Hiến gan cứu con trai, cặp vợ chồng phát hiện sự thật đau lòng

Hiến gan cứu con trai, cặp vợ chồng phát hiện sự thật đau lòng

Bà Hứa, 52 tuổi, sinh ra và lớn lên ở thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, nhưng sau đó bà chuyển tới thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây sinh sống. 

Ngày 16/6/1992, bà Hứa hạ sinh một bé trai nặng 3.5kg, được đặt tên là A Bân tại Bệnh viện Y Khai Phong số 2 ở tỉnh Hà Nam (nay là Bệnh viện Hoài Hà thuộc Đại học Hà Nam).

Sau khi sinh con, bà Hứa chưa kịp nhìn mặt con thì A Bân đã được y tá đưa vào phòng chăm sóc dành cho trẻ sơ sinh. 3 ngày sau đó, bà Hứa được xuất viện và y tá giao trả A Bân lại cho bà.

Tới năm lên 2, khi kiểm tra sức khỏe để chuẩn bị đi học mẫu giáo, A Bân được phát hiện bị viêm gan B. Lúc đó, bà Hứa có chút lo lắng, luôn nghĩ rằng tại sao con trai bà lại bị nhiễm căn bệnh này mặc dù A Bân gần như không tiếp xúc với người ngoài. 

Cả bố mẹ tôi đều không mắc phải căn bệnh này. Tôi và chồng có thể chất rất tốt, điều này thực sự kỳ lạ“, bà Hứa thắc mắc.

Tuy nhiên, sự thắc mắc đó nhanh chóng bị gạt sang một bên và thay vào đó là mối quan tâm làm sao để trị bệnh cho A Bân. Trong suốt hơn 20 năm qua, ông Diêu, chồng của bà Hứa, đã cùng vợ đưa A Bân đi khắp nơi để tìm thầy chữa bệnh.

Mỗi tháng, gia đình bà Hứa phải chi hơn 1.000 tệ (khoảng 3.3 triệu đồng) để mua thuốc cho con uống. “Vì con trai tôi bị bệnh, nên chúng tôi chăm sóc nó rất cẩn thận, chẳng bao giờ để nó làm việc gì nặng“, bà Hứa nói.

Do từ nhỏ thể chất đã yếu nên A Bân luôn mơ ước được trở thành bác sĩ, vì vậy mà trong kỳ thi tuyển sinh đại học, A Bân đã thi vào ngành y. Sau khi tốt nghiệp, A Bân làm việc trong một đơn vị y tế rồi kết hôn và sinh con như bao người khác.

Tới ngày 17/2/2020, khi A Bân về nhà bố mẹ để chuẩn bị đón năm mới thì bỗng nhiên anh cảm thấy khó chịu. Tới bệnh viện kiểm tra, A Bân như bị sét đánh ngang tai khi nhận tin anh bị ung thư gan. Lúc này, vợ chồng bà Hứa đã gác lại công việc để đưa A Bân đi chữa bệnh.

Vào cuối tháng 3, họ tới Bệnh viện Trung Sơn thuộc Đại học Phục Đán ở Thượng Hải. Trao đổi với bác sĩ, bà Hứa nói rằng bà sẵn sàng hiến gan cho con trai, nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy A Bân thuộc nhóm máu AB, trong khi vợ chồng bà Hứa đều có nhóm máu A.

Vợ chồng bà Hứa vô cùng sốc vì khi cả bố và mẹ có nhóm máu A thì con sinh ra không thể có nhóm máu AB được. Sau đó, bà Hứa đã lén xét nghiệm giám định ADN của A Bân với vợ chồng bà mà không cho A Bân biết. Kết quả xét nghiệm cho thấy, vợ chồng bà Hứa và A Bân không có mối quan hệ ruột thịt.

Để tìm con trai thất lạc, đầu tháng 4, ông Diêu tới Bệnh viện Hoài Hà, nơi vợ ông sinh con để điều tra. Bệnh viện cho biết, có 3 bé trai được sinh ra cùng lúc với A Bân, nên có nhiều khả năng con trai ruột của ông là một trong 3 đứa trẻ đó.

Sau nhiều ngày tìm kiếm thông tin, ông Diêu nghi ngờ Quách Quách (tên nhân vật đã được thay đổi) ở thị trấn Trú Mã Điếm có thể là con ruột của ông. Tới ngày 8/4, với sự giúp đỡ của cảnh sát địa phương, ông Diêu đã gặp được Quách Quách và cha nuôi của anh.

Báo cáo xét nghiệm giám định quan hệ cha con ngày 21/4 cho thấy, Quách Quách chính là con ruột của vợ chồng ông Diêu, trong khi đó, A Bân là con của ông Quách. Cuối cùng sau 28 năm thất lạc, hai gia đình này mới tìm được máu mủ ruột thịt của mình. 

Cảnh tượng bà Hứa ôm con trai khóc nức nở tại nhà ga tàu điện ngầm sau 28 năm khiến ai cũng cảm động rơi nước mắt.

Việc quan trọng nhất bây giờ là phải điều trị cho A Bân, tuy tôi không phải là mẹ ruột của nó nhưng dù gì tôi đã nuôi nấng nó suốt 28 năm qua. Chúng tôi muốn bệnh viện phải xin lỗi về việc này và nhanh chóng điều trị cho A Bân“, bà Hứa nói.

Theosaostar.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