Hiểu đúng và đủ về kỷ luật tích cực trong nhà trường

GD&TĐ - Theo thầy Trần Mạnh Tùng, chúng ta nên hiểu đúng về kỷ luật tích cực trong nhà trường và không nên bỏ hình thức đình chỉ nếu học sinh vi phạm.

Học sinh Trường THPT Hoài Đức C, Hà Nội trong một giờ học trên lớp.
Học sinh Trường THPT Hoài Đức C, Hà Nội trong một giờ học trên lớp.

Nhìn nhận đúng bản chất vấn đề

Là giáo viên dạy Toán nhiều năm tại Hà Nội, thầy Trần Mạnh Tùng nhìn nhận, dự thảo thông tư Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dư luận về khen thưởng, kỷ luật học sinh phổ thông có nhiều điểm mới. Trong đó mức kỷ luật gồm: Nhắc nhở, phê bình, yêu cầu viết bản tự kiểm điểm; riêng học sinh Tiểu học chỉ ở mức nhắc nhở, yêu cầu xin lỗi.

Thầy Tùng viện dẫn, tại Điều 38, Thông tư 32/2020 của Bộ GD&ĐT đã ghi rõ, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

- Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.

- Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ các em khắc phục khuyết điểm.

- Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Theo quy định này, học sinh bị tạm dừng học ở trường do vi phạm kỷ luật nhưng nhà trường vẫn có trách nhiệm giáo dục, dạy học cho các em.

ky-luat-4.jpg
Thầy Trần Mạnh Tùng có nhiều năm gắn bó với Giáo dục Thủ đô. Ảnh: NVCC.

Trong khi đó, Điều 42, Thông tư 12/2011 của Bộ GD&ĐT quy định, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau: Phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn.

Thầy Trần Mạnh Tùng phân tích, nguyên tắc cơ bản của kỷ luật tích cực đối với học sinh đã được nhiều nước áp dụng (một số trường học của Việt Nam cũng đang áp dụng) bao gồm:

Tôn trọng và giữ gìn phẩm giá của học sinh: Không dùng phạt thể chất, nhục mạ hay hạ thấp nhân phẩm; giao tiếp tôn trọng, lắng nghe ý kiến học sinh.

Tập trung vào hành vi, không phán xét con người: Phân biệt rõ hành vi sai và cá nhân học sinh; giúp học sinh nhận ra hành vi sai và hậu quả của nó.

Dạy kỹ năng thay vì chỉ phạt lỗi: Hướng dẫn học sinh các kỹ năng như tự kiểm soát, giải quyết xung đột, giao tiếp hiệu quả, biết chịu trách nhiệm; xây dựng thói quen tốt, hành vi tích cực.

Kỷ luật tích cực sẽ tạo môi trường an toàn, hỗ trợ và nhất quán bằng cách thiết lập quy tắc rõ ràng, công bằng và áp dụng nhất quán; giáo viên và học sinh cùng tham gia xây dựng nội quy.

Khuyến khích và công nhận hành vi tích cực: Khen thưởng, động viên thay vì chỉ trừng phạt; sử dụng lời khen cụ thể để củng cố hành vi tốt.

Giải quyết vấn đề dựa trên hợp tác và thảo luận: Thay vì áp đặt, khuyến khích học sinh tham gia giải quyết mâu thuẫn và sửa sai. Thực hiện các cuộc họp hòa giải, trao đổi để tìm cách khắc phục.

Phát triển ý thức trách nhiệm cá nhân và cộng đồng: Học sinh được khuyến khích chịu trách nhiệm về hành vi của mình; phát triển tinh thần giúp đỡ, tôn trọng người khác.

Hướng đến sự thay đổi lâu dài và phát triển toàn diện: Mục tiêu là giúp học sinh trở thành người tự giác, tự tin, có kỹ năng sống tốt. Kỷ luật là một phần của quá trình giáo dục, không chỉ là phản ứng tức thời với vi phạm.

Không nên bỏ hình thức đình chỉ học sinh

ky-luat-3.jpg
Thầy Tùng chữa đề Toán cho học sinh trên lớp. Ảnh: Khôi Nguyên.

Thầy Trần Mạnh Tùng chia sẻ, qua một số nghiên cứu quốc tế cho thấy, đình chỉ học sinh có thể là công cụ cần thiết trong những tình huống nghiêm trọng như bạo lực hoặc đe dọa an toàn học sinh. Dù vậy vẫn cần có sự cân bằng giữa trừng phạt và hỗ trợ giáo dục.

