá Ngọc Quảng (TP Quảng Ngãi), trong 3 ngày từ 2 - 4/6, đã vận động nhiều nguồn lực xã hội, nhà hảo tâm phát miễn phí 1.020 bữa trưa cho thí sinh thuộc Hội đồng thi trường THPT Trà Bồng (huyện Trà Bồng). Bữa cơm từ thiện đã làm ấm lòng sĩ tử nghèo.
Xét ở góc độ chuyên môn, dư luận đánh giá đề thi các môn thi có nội dung chính xác, khoa học, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu nằm trong chương trình sách giáo khoa lớp 12. Thí sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản sẽ đạt điểm khá, giỏi.
Sự nỗ lực của toàn ngành, cộng với sự đồng hành của toàn xã hội đã làm nên kỳ thi với những con số ấn tượng.
Vũ Kiệt