Hiểu biết cộng với công tâm bằng nhạy bén

Hiểu biết cộng với công tâm bằng nhạy bén

(GD&TĐ) - Ngày 15/5/2013, tức là sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 10 ngày và trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 một tháng rưỡi,  Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị ban hành CV số 872 yêu cầu “các đơn vị và cá nhân không được tổ chức dạy luyện thi vào lớp 10 chuyên và không chuyên dưới mọi hình thức”. Theo đó, các trường THCS tổ chức hướng dẫn cho học sinh lớp 9 ôn tập lại (trong thời gian biên chế của năm học) để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Văn bản quy định này của Sở GD&ĐT Quảng Trị đã nhận được sự ủng hộ cao không chỉ của các bậc phụ huynh học sinh mà của số đông các cán bộ, giáo viên trên địa bàn tỉnh. Vì sao như vậy?

Bớt áp lực chạy đua, mọi kỳ thi sẽ diễn ra thành công Ảnh minh họa: Thái Hòa
Bớt áp lực chạy đua, mọi kỳ thi sẽ diễn ra thành công      Ảnh minh họa: Thái Hòa

Sở linh hoạt, trò được lợi

Trên thực tế, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được thực hiện từ hàng chục năm qua ở tất cả các địa phương trong cả nước. Kể từ khi thực hiện bỏ bớt kỳ tốt nghiệp THCS, năm 2006, Bộ GD&ĐT cũng cho phép các địa phương vận dụng linh hoạt một trong 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10: Xét tuyển, thi tuyển và kết hợp thi với xét tuyển, kèm theo những hướng dẫn khá cụ thể. Mục tiêu cuối cùng hướng đến vẫn là vấn đề đảm bảo khách quan, công bằng và chất lượng.

Một cơ chế thông thoáng như vậy đã đặt ra quyền chủ động và linh hoạt cho những người “cầm quân”. Tùy hoàn cảnh thực tế trên địa bàn mà các địa phương có thể tổ chức thi hay xét tuyển, hay là kết hợp cả hai.

Sau quá trình tổ chức tuyển sinh, các địa phương cũng có thể rút kinh nghiệm để điều chỉnh. Chẳng hạn ở Quảng Nam, sau một vài năm tổ chức thi vào lớp 10 để xảy ra sơ xuất dẫn tới sai sót đáng tiếc đã đi tới quyết định không tổ chức thi mà quyết định tuyển sinh  theo hình thức xét tuyển phân luồng tại các huyện, thành phố trong tỉnh. TP Hồ Chí Minh tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển, không tổ chức thi ở 9 quận, huyện bao gồm Q.2, Q.6, Q.9, Q.Bình Tân, Q.Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

Điểm chuẩn vào lớp 10 tại các quận không tổ chức thi tuyển xác định trên cơ sở kết quả học tập và xếp loại hạnh kiểm của HS trong 4 năm THCS, chỉ tiêu từng trường THPT. Sau đó, phòng GD sẽ phân tuyến cụ thể đối với từng HS theo nguyên tắc cư trú gần địa bàn trường nào thì học tại trường đó…

Chính sách phải bắt đầu từ thực tế

Tuy nhiên, dù tổ chức tuyển sinh theo hình thức nào đi nữa thì vấn đề đáng lưu tâm là phải đặt quyền lợi của thí sinh cũng như của người học lên trên hết. Việc cấm dạy thêm vào lớp 10 dưới mọi hình thức của Quảng Trị xuất phát từ thực tế, thay vì được nghỉ ngơi trong hè, học sinh THCS lại phải đi học thêm với lý do “luyện thi vào lớp 10” do giáo viên tổ chức ngoài nhà trường.

Điều này còn gây áp lực tiền bạc cho các bậc phụ huynh và làm ảnh hưởng tới tính khách quan trong điều động giáo viên làm giám thị coi thi, ảnh hưởng tới cả việc đánh giá thực chất chất lượng dạy học ở các trường THCS trên địa bàn. Hình thức xét tuyển ở Quảng Nam phù hợp với   đời sống kinh tế xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, tăng khả năng được học lên THPT cho học sinh ở những vùng thiếu điều kiện, cũng như hạn chế được tình trạng dạy thêm quá tải.  Hay như việc đổi mới cách ra đề, chấm thi vào lớp 10 ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh từ nhiều năm qua, việc tổ chức thi cũng có một tác dụng khuyến khích tính tích cực học tập của học sinh.

Một vấn đề không kém phần quan trọng cũng đã được nhiều địa phương quan tâm từ nhiều năm qua, đó là chọn môn thi vào lớp 10. Đa số các địa phương đều chọn ba môn cơ bản, có tính trung hòa là: Toán, Văn, Ngoại ngữ. Việc chọn 3 môn: Toán, Vật lý, Văn của Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế đã gây tranh cãi trong dư luận tuần qua, phần nhiều nhận phản ứng không mấy thuận lợi ở phía giáo viên và học sinh ở 2 lý do: Thứ nhất, môn Ngoại ngữ trong nhà trường đang là môn học có tính chiến lược. Thứ hai, Toán và Vật lý đều là môn khoa học tự nhiên. Liệu có công bằng hay không đối với những học sinh có thiên hướng nghiêng về khoa học xã hội? Trước dư luận, lý do mà Sở Thừa Thiên - Huế đưa ra để bao biện: chọn môn thi như vậy để gây sự bất ngờ, tránh cho học sinh khỏi học tủ, học lệch là thiếu thuyết phục.

Thế mới biết, sự nhạy bén rất cần thiết cho công cuộc đổi mới giáo dục chỉ có thể được hình thành từ hiểu biết và công tâm!

Hồng Thúy 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...