Hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước tại các trường THPT

Việc đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước dành cho các trường THPT trong giai đoạn hiện nay có vai trò quan trọng trong quan lý, điều hành ngân sách nhà nước.

Hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước tại các trường THPT

Chủ trương quản lý ngân sách của Đảng và Nhà nước với GD&ĐT

GD&ĐT ngày nay có tầm quan trọng hơn bao giờ hết. Sự phát triển GD&ĐT có ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực trong xã hội, đặc biệt là việc phát triển kinh tế. 

Nhằm phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, Đảng và Nhà nước ta coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu. 

Xuất phát từ chủ trương, chính sách trên mà Nhà nước ta dần có sự thay đổi về phương thức quản lý, đặc biệt là quản lý tài chính đối với sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT. 

Bước ngoặt đầu tiên là Nghị định 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ, đơn vị sự nghiệp có thu được trao quyền tự chủ về tài chính giúp tháo gỡ cho đơn vị những khó khăn vướng mắc trong điều hành ngân sách, tự chủ trong chi tiêu từ đó hạn chế những tiêu cực lãng phí, làm tăng thu, tiết kiệm chi nâng cao thu nhập cho cán bộ, nhân viên làm việc trong lĩnh vực giáo dục. 

Tiếp đó là Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ thay thế cho Nghị định 10/2002/ NĐ - CP theo đó đơn vị sự nghiệp công lập không những được giao quyền tự chủ tài chính mà còn được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế. 

Cơ chế quản lý tài chính đối với đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động trong lĩnh vực GD - ĐT là một bước cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của các đơn vị sự nghiệp.

Trình độ bộ máy kế toán tại các trường THPT

Mỗi đơn vị sự nghiệp là một chủ thể tài chính độc lập. Để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh, đơn vị phải tổ chức thực hiện công tác kế toán. 

Kế toán là việc thu thập, xử lý, cung cấp phân tích thông tin về hoạt động kinh tế tài chính diễn ra trong đơn vị. Một cơ chế quản lý tài chính hiệu quả hay kém hiệu quả sẽ được phản ánh trung thực nhất qua những kết quả, số liệu của công tác kế toán, thống kê. 

Các đơn vị sự nghiệp có sử dụng NSNN hiện nay đang hạch toán kế toán theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC về việc ban hành chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Cơ chế quản lý tài chính và tổ chức công tác kế toán có tác động qua lại lẫn nhau. 

Từ kết quả của công việc kế toán, thủ trưởng đơn vị và các cán bộ quản lý có liên quan có thể rút ra những kinh nghiệm, bài học để quản lý tài chính ngày càng tốt hơn. Ngược lại việc quản lý tài chính tốt hay chưa tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc phản ánh thông tin trên báo cáo kế toán.

Hệ thống kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng tài chính ở các trường THPT

Thanh tra tài chính, kiểm tra tài chính, kiểm toán, kiểm soát nội bộ, thuế… Với bất kỳ cơ chế quản lý nào đều phải được giám sát thực hiện bởi một hệ thống kiểm tra, kiểm soát. 

Đây có thể là công tác kiểm tra nội bộ trong đơn vị hay là sự giám sát của các cơ quan khác ngoài đơn vị như cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán… 

Việc kiểm tra giám sát luôn luôn cần thiết và ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế quản lý tài chính. Bởi trong quá trình điều hành ngân sách, thực thi các nhiệm vụ của mình, đơn vị có thể vấp phải những sai sót. 

Việc kiểm tra, kiểm soát sẽ tìm ra những thiếu sót trong cơ chế quản lý tài chính từ đó kịp thời đưa ra biện pháp khắc phục. Đặc biệt là khi có người cố tỉnh lợi dụng kẽ hở của quản lý tài chính để tham ô, tham nhũng. Khi đó, việc kiểm tra, kiểm soát sẽ vấp phải những khó khăn song nó sẽ giúp cơ chế quản lý tài chính ngày càng hoàn thiện hơn.

Trình độ cán bộ quản lý của các trường THPT

Có thể nói con người là trung tâm của mọi hoạt động trong xã hội. Cơ chế quản lý tài chính sẽ khuyến khích hay hạn chế sự phát triển của đơn vị sự nghiệp tuỳ thuộc vào năng lực trình độ của người vận dụng nó. 

Trước hết, ở tầm vĩ mô, những nhà hoạch định chính sách, những nhà xây dựng luật pháp phải có sự hiểu biết, kiến thức chuyên sâu đầy đủ. 

Để đạt được điều đó phải trải qua một quá trình thực tế để rồi được con người nhận thức và điều chỉnh cho phù hợp. Đối với đơn vị là nơi được trực tiếp sử dụng nguồn tài chính thì yếu tố con người lại càng đặt ra một yêu cầu cấp thiết. 

Người sử dụng ngân sách từ lãnh đạo cho đến cán bộ quản lý cần thiết phải có trình độ, chuyên môn để quản lý tài chính một cách chặt chẽ, đảm bảo đúng pháp luật và phát huy tối đa hiệu quả của nguồn tài chính

Theo Phòng KHTC-CSVC Sở GD&ĐT Quảng Trị

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