Hiệu quả đến từ nhiều phía

GD&TĐ - Mỗi khi nói đến kết quả học tiếng Anh ở một lớp học cụ thể, người ta thường đặt lên vai các thầy cô trách nhiệm rất lớn, mặc dù trong thời đại ngày nay, phương tiện công nghệ số đang giúp cho HS có nhiều điều kiện thuận lợi để tự học, đặc biệt là với môn tiếng Anh, việc học qua mạng Internet (học trực tuyến) đang thay đổi khá nhiều phương pháp học tập, tự học của HS, đặc biệt là với môn tiếng Anh.

Hiệu quả đến từ nhiều phía

Trách nhiệm còn đè nặng lên vai của giáo viên

Học sinh hiện nay được tiếp xúc với nhiều tài liệu học tiếng Anh rất phong phú, đa dạng qua Internet, như lên Youtube, vào những trang web học tiếng Anh miễn phí… rất nhiều trên mạng. Các HS hoàn toàn có thể tự trau dồi những kiến thức tiếng Anh cho bản thân.

Thời điểm hiện nay, GV không đơn thuần là một GV dạy học nữa mà còn trở thành một người hướng dẫn, dẫn dắt HS học tiếng Anh bằng những phương pháp phù hợp. Một lớp học dù có 30 hay 40 HS nhưng có những phương pháp khác nhau, những dạng bài tập khác nhau phù hợp trình độ của từng nhóm HS khác nhau trong lớp, trong khi bản thân GV biết các xử lý việc dạy theo trình độ hợp lý thì họ cũng sẽ biết sử dụng phương pháp gì là hiệu quả.

Có rất nhiều phương pháp giảng dạy và học tập tiếng Anh hiện đại như: Dạy và học theo dự án, hay học để giải quyết vấn đề, hoặc học theo mô hình lớp học đảo ngược… Chẳng hạn với việc học tiếng Anh theo mô hình lớp học đảo ngược thì trong mỗi lớp học HS sẽ tự tìm hiểu kiến thức và thông tin liên quan đến bài học tiếp theo từ ở nhà, khi tới tiết học thì lớp học trở thành môi trường để HS thảo luận, trao đổi thông tin đã tìm hiểu với các bạn trong lớp và với GV.

Chúng ta đã nói đến việc GV và HS đang mất đi những tương tác cần thiết để đem lại hiệu quả cao nhất cho mỗi tiết học, thì chính mô hình lớp học đảo ngược như vậy thì đó chính là những tương tác thực sự giữa GV với HS, giữa HS với HS. Đó là một cách để GV truyền đạt kiến thức hiệu quả và HS hào hứng tiếp thu kiến thức.

Thực tế để việc giảng dạy hiệu qủa thì bản thân GV dạy tiếng phải có mong muốn mình có những giờ dạy tiếng Anh tốt, mong muốn có những tiết học tốt, có mong muốn HS của mình sẽ đạt được một mục tiêu, một trình độ tiếng Anh nhất định, sau một thời gian, một năm học học tiếng Anh thì HS phải đạt được một kết quả cụ thể nào đó. Có như vậy thì người GV mới có tâm huyết để đầu tư vào từng bài giảng, GV mới có động lực để tự cải thiện mình.

Còn nếu như bản thân không đặt ra những mục tiêu giảng dạy cụ thể và rõ ràng, mà chỉ cuốn theo các vấn đề khác, rồi chỉ dạy cho “hết giờ”, cho “xong việc”, thời gian rảnh còn đi dạy thêm, mở lớp dạy ngoài trường thì hiệu quả của việc dạy học trên lớp khó mà tốt được.

Nhận thức của cha mẹ rất quang trọng với học tiếng Anh của học sinh

    Chia sẻ của nhiều chuyên gia tiếng Anh thì HS học tiếng Anh không nên chỉ chú trọng theo phương pháp học truyền thống, không nên chỉ chăm chăm vào việc học ngữ pháp. Tiếng Anh cần thiết hiện nay là tiếng Anh sử dụng trong giao tiếp, tiếng Anh ở trong môi trường học tập cũng phải được dùng như một ngôn ngữ thứ hai, dùng tiếng Anh như công cụ để HS thành công hơn trong học tập và xa hơn là thành công hơn trong công việc tương lai.

Theo quan sát và đánh giá của bà Nguyễn Thị An Quyên (Giám đốc IvyPrep Education), có thể chia phụ huynh ra thành nhiều nhóm có mong muốn, mục đích khác nhau khi đầu tư cho con học tiếng Anh.

