Hiện tượng tự tử và cảnh báo hiệu ứng tiêu cực từ các hội nhóm "rủ nhau tự sát"

GD&TĐ - Bệnh viện tâm thần Hà Nội khuyến cáo, tự sát là vấn đề nghiêm trọng và phức tạp. Để ngăn ngừa được hành vi tự sát cần phải làm rõ được nguyên nhân và từ đó lên một kế hoạch điều trị, trị liệu và hỗ trợ cụ thể.

Ảnh chụp màn hình facebook.
Ảnh chụp màn hình facebook.

Chỉ cần gõ từ khóa "tự tử" trên mạng xã hội Facebook, người dùng sẽ thấy hiện ra hàng loạt hội nhóm tiêu cực như Cộng Đồng Những Người Bị Trầm Cảm, Rối Loạn Lo Âu, Muốn Tự Tử hay Hội những người muốn tự tử,... thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia.

Theo Báo Kinh tế Đô thị, trong nhóm “Hội những người muốn tự tử”, không ít thành viên đăng tải các bài viết mang nội dung tìm hiểu về cách tự tử, cách “ra đi” một cách nhẹ nhàng, hay thậm chí là lên tiếng kêu gọi tụ tập cùng nhau để bàn kế hoạch tự tử chung.

Qua nội dung đăng tải cho thấy, hầu hết những người này đều đang phải chịu áp lực trước  biến cố lớn của cuộc đời như: Phá sản, thất nghiệp, nợ nần, ly hôn,… Các yếu tố này đã tác động mạnh mẽ đến đời sống vật chất và tinh thần của họ, thách thức sự thay đổi ở họ, khiến cho những bất ổn trong tâm lý ngày càng trầm trọng, không có cách giải thoát.

Tại những hội nhóm này, mỗi người có thể lập nhiều tài khoản ẩn danh mà không cần để lộ danh tính. Kèm với đó là dòng trạng thái tiêu cực thường xuyên được đăng tải như: “Tôi muốn chết nhưng tôi sợ chết một mình”, “Có thuốc nào ra đi nhẹ nhàng không?”, “Ai có thể đi cùng tôi?”,… Thậm chí, nhiều thành viên không ngần ngại đăng bài tìm mua các loại thuốc độc,...

Hệ lụy khó lường

Thông tin trên Báo Sức khỏe & Đời sống, TS. BS. Nguyễn Thị Thanh Mai (Bộ môn Nhi - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết: Theo số liệu của một vài nghiên cứu tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Tuy đây chưa phải là nghiên cứu diện rộng mà chỉ trên nhóm nhỏ, điểm nhỏ, nhưng điều đáng nói là phần lớn nguyên nhân dẫn đến tự tử thường do hội chứng trầm cảm.

Trẻ em, vị thành niên bị trầm cảm dẫn tới tự sát thường gặp trong các trường hợp gia đình có vấn đề như bố mẹ ly hôn, bản thân trẻ gặp khó khăn, thất bại trong tình yêu, quan hệ bạn bè, học tập, bị lạm dụng tình dục...

Ngoài ra, các căn bệnh tâm thần như tâm thần phân liệt, hoang tưởng, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách cũng có thể là nguyên nhân bệnh lý dẫn đến tự sát ở tuổi vị thành niên.

Ngày nay, xã hội hiện đại cũng đem đến những nguy cơ khác như sự tràn lan của các video độc hại trên youtube hướng dẫn treo cổ, cắt tay, tự tử theo những cách thức đặc biệt khiến nhiều trẻ xem và làm theo.

Trẻ có thể bị dẫn dắt khi vô tình tham gia các nhóm kín trên mạng và bị nhiễm những suy nghĩ lệch lạc về cái chết.

