Những giá trị thực tiễn
Theo Vụ Giáo dục Mầm non (GDMN), thời điểm từ tháng 2 - 5/2018, tổng số trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi thuộc đối tượng được hưởng chính sách là 989.851 trẻ (chiếm tỷ lệ 20,9% tổng số trẻ 3 - 5 tuổi đến trường trên toàn quốc). Trong đó, trẻ em ngoài công lập được hưởng chính sách là 11.110 trẻ (chiếm 1,12% tổng số trẻ được hưởng chính sách). Tổng số kinh phí dự toán để thực hiện chính sách cho trẻ là 432.250,0 triệu đồng; kinh phí đã chi trả là 319.396 triệu đồng, tỷ lệ chi trả đạt 73,89% so với kinh phí dự toán. Có 37/59 đơn vị đã chi trả xong chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo. Có 14/59 tỉnh báo cáo đã chi trả chế độ cho trẻ nhưng chưa trả hết cho 100% số trẻ được hưởng chính sách. Nguyên nhân là do một số địa phương đã được duyệt dự toán nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ để chi trả.
Liên quan đến số tỉnh có giáo viên thuộc đối tượng chuyển xếp lương theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP, hiện tại cả nước có 33 tỉnh báo cáo có nhu cầu chuyển xếp lương. Tính đến tháng 9/2018, cả nước có 52.238 GVMN đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động. Trong đó, tại 33 tỉnh (có báo cáo thực hiện chuyển xếp lương theo Nghị định) có 33.635 giáo viên hợp đồng nhưng số chuyển xếp lương theo Nghị định chỉ có 21.280 người (63,3%). Một số đơn vị đã chuyển xếp lương xong cho giáo viên (Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tiền Giang, Hà Nam, Lào Cai). Các tỉnh hiện nay có nhiều giáo viên hợp đồng lao động do nhu cầu thực tế thiếu giáo viên để thực hiện công tác chăm sóc trẻ nhưng số giáo viên thuộc đối tượng đủ điều kiện chuyển xếp lương theo Nghị định thấp hơn số lượng giáo viên hợp đồng hiện có mặt.
Thực hiện chính sách đối với GVMN dạy 2 buổi/ngày tại nhóm trẻ, lớp mẫu ghép từ 2 độ tuổi trở lên ở điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người DTTS tại các điểm lẻ ở cơ sở GDMN công lập thuộc vùng có điều kiện KTXH ĐBKK. Có 42/63 tỉnh có giáo viên thuộc đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị định, với tổng số 27.413 người. Trong đó 13.592 người thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ dạy lớp ghép, 13.821 người thuộc đối tượng được hưởng chính sách dạy tăng cường tiếng Việt. Việc hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 5/1/2018 của Chính phủ đã giúp duy trì tỷ lệ chuyên cần và tỷ lệ học 2 buổi/ ngày, đặc biệt đối với đối tượng trẻ em thuộc gia đình hộ nghèo, trẻ vùng núi cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, giúp duy trì vững chắc việc thực hiện phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại cơ sở GDMN.
Thuận lợi và khó khăn
Đến thời điểm này, tại một số địa phương việc chỉ đạo thực hiện chính sách chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố ban hành văn bản chậm. Một số địa phương chưa chủ động trong công tác hướng dẫn thực hiện Nghị định, còn chờ hướng dẫn của cấp trên, chưa thật sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo dẫn đến việc phối hợp giữa Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ, Sở Tài chính còn gặp khó khăn, mặt khác việc giao chủ trì thực hiện công tác xét duyệt chính sách tại các địa phương khác nhau, sự phối hợp giữa các sở và UBND cấp huyện chưa chặt chẽ, nên việc thực hiện chính sách còn chậm. Công tác thẩm định hồ sơ, đối tượng, chế độ theo Nghị định chưa đảm bảo về tiến độ, thời gian theo quy định tại Nghị định, nhiều đơn vị thẩm định chính sách chậm hơn so với mốc thời gian quy định trong Nghị định.
Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW của Trung ương về việc tinh giản biên chế trong các cơ sở công lập, các địa phương hiện nay rất lúng túng đối với việc sắp xếp, tuyển dụng đội ngũ giáo viên đảm bảo nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ; cũng như thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên hợp đồng lao động, nhiều tỉnh chưa cho phép tuyển dụng đội ngũ hoặc triển khai rất chậm. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tổng hợp từ các địa phương, tính đến thời điểm 30/9/2018, số giáo viên hợp đồng lao động của cấp học mầm non là 52.238 người. Tuy nhiên, số giáo viên thuộc đối tượng được chuyển xếp lương theo Nghị định 06 lại rất thấp.
Cùng với đó là việc ở một số nơi, số trẻ ra lớp lại tăng nhanh, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng bổ sung đội ngũ giáo viên để đáp ứng công tác chăm sóc giáo dục trẻ rất lớn. Các địa phương chưa đáp ứng kịp do thiếu biên chế, thiếu kinh phí, vướng mắc về tính pháp lý khi ký hợp đồng lao động. Từ đó, tỷ lệ giáo viên/lớp ở một số địa phương rất thấp; ảnh hưởng lớn đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; nguy cơ mất an toàn; giáo viên chịu áp lực cao, lương chưa tương xứng nên đã có tình trạng giáo viên bỏ nghề… Việc kinh phí tăng thêm để chi cho trẻ và giáo viên được hưởng chế độ chính sách chưa có trong dự toán ngân sách năm 2018; các đơn vị chưa được cấp bổ sung nên dẫn đến chậm chi trả, cũng là trở ngại trong việc thực hiện Nghị định.
Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ còn nhiều bất cập. Ví dụ như vướng mắc trong việc xác định đối tượng trẻ được hưởng chính sách. Có địa phương không chi trả chính sách cho trẻ mẫu giáo học ở các nhóm trẻ tư thục đã được cấp phép hoạt động. Nhiều ý kiến cho rằng, việc kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo chưa được cấp bổ sung kịp thời do công tác lập dự toán, do triển khai chậm, quy trình hoàn thiện thủ tục hồ sơ... nên cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong tổ chức ăn trưa cho trẻ em nhất là thời điểm đầu năm học. Cũng như vậy, việc làm hồ sơ thẩm định, phê duyệt chính sách cho trẻ còn vướng mắc, cần quy định thêm cho rõ ràng để thực hiện. Thời gian chi trả chế độ hỗ trợ cho trẻ em mẫu giáo theo quy định của Nghị định chậm chưa kịp thời để đáp ứng ngay cho nhu cầu chi phí của trẻ.