Tuy nhiên, đây còn là vấn đề mới với nhiều trường học, giáo viên. Việc hiểu đúng, đủ, sâu để triển khai hiệu quả giáo dục STEM là quan trọng, cần thiết.
5 hiểu lầm thường gặp
Theo cô Phạm Yến - điều phối chương trình STEM, Trường PT liên cấp Phenikaa (Hà Nội) hiện có 5 hiểu lầm thường gặp về giáo dục STEM, gồm: Giáo dục STEM chỉ dành cho học sinh giỏi toán và khoa học; giáo dục STEM là lập trình và robot; giáo dục STEM vô cùng đắt đỏ; các lĩnh vực STEM do nam giới thống trị và hạn chế phụ nữ và dân tộc thiểu số; giáo dục STEM không dành cho trẻ nhỏ.
“Trọng tâm của nhiều dự án STEM thường chỉ tập trung vào sản phẩm mà học sinh tạo ra (robot, chương trình máy tính hay thí nghiệm khoa học...). Dù những sản phẩm này ấn tượng và có thể thể hiện khả năng STEM của học sinh, nhưng chúng không phản ánh toàn bộ những gì phương pháp này cung cấp. Về cốt lõi, giáo dục STEM là cách tư duy, tiếp cận giải quyết vấn đề, khuyến khích học sinh tò mò, đổi mới và thích nghi”, cô Phạm Yến chia sẻ.
TS Nguyễn Thị Thu Trang - Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Giáo dục STEM, Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh cho biết: Trên thế giới có nhiều cách định nghĩa khác nhau về giáo dục STEM, nhưng cơ bản đồng thuận là phương thức giáo dục sử dụng nhiều hơn hai thành tố thuộc lĩnh vực STEM (S, T, E, M) để giải quyết vấn đề thực tiễn một cách sáng tạo.
Ở Việt Nam, định nghĩa giáo dục STEM được đưa vào chương trình tổng thể, Chương trình GDPT 2018 như sau: Giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể.
Đưa một số lưu ý khi triển khai giáo dục STEM, TS Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng: Các hoạt động giáo dục STEM cần đặt ra được vấn đề để học sinh phải vận dụng tích hợp ít nhất 2 trong 4 lĩnh vực: Khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học để giải quyết.
Hoạt động giáo dục STEM ở Việt Nam có thể triển khai theo 3 hình thức: Bài học STEM, hoạt động trải nghiệm STEM, làm quen với nghiên cứu khoa học kỹ thuật với cấp tiểu học (theo Công văn 909 ngày 3/8/2023 của Bộ GD&ĐT); dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM, nghiên cứu khoa học kỹ thuật đối với trung học (theo Công văn 3089 ngày 14/8/2020 của Bộ GD&ĐT). Như vậy, hoạt động giáo dục STEM có thể triển khai linh hoạt về địa điểm, thời gian, mức độ tùy vào hình thức.
Đối với hình thức bài học STEM, thông qua nhiệm vụ là giải quyết một vấn đề, thường là thiết kế, chế tạo sản phẩm cụ thể đáp ứng tiêu chí gắn với yêu cầu cần đạt của môn học chủ đạo. Qua bài học STEM, học sinh vẫn thu nhận được kiến thức cần có của bài học một cách tự nhiên với tinh thần hào hứng.
Các hoạt động học cần được thiết kế sao cho học sinh có thể tự chiếm lĩnh kiến thức cần thiết để đề xuất ý tưởng, lựa chọn giải pháp cho sản phẩm của nhóm. Học sinh cần hiểu rõ kiến thức để giải thích được nguyên lý hoạt động của sản phẩm, hay các điều kiện cần thiết của quy trình chế tạo sản phẩm, giải thích được vì sao sản phẩm của nhóm chưa hoạt động.
“Việc vận dụng kiến thức để trả lời được câu hỏi liên quan đến sản phẩm hoạt động hay chưa, hiệu quả cao hay thấp quan trọng hơn việc đầu tư làm sản phẩm hoành tráng, trang trí đẹp mà không nắm được vấn đề cốt lõi. Học sinh không kịp hoàn thành sản phẩm, hoặc sản phẩm chưa đáp ứng cũng là cơ hội để các em rà soát lại quy trình, thao tác của nhóm và cá nhân để tự điều chỉnh trong tương lai”, TS Nguyễn Thị Thu Trang lưu ý.