Thứ nhất, những gia đình có điều kiện kinh tế tôi thấy họ đầu tư cho con học tiếng Anh để tiếng Anh trở thành một công cụ phục vụ cho cuộc sống trong tương lai của trẻ, chứ cũng không chỉ vì mục đích cho con đi du học.

Một số phụ huynh đã sớm nhận thức rằng trong tương lai tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ phổ biến được mọi người sử dụng để giao tiếp, vì thế họ cho rằng cần trang bị công cụ này cho con họ, họ coi đó là một kỹ năng không thể thiếu với con họ trong cuộc sống tương lai. Tôi cho rằng đó là những phụ huynh rất cấp tiến.

Thứ hai, những gia đình có tâm lý và quan điểm khá phổ biến, đó là những phụ huynh cho con học tiếng Anh theo phong trào, do áp lực xã hội, thấy bạn bè, người thân xung quanh cho con học tiếng Anh, hay con người khác học tốt tiếng Anh mà con mình chưa được như thế, số phụ huynh này đầu tư cho con học tiếng Anh để con mình cũng được như con người ta.

Đây là một dạng của hội chứng Fomo, thấy con người ta học mà con mình không học thì sợ nằm ngoài trào lưu xã hội. Cho con học như vậy thực chất do áp lực xã hội, chứ chưa chắc đã là vì phụ huynh thấy con mình thật sự có nhu cầu học.

Thứ ba, có những gia đình cho con học tiếng Anh vì chính mong muốn của đứa trẻ. Tôi chứng kiến có rất nhiều gia đình cho con học tiếng Anh vì phần lớn là chính các con thích học, nhưng không thích học tiếng Anh theo cách học thông thường ở trường học, trong giờ chính khóa, cũng không phải là học tiếng Anh để giao tiếp thông thường, mà các con có nhu cầu học tiếng Anh để tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ giao tiếp thứ hai, các con cũng có nhu cầu có môi trường để dùng tiếng Anh.

Qua sự yêu thích tiếng Anh rất tự nhiên của con, có nhu cầu được học tiếng Anh thật sự, một bộ phận phụ huynh cũng đã sẵn sàng đầu tư cho con.

“Với phụ huynh thì hãy trở thành những phụ huynh thông thái. Phụ huynh không chỉ lo bỏ tiền ra cho con đi học tiếng Anh, mà phụ huynh cần phải biết tạo ra môi trường tự học tiếng Anh cho con.

Phụ huynh cũng cần cùng HS chọn lựa những phương pháp học tập phù hợp, để đồng hành cùng HS trong suốt quá trình HS học tiếng Anh. Vì ít nhất một HS phải theo học tiếng Anh 9 năm ở bậc phổ thông, HS cần được sự đồng hành của phụ huynh suốt quá trình học tiếng Anh từ bậc Tiểu học đến hết THPT” - Bà Nguyễn Thị An Quyên đưa ra lời khuyên với các bậc phụ huynh.

Cũng theo bà Nguyễn Thị An Quyên cho hay, trong cuộc thi tiếng Anh thu hút hàng vạn HS tiểu học và THCS được chúng tôi phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức và khảo sát, triết lý “giáo dục khai phóng” được đưa vào.

“Theo tôi đây là một điểm thú vị của một cuộc thi tiếng Anh tổ chức trên phạm vi toàn quốc như vậy. Để có HS học tập theo triết lý giáo dục khai phóng trước hết phải cần đến người thầy có tư tưởng giáo dục khai phóng. Chỉ cần có người thầy luôn luôn muốn học hỏi, luôn luôn muốn trau dồi nâng cao năng lực giảng dạy và trình độ của mình thì sẽ có những HS học tốt, không chỉ môn tiếng Anh.

Trên thực tế, trung tâm của hoạt động giáo dục trong một lớp học là HS, song để khiến HS thích học và học có hiệu quả thì bản thân giáo viên phải thật sự muốn phấn đấu, đổi mới và tiến bộ thì mới truyền đạt được tới HS phương pháp học tập đúng đắn, truyền cảm hứng học tập cho HS. HS là sản phẩm của các thầy cô giáo trong một lớp học, một trường học, bởi thế nếu người tạo ra sản phẩm chưa “tốt” thì làm sao có thể làm ra sản phẩm tốt, đào tạo ra HS “tốt” (học tốt)", bà Nguyễn Thị An Quyên nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.