Đáng lo ngại hơn nữa là thực trạng sử dụng chất gây nghiện ở trẻ vị thành niên, thanh niên. Các chất này có thể gây ảo giác, hoang tưởng và dẫn tới những hành vi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà chia sẻ trên Báo Kinh tế Đô thị rằng: “Nếu nghe về một vấn đề tiêu cực mà người chia sẻ không phải là một nhà trị liệu tâm lý hoặc bác sỹ thì những bạn đó sẽ cảm thấy không có định hướng và tâm trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn. Đó là lý do vì sao những bạn bị căng thẳng, trầm cảm khi tham gia vào những hội nhóm như thế này thì tỷ lệ và suy nghĩ tiêu cực của các bạn lại gia tăng hơn. Chính vì thế mức độ trầm cảm của họ cũng từ đó bị tăng lên".

Khi có những mối quan hệ bất ổn hay cảm giác hư tổn về mặt cảm xúc, điều quan trọng là cần tìm được sự kết nối chuyên nghiệp đến các nhà tư vấn để đồng hành và chia sẻ. Và khi những vấn đề bệnh lý ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt thì cần tìm tới sự hỗ trợ chuyên nghiệp như bác sĩ, nhà trị liệu tâm lý,…

Đối với không gian mạng, mỗi người cần cân nhắc kỹ trước khi tham gia vào hội nhóm và nên tỉnh táo rời đi nếu cảm thấy đây là môi trường không lành mạnh. Bởi có thể một ngày, nếu thành viên tham gia không làm chủ bản thân, những hội nhóm này sẽ là "con dao hai lưỡi" gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tự tử đứng hàng thứ 10 trong số những nguyên nhân dẫn đến tử vong trên thế giới

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có hơn 1.500.000 người tự tử, và tự tử đứng hàng thứ 10 trong số những nguyên nhân dẫn đến tử vong trên thế giới.

Đặc biệt, đối với độ tuổi thanh thiếu niên và người lớn dưới 35 tuổi, tự tử là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong.

Hiện tượng tự tử đã xảy ra từ thời xa xưa, và trong thời đại ngày nay, tỷ lệ tử vong do tự tử ngày càng tăng cao.

Theo thông tin đăng tải trên trang Bệnh viện tâm thần Hà Nội cho biết, khái niệm về ý tưởng tự sát, còn được gọi là ý nghĩ tự sát là khi một người đang suy nghĩ, cân nhắc hoặc lên kế hoạch tự sát. Ý tưởng tự sát có các mức độ từ những suy nghĩ thoáng qua, đến những suy nghĩ cụ thể, nghiền ngẫm cho tới kế hoạch chi tiết.

Toan tự sát là khi một người có những hành động nhằm mục đích gây ra cái chết cho bản thân mình  nhưng không thành công.

Tự sát là hành động của một người cố ý gây ra cái chết cho bản thân.

Những người nào có nguy cơ tự sát?

Về đối tượng có nguy cơ tự sát, theo thông tin từ Bệnh viện tâm thần Hà Nội cho biết, có các rối loạn tâm thần, như trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tâm thần phân liệt. 

Hoặc lạm dụng chất gây nghiện như rượu, ma túy,..

Đối tượng có sang chấn tâm lý gồm cấp diễn là mất người thân, chia tay, ly hôn, hoàn cảnh xã hội xung đột, bạo lực, chịu thảm họa, bị lạm dụng. Và bao gồm trường diễn là ở những nhóm người bị phân biệt, kỳ thị, bao gồm: những người tị nạn, dân tộc thiểu số, những người đồng giới, chuyển giới, và kể cả tù nhân.

Là những người có toan tự sát trong quá khứ.

Tự sát là căn bệnh có thể điều trị hiệu quả 

Tự sát phần nhiều có liên quan đến trầm cảm. Theo TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết trên SKĐS, điều đáng mừng đây là căn bệnh có thể điều trị hiệu quả trong thời gian không lâu nếu được phát hiện sớm.

Ở đây vai trò của người lớn bên cạnh trẻ rất quan trọng. Cha mẹ nên quan tâm tới con cái và cùng con chia sẻ với các vấn đề trong cuộc sống. Trẻ được chia sẻ và hướng dẫn tháo gỡ các vấn đề gặp phải sẽ không có tâm lý bi quan hay cực đoan.

