Hiểm họa với học sinh từ… xe đạp điện

GD&TĐ - Thời gian qua, tại Đắk Lắk đã xảy ra 2 vụ tai nạn liên quan đến học sinh đi xe đạp điện khiến 4 học sinh phải nhập viện cấp cứu.

Hai học sinh Trường THCS Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột bị tai nạn khi dùng xe đạp điện đi học được phóng viên Báo GD&TĐ cùng người dân đưa đi cấp cứu. Ảnh: QC
Hai học sinh Trường THCS Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột bị tai nạn khi dùng xe đạp điện đi học được phóng viên Báo GD&TĐ cùng người dân đưa đi cấp cứu. Ảnh: QC

Chủ quan, thiếu thông tin

Chị Trần Thị Hồng Hạnh, trú xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột thừa nhận, do không nắm rõ quy định của pháp luật nên vợ chồng chị đã mua xe đạp điện cho con từ năm học 2023 - 2024 khi cháu mới 11 tuổi (học lớp 5).

Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk, chỉ tính riêng từ ngày 1/9 - 22/10/2024 trên địa bàn tỉnh xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông, làm 50 người chết, 37 người bị thương. Trong đó, tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh là 11 vụ, làm 8 em chết, 8 em bị thương, 21 phương tiện hư hỏng.

“Đầu tháng 10/2024, con trai tôi và bạn học cùng lớp 6 (Trường THCS Hòa Phú) chở nhau đi học bằng xe đạp điện thì bị một thanh niên quê Gia Lai tông trúng. Sau đó, con tôi được phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đưa đi cấp cứu rồi giải thích thì mới biết, tôi giao xe cho con là chưa đúng quy định của pháp luật.

Cũng may cháu bị thương phần mềm chỉ nằm viện theo dõi 1 ngày là được về nhà đi học. Vợ chồng tôi thực sự ân hận, nếu con bị thương nặng hay gây tai nạn nghiêm trọng cho người khác thì không có cơ hội để sửa lỗi”, chị Hạnh tâm sự.

Anh Y Nắp Ksơr, trú tại xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông), năm học 2024 - 2025 cũng mua xe cho con gái với suy nghĩ rất đơn giản. Con gái vào lớp 5, vì bố mẹ bận làm công nhân ở công ty than không thể hàng ngày đưa đón con đi học nên đã mua xe đạp điện để con tự đi về.

“Tôi cứ nghĩ, từ nhà đến trường khoảng gần 2km, lại đi đường trong các buôn làng khá an toàn nên tôi mới giao xe cho con. Nay qua báo chí phản ánh mới biết, việc cho con đi xe đạp điện khi chưa đủ tuổi là vi phạm quy định của pháp luật”, anh Y Nắp kể chuyện rồi khẳng định: “Từ nay vợ chồng tôi sẽ phân công nhau đưa, đón con đi học, chứ lỡ tai nạn xảy ra thì ân hận lắm”.

Là người mẹ chứng kiến cảnh con trai lớp 5 thoát chết trong gang tấc khi xe đạp điện tông vào hông xe tải, chị T.N.T., trú xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk (mẹ em P.T.Q., lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi) run giọng chia sẻ:

“Xem lại clip đăng trên báo và mạng xã hội, vợ chồng tôi cũng như hai bên nội ngoại đều thấy choáng và không dám tin là con trai lại thoát chết thần kỳ như vậy. Sau khi tông trực tiếp vào hông xe tải, cháu T.G.B. đứng dậy la hét, con tôi thì nằm bất động. Ai cũng nghĩ đến tình huống xấu nhất. Sau ít ngày theo dõi, đến nay bác sĩ kết luận, cháu chấn thương phần đầu nhưng ở mức độ nhẹ”.