Đình chỉ học sinh có thể là công cụ cuối cùng khi các biện pháp khác không hiệu quả, nhất là để xử lý những hành vi nguy hiểm hoặc lặp lại. Tuy nhiên, cần đảm bảo thủ tục công bằng và hỗ trợ học sinh quay lại học tập. Thực thi kỷ luật nghiêm khắc có kiểm soát, có khung pháp lý rõ ràng.

Nếu Việt Nam bỏ hoàn toàn hình thức đình chỉ học sinh, dù với mục đích nhân văn thì theo thầy Tùng, vẫn tiềm ẩn nhiều hệ quả tiêu cực cả về mặt quản lý nhà trường lẫn sự phát triển hành vi của học sinh.

Trong đó, sẽ giảm tính răn đe và kỷ cương trong trường học: Không có biện pháp kỷ luật mạnh tay, học sinh có hành vi vi phạm nghiêm trọng (như đánh nhau, mang hung khí, xúc phạm giáo viên, rủ rê hút thuốc, quấy rối...) có thể không thấy hậu quả trực tiếp, dẫn đến gia tăng tái phạm hoặc lan truyền hành vi xấu.

Việc “viết bản kiểm điểm” rất nhanh chóng sẽ bị "nhờn thuốc" và vi phạm sẽ tiếp tục tăng. Các học sinh khác có thể cảm thấy thiếu công bằng, dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống kỷ luật của nhà trường. Bỏ đình chỉ học sinh không còn là giáo dục mà là đang buông lỏng.

Nếu không thể loại học sinh có hành vi đe dọa an toàn người khác ra khỏi môi trường lớp học một thời gian, giáo viên và học sinh khác có thể cảm thấy lo sợ, căng thẳng khi học chung.

Một số giáo viên có thể bỏ qua vi phạm, hoặc mất động lực làm việc vì thấy nhà trường thiếu công cụ hỗ trợ họ xử lý học sinh cá biệt. Nền nếp không tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập và rèn luyện của học sinh. Nếu sự việc kéo dài, nhiều người sẽ thấy sợ, không dám làm giáo viên.

"Bỏ đình chỉ học sẽ thiếu thời gian để can thiệp sâu, riêng biệt. Đình chỉ có thể tạo khoảng thời gian "tạm ngắt" để học sinh suy nghĩ về hành vi của mình. Nhà trường và gia đình có thời gian họp bàn hướng hỗ trợ cụ thể. Chuyên viên tâm lý, quản lý học sinh có thể can thiệp cá nhân", thầy Trần Mạnh Tùng nói.

Ngoài ra, nếu học sinh vi phạm vẫn ở trường, việc theo dõi, giám sát và hỗ trợ trở nên quá tải với giáo viên chủ nhiệm và nhân viên tâm lý học đường, nhất là khi số lượng học sinh vi phạm tăng.

Không có hình thức đình chỉ sẽ gửi tín hiệu rằng vi phạm nghiêm trọng không bị xử lý nghiêm túc, làm xói mòn văn hóa kỷ luật và nền nếp. Học sinh tốt có thể cảm thấy thất vọng, giảm động lực vì thấy nỗ lực tuân thủ nội quy không được bảo vệ và tôn trọng.

"Do đó, theo quan điểm của tôi, tuyệt đối không nên bỏ hình thức đình chỉ học sinh nếu vi phạm. Áp dụng như Thông tư 32/2020 của Bộ GD&ĐT như hiện nay là đầy đủ và nhân văn. Nên áp dụng tạm dừng học có thời hạn; nhà trường vẫn có trách nhiệm giáo dục, dạy học cho học sinh. Đẩy mạnh áp dụng kỷ luật tích cực trong trường học và trong gia đình" - thầy Trần Mạnh Tùng kiến nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ẩn sâu dưới vẻ đẹp siêu thực như tranh vẽ, dãy núi cầu vồng ở Trung Quốc là kết quả của hàng triệu năm va chạm địa chất và biến đổi khoáng chất.

Giải mã Dãy Núi Cầu Vồng

GD&TĐ -Tựa như một hộp bút chì màu khổng lồ, công viên núi Cầu Vồng tại Trung Quốc gây hấp dẫn với những màu sắc sặc sỡ, tuyệt đẹp.