Ngoài ra, nếu kết nối giữa cha mẹ với con cái không  được hoàn hảo mà điều này là thực tế thường gặp thì xã hội cần mở ra những cánh cửa khác cho trẻ có thể trao đổi về những vấn đề của mình.

Theo đánh giá của chuyên gia, ở Việt Nam vẫn còn thiếu các cơ sở tư vấn tâm lý trẻ vị thành niên sẵn có, tại các trường học hoặc bố trí ở từng khu vực, cộng đồng dân cư. Các hình thức tư vấn trực tuyến với mục đích ngăn ngừa tự sát cho trẻ vị thành niên, người trẻ cũng còn thiếu.

Nhiều bậc cha mẹ chưa có nhận thức đúng về trầm cảm và tự sát để có thể có ứng xử thích hợp.

TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Mai khuyên phụ huynh nên đưa con đi khám chuyên khoa tâm thần ngay khi nghi ngờ con cái có vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm.

Bởi trẻ có thể khó khăn khi chia sẻ với bố mẹ nhưng với các chuyên gia lại dễ dàng hơn nhiều. Đừng để, những cái chết do tự sát ở trẻ vị thành niên tiếp tục xảy ra trong sự bất ngờ đầy đau đớn của người lớn!

Nếu một người bạn biết đang có ý định tự sát

Các dấu hiệu mà bạn có thế thấy là đe dọa sẽ tự sát. Nói những điều như: “Sẽ không có ai nhớ tôi khi tôi ra đi”.

Tìm cách tiếp cận với thuốc trừ sâu, thuốc độc, súng hoặc tìm kiểm các phương thức tự sát trên internet.

Nói lời tạm biệt với những người thân trong gia đình và bạn bè, cho đi những tài sản quý giá, hoặc viết di chúc.

Những điều bạn có thể làm

- Tìm một thời điểm thích hợp và một nơi yên tĩnh để nói về việc tự sát với người mà bạn lo lắng. Khuyến khích người đó tìm kiếm sự giúp đỡ những người có chuyên môn như bác sĩ tâm thần, bác sĩ tâm lý hoặc nhân viên xã hội.

- Nếu bạn nghĩ rằng người đó đang có nguy cơ rất cao thực hiện tự sát, đừng để người đó một mình. Cảnh báo cho các thành viên khác trong gia đình. Cố gắng thuyết phục và đưa người đó đến ngay các bệnh viện chuyên khoa tâm thần, đảm bảo rằng người đó không tiếp cận được các phương tiện tự gây hại.

Nếu bạn đang cảm thấy không thể tiếp tục sống nữa

Những gì bạn có thể đang nghĩ hoặc cảm thấy lúc này

- Cuộc sống vô vọng và không có ý nghĩa, sự đau khổ là quá mức và bạn không tìm thấy cách giải quyết nào khác ngoài cái chết.

- Bạn cảm thấy cô đơn, không có giá trị, và nghĩ mọi người sẽ tốt hơn nếu bạn ra đi.

Bạn cần nhớ rằng

- Bạn không đơn độc. Nhiều người khác đã trải qua những gì bạn đang trải qua và còn sống đến hôm nay.

- Có những người có thể giúp bạn.

Những điều bạn có thể làm

- Nói chuyện với một người thân mà bạn tin tưởng, cũng có thể là một người bạn hoặc -một đồng nghiệp về cảm giác của bạn.

- Tìm đến những người có chuyên môn như bác sĩ tâm thần, nhà tư vấn tâm lý hoặc nhân viên xã hội.

- Tham gia một nhóm hỗ trợ cùng với những người đã từng muốn làm hại bản thân. Bạn và những người đó có thể giúp nhau để cảm thấy tốt hơn.

- Nếu bạn đang có ý muốn gây hại cho bản thân mãnh liệt, hãy liên hệ hoặc đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần ngay lập tức.

Tự sát là một vấn đề nghiêm trọng và phức tạp. Để ngăn ngừa được hành vi tự sát cần phải làm rõ được nguyên nhân và từ đó lên một kế hoạch điều trị, trị liệu và hỗ trợ cụ thể.

Bệnh viện tâm thần Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