Chị T.N.T. bày tỏ nỗi ân hận vì mải lo làm ăn, không hiểu biết đầy đủ về pháp luật nên giao xe khi con chưa đủ tuổi, chưa đủ hiểu biết và thành thạo kỹ năng sử dụng: “Vụ tai nạn là bài học nhớ đời với gia đình tôi. Mong quý bậc cha mẹ đừng vì chiều chuộng mà đáp ứng những đòi hỏi chưa phù hợp của con. Cần dành thời gian để trao đổi với thầy cô giáo, nhà trường trong vấn đề dạy dỗ con”, chị T. nói.

hiem-hoa-tu-xe-dap-dien-1.jpg
Công an Đắk Lắk phối hợp các trường học tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: TT

Thoát chết thần kỳ và bài học cảnh tỉnh

Trong vòng 1 tháng, tại Đắk Lắk đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông khiến 4 học sinh bị thương phải vào viện cấp cứu.

Ngày 29/9, hai em N.H. và B.Q.T. đều là học sinh lớp 6, Trường THCS Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, trên đường đi học bằng xe đạp điện, khi qua đường thiếu quan sát đã tông vào xe mô tô do một thanh niên quê Gia Lai điều khiển.

Vụ tai nạn khiến cả ba bị thương, H. và T. bị thương ở chân, tay, đầu. Riêng N.H. còn rơi vào trạng thái hoảng loạn. Rất may, sau khi được cấp cứu, được bác sĩ xác định bị thương nhẹ nên cả hai đã được xuất viện trong ngày.

Đến ngày 26/10 lại xảy ra vụ tai nạn với hai học sinh lớp 5A1 - Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, đó là P.T.Q. và T.G.B. Khi Q. và B. điều khiển xe đạp điện chở nhau đến ngã 3 đã tông thẳng vào hông xe tải chở cát đang chạy trên đường lớn.

Sau cú tông, em T.G.B. đứng dậy la hét, còn em P.T.Q. nằm bất động. Cả 2 được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và xác định bị thương nhẹ.

Dù thoát chết thần kỳ, nhưng những vụ tai nạn đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng phụ huynh chủ quan trong việc giao xe đạp điện cho con.

Ông Nguyễn Tự Do - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cư M’gar nhận định, hiện nay nhiều bậc cha mẹ thương, chiều con nên tìm cách mua xe đạp điện để con đi học thuận lợi. Tuy nhiên điều này sẽ rất nguy hiểm và luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn vì các em còn thiếu hiểu biết về Luật Giao thông lẫn kỹ năng điều khiển phương tiện di chuyển.

Theo thầy Do, thời gian qua ngành Giáo dục Đắk Lắk đã tích cực phối hợp các hoạt động tuyên truyền, nhưng sự chủ quan, thiếu hợp tác từ các bậc cha mẹ vẫn là bài toán khó trong việc bảo đảm an toàn cho con trẻ khi tham gia giao thông.

Theo Thiếu tá Hà Cao Hoàng - Phó Đội trưởng Đội Xử lý tai nạn, Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk, rất khó để người dân và cơ quan chức năng phân biệt xe đạp điện và xe máy điện. Nếu là xe đạp điện thì các em được sử dụng như xe đạp thông thường. Còn xe máy điện thì có quy định rõ độ tuổi mới được điều khiển.

“Không phải xe có bàn đạp thì gọi là xe đạp điện. Ngay cả lực lượng CSGT muốn xác định đúng thì phải mở nắp hộp máy ra xem số KW trên đó mới khẳng định đó là xe gì”, Thiếu tá Hoàng giải thích.

Ông Lưu Tiến Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk khẳng định, sở thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị, trường học tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, phụ huynh các em chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, trong đó có Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, hiện nay ở một số đơn vị trường học trong tỉnh nhiều phụ huynh vẫn rất chủ quan dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc. Đây là bài học cảnh tỉnh cho cả ngành Giáo dục cũng như các bậc phụ huynh.

Dễ nhầm xe đạp điện và xe máy điện

Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định: “Xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 KW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h”. Điểm e, Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định: “Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.