Học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam thử nghiệm sản phẩm ngôi nhà thông minh. Ảnh: GVCC |
Giáo dục STEM không nhất thiết phải tốn kém
Có ý kiến cho rằng, dạy học STEM tốn kém chi phí vì phải mua sắm trang thiết bị hiện đại. TS Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh, đây là vấn đề nhiều giáo viên, nhà trường hiểu sai. Thiết bị, máy móc có vai trò trong triển khai hoạt động giáo dục STEM, nhưng chỉ là phương tiện để học sinh có thêm cơ hội thực hành, khám phá ở một số chủ đề. Tùy điều kiện thực tiễn, thầy cô vẫn có thể triển khai hiệu quả nhiều bài học, hoạt động trải nghiệm STEM bằng cách sử dụng vật liệu tái chế, ít tốn kém hoặc các bộ KIT được thiết kế với giá thành không cao.
Nhà trường cần lưu ý sử dụng thiết bị, công nghệ sẵn có, dễ tiếp cận với chi phí tối thiểu, tận dụng tối đa thiết bị thuộc danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, giáo viên cần được hướng dẫn, khuyến khích sử dụng các nguồn tài nguyên số bổ trợ, thí nghiệm ảo, mô phỏng, phần mềm, có thể dễ dàng truy cập sử dụng trong và ngoài lớp học.
Đây cũng là cơ sở giúp học sinh chủ động tiếp cận học liệu số, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc học, góp phần phát triển năng lực tin học - một trong những năng lực đặc thù theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
“Ngoài trang thiết bị, không gian để tiến hành hoạt động giáo dục STEM cũng có thể lựa chọn linh hoạt. Với trường có điều kiện, phòng học STEM là phòng học bộ môn Khoa học công nghệ hoặc các “không gian sáng chế”. Phòng học STEM có thể phân chia thành các khu vực thiết kế, thí nghiệm, chế tạo, thử nghiệm. Với các trường chưa có không gian riêng cho hoạt động STEM, có thể tận dụng không gian sẵn có trong nhà trường như lớp học, sân trường, phòng bộ môn, thư viện...”, TS Nguyễn Thị Thu Trang cho hay.
Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Trưởng khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục STEM, Trường ĐHSP Hà Nội 2 nhấn mạnh thêm yêu cầu nhân lực và cho rằng “nút thắt lớn hiện nay là nguồn nhân lực cho giáo dục STEM”.
Thực tế đang không có giáo viên dạy STEM trong trường học mà chỉ có giáo viên đơn môn. Vì vậy, trình độ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu khi triển khai giáo dục STEM. Đa số cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tốt nghiệp sư phạm chưa được tiếp cận về giáo dục STEM, chủ yếu tập trung giảng dạy các môn về khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội, ít quan tâm đến các lĩnh vực như công nghệ, kỹ thuật…
Vì vậy, để thực hiện giáo dục STEM, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên phải được đào tạo, bồi dưỡng về giáo dục STEM. Trước mắt, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên dạy đơn môn cần tăng cường tập huấn các vấn đề cốt lõi giáo dục STEM. Về lâu dài, các trường sư phạm cần bổ sung các môn học giáo dục STEM trong chương trình đào tạo giáo viên, đặc biệt mở ngành đào tạo mới mang tính tích hợp liên môn như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý… nhằm đào tạo giáo viên dạy STEM.
Ngoài cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cần nâng cao nhận thức về giá trị giáo dục STEM trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích giáo viên đơn môn chủ động, tích cực tham gia tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo về giáo dục STEM.
Chương trình đào tạo giáo viên cần quan tâm thích đáng đến giáo dục STEM. Xây dựng hướng dẫn về những chủ đề STEM trong các môn, lĩnh vực học tập của Chương trình GDPT 2018, tạo thuận lợi cho giáo viên tổ chức dạy học. Có chính sách, chế độ, quy định cụ thể với giáo viên dạy STEM… - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành