Lý giải việc nhiều ngôi đền , chùa cứ khai hội là trời mưa to, nổi giông bão, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện, Viện Vật lý kỹ thuật (đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Vào mùa lễ hội, trời hay có mưa lớn có thể do nó có một quy luật riêng.
Đôi khi, nó cũng chỉ là trường hợp ngẫu nhiên khi rơi vào thời điểm nào đó trong ngày nên mưa nhiều chứ không liên quan đến yếu tố tâm linh hay huyền bí như nhiều lời đồn đại. Một điểm nữa là lễ hội thì thường diễn ra vào mùa xuân, mùa đẹp nhất trong năm. Ngày Quốc khánh 2/9, ngày giỗ Tổ đền Hùng... cũng có hiện tượng này. Năm nào trời cũng đổ mưa, nhiều người tin vào lĩnh vực tâm linh thì cho rằng đó là nước mắt của trời, của nhân dân. Nhưng, họ không hiểu rằng, ở miền Bắc tháng Chín vẫn là mùa mưa nên tỷ lệ có mưa trước những ngày đó rất cao”.
Một nguyên nhân cũng được PGS.TS Nguyễn Trường Luyện đưa ra là do sự biến đổi của thời tiết. Khí hậu tuy có sự thay đổi, nhất là khi tình hình biến đổi khí hậu gia tăng, song thời tiết cũng có tính chu kỳ, tính lặp lại và tính xác suất cao - thấp... Do vậy, vào thời điểm đó, nắng hay mưa, giông lốc hay mưa đá... vào từng thời kỳ, từng khu vực, từng năm cũng là chuyện bình thường.
Nó cũng giống như mùa nào, thức nấy, thời kỳ nào, thời tiết nấy mà thôi. Tất nhiên, vị trí địa lý, mỗi vùng miền cũng có ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề mưa, nắng. Vấn đề “mưa rửa đền” do đó không thể gắn vào vấn đề tâm linh được, nên giải thích theo một quy luật của tự nhiên. Còn tin hay không thì tùy theo mức độ lòng tin vào tâm linh của mỗi người dân mà xem xét, tôn trọng.
Trong khi đó, TS. Vũ Bằng cho biết: “Vị trí địa lý, sự phân bố thời tiết, khí hậu theo từng miền cũng rất quan trọng trong quá trình phân bổ lượng mưa. Hà Nội ít bão gió vì nó nằm xa biển và có một nhịp môi trường, nhịp của tự nhiên khác nhau. Một năm có 12 tháng và nó vận hành theo quy luật của vũ trụ.
Do đó, “mưa rửa đền, rửa chùa” cũng là sự trùng khớp vào quy luật vận hành đó. Việc gắn một hiện tượng tự nhiên vào yếu tố tâm linh là do tưởng tượng, ý muốn của con người chứ thực tế không có thánh thần. Nhiều người đã thần thánh hóa mọi chuyện, để ngôi đền quê hương mình có sự linh thiêng hơn. Nó gần giống như một hình thức tự quảng cáo và đề cao truyền thống văn hóa quê hương mình”